Dạo chơi trên sông Tùng Hoa
Để tới Cáp Nhĩ Tân, chúng tôi đã đặt được vé máy bay giá rẻ từ Hà Nội, quá cảnh ở Hạ Môn, thành phố ven biển thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, rồi bay tiếp tới Cáp Nhĩ Tân. Hôm chúng tôi tới Cáp Nhĩ Tân, nhiệt độ nơi đây gần âm 40 độ C, trong khi Hà Nội 20 độ C, chênh lệch khá lớn.
Nhưng do được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi (găng tay 2 lớp, áo lông vũ, áo khoác chống nước, quần nỉ, mũ len, mũ lông, khăn choàng len, giày đi tuyết, tất lông...), nên tôi luôn mặc kín mít mỗi khi ra đường, lại thêm mấy tấm dán giữ nhiệt ở chân và lưng, nên có thể chịu được cái lạnh thấu xương này. Cái lạnh nơi đây đã biến Cáp Nhĩ Tân thành chiếc tủ lạnh thiên nhiên khổng lồ.
Đi ngoài đường lâu, đôi chân bạn sẽ ngấm lạnh, bạn nên uống một cốc trà sữa nóng hay một chút rượu sẽ ấm người. Người dân Cáp Nhĩ Tân thường ở trong nhà khi trời lạnh và luôn có lò sưởi ấm sực trong nhà. Khi có việc cần thiết họ mới ra đường và mặc quần áo kín mít. Lên xe ô tô ở đây luôn có điều hòa nóng.
Sông Tùng Hoa biến thành sông băng |
Cáp Nhĩ Tân là phiên âm Hán-Việt, còn phiên âm tiếng quan thoại là Ha-er-bin và tiếng Anh là Harbin. Thực ra, Cáp Nhĩ Tân trong tiếng Mãn Châu có nghĩa là “nơi phơi lưới đánh cá”, một khu định cư nhỏ trên sông Tùng Hoa.
Biệt danh thành phố băng giá là do những mùa đông rét nhất Trung Quốc cùng sự phát triển các hoạt động giải trí mùa đông tại đây.
Thời tiết Cáp Nhĩ Tân có bốn mùa rõ rệt nhưng khá mát mẻ quanh năm, nhờ mang nét đặc trưng của gió mùa lục địa ôn đới trung bình.
Mùa đông ở đây kéo dài nhất năm với tuyết phủ trắng xóa thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thậm chí nhiệt độ có thể xuống đến mức âm 50 độ C. Còn mùa hè thường trong khoảng 2 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8), nhưng nhiệt độ trung bình cao nhất cũng chỉ ở mức 23,6 độ C nên vẫn mát mẻ, dễ chịu.
Theo kinh nghiệm du lịch, thời điểm lý tưởng để đến Cáp Nhĩ Tân là vào khoảng tháng 12 đến tháng 1 năm sau khi băng tuyết phủ kín đường phố. Lễ hội Băng đăng Quốc tế Cáp Nhĩ Tân là một trong bốn lễ hội băng tuyết lớn nhất thế giới cùng với Festival Tuyết Sapporo, Carnival Mùa đông Thành phố Québec và Festival Trượt tuyết tại Na Uy.
Kiến trúc Nga ở Cáp Nhĩ Tân |
Chi phí đi du lịch Cáp Nhĩ Tân không rẻ, khoảng 30-40 triệu/người cho tua từ 5-6 ngày. Rất may, chúng tôi biết tiếng Trung nên có thể đi du lịch tự túc, với chi phí chỉ bằng 1/3. Do là nước lớn và mức phổ cập tiếng Anh chưa tới các bản làng vùng sâu, vùng xa ở Trung Quốc, nếu không biết tiếng Trung thì bạn khó có thể đi du lịch tự túc, nên đa phần người Việt Nam đi du lịch Cáp Nhĩ Tân theo các tua du lịch.
Thời tiết lạnh giá đã biến cả dòng sông Tùng Hoa thành sân băng tuyệt vời để trượt băng và các trò chơi trên băng.
Thời tiết lạnh giá đã biến cả dòng sông Tùng Hoa thành sân băng tuyệt vời để trượt băng và các trò chơi trên băng.
Đứng trên cây cầu bắc qua sông, tôi thấy mấy con tàu đông cứng, đứng lặng yên trên sông băng. Các trò chơi trượt tuyết, đi ngựa trên sông băng… đã thu hút người dân Cáp Nhĩ Tân và khách du lịch tới sông băng Tùng Hoa. Tôi đã trả 50 tệ (khoảng 180.000 đồng) để ngồi trên xe ngựa đi dạo quanh lòng sông băng rất tuyệt.
Dọc theo bờ sông băng, người ta cào bớt băng để tạo thành những rãnh trượt cao khoảng 5-7m. Để chơi trò trượt băng, bạn có thể thuê ván trượt 20 tệ (70.000 đồng) và trượt thỏa thích tới khi nào chơi chán thì mang trả ván và lấy lại tiền đặt cọc 100 tệ (350.000 đồng). Lưu ý là đường rất trơn, nhất là khi băng tuyết tan, tôi đã mấy lần “vồ ếch” dù đi rất cẩn thận, nhưng ngã là điều không tránh khỏi ở đây.
Từ Cáp Nhĩ Tân, nhiều du khách thường đi thêm hơn 100km nữa tới làng tuyết Tuyết Hương để ngắm những ngôi nhà phủ tuyết trắng xóa giống như những cây nấm giữa trời đông giá rét ở Bắc Cực.
Kiến trúc Nga tuyệt đẹp ở Cáp Nhĩ Tân
Nhà thờ Thánh Sophia ở Cáp Nhĩ Tân được xây dựng vào tháng 3/1907 và trở thành nhà thờ Thiên Chúa giáo chính thống lớn nhất ở Viễn Đông. Nhà thờ được xem như nhân chứng lịch sử về cuộc xâm chiếm của Nga Hoàng vào Đông Bắc Trung Quốc.
Hiện tại nhà thờ đã trở thành Bảo tàng Nghệ thuật Kiến trúc Cáp Nhĩ Tân và là một trong những địa danh thu hút khách du lịch nhất ở Cáp Nhĩ Tân. Nhiều bạn trẻ tới đây thuê trang phục Mông Cổ và hóa trang thành những thiếu nữ Mông Cổ chụp ảnh bên ngoài nhà thờ.
Bên trong nhà thờ, dù không tổ chức thánh lễ, nhưng khách tham quan vẫn nghe thấy tiếng đàn piano thánh thót trong thánh đường do một nghệ sỹ chơi trong khung cảnh kiến trúc nhà thờ tuyệt đẹp. Giá vé tham quan nhà thờ là 20 tệ (70.000 đồng) và mua bằng quét mã QR và thanh toán Alipay, không dùng tiền mặt.
Cáp Nhĩ Tân còn được gọi là “Thành phố băng giá” hay “Moscow phương Đông”, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Thành phố này được gọi là thành phố băng giá vì lạnh giá quanh năm và gần Siberia của Nga.
Nhà hát lớn Cáp Nhĩ Tân nằm ở hòn đảo trung tâm văn hóa của quận Tùng Bắc, gồm một nhà hát lớn (1.600 chỗ ngồi) và một nhà hát nhỏ (400 chỗ ngồi).
Tòa nhà mang thiết kế hình hyperboloid đặc biệt, mang tính đột phá kiến trúc ở Cáp Nhĩ Tân và được bình chọn là “Công trình kiến trúc đẹp nhất thế giới 2015”.
Nếu đã tới Cáp Nhĩ Tân, bạn đừng quên đi dạo chơi ở phố đi bộ Trung ương với 71 tòa nhà theo phong cách châu Âu, trong đó có 13 tòa nhà được thành phố bảo vệ theo phong cách Phục hưng, Baroque và hiện đại.
Dọc con phố này, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng băng đã được tạo ra và đặt trên đường phố cho du khách thưởng ngoạn như xe ngựa, người tuyết, nhà tuyết… mà không lo tan chảy trong thời tiết lạnh giá của Cáp Nhĩ Tân.
Trò chơi hắt nước lên không trung và nước đóng băng ngay lập tức |
Trước đây, Cáp Nhĩ Tân có tỷ lệ người nước ngoài tương đối lớn, trong đó người Nga xa xứ chiếm đa số. Lối sống và phong tục tập quán của người nước ngoài có ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục ăn uống của người Cáp Nhĩ Tân. Một số món ăn bạn nên thử khi đến đây là: món hầm Đông Bắc, mì xào thịt heo và rau muối, xâu mứt quả, xúc xích đỏ…