Tôi đi học đại học tại chức

Cảnh lớp học liên kết đào tạo kế toán của trường Cao đẳng nghề luyện kim. Ảnh: Trường Phong
Cảnh lớp học liên kết đào tạo kế toán của trường Cao đẳng nghề luyện kim. Ảnh: Trường Phong
TPO – "Đột nhập" vào các lớp học tại chức, lớp liên kết đào tạo, mới thấy được cách dạy của thầy, cách học của trò .

 > 'Người trong cuộc' nói về chất lượng đào tạo dân lập
 > "Nhảy dù" vào giảng đường dân lập

Cảnh lớp học liên kết đào tạo kế toán của trường Cao đẳng nghề luyện kim. Ảnh: Trường Phong
Lớp học buổi tối chỉ lèo tèo vài sinh viên. Ảnh: Trường Phong.

“Vào lớp làm gì, nộp được bài rồi thì về thôi”

Phải mất khá nhiều thời gian liên hệ, tôi mới thỏa thuận được với H – một sinh viên hệ tại chức cho đi học cùng lớp buổi tối. H là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng ngành bưu điện hai năm nay. Hiện tại vừa đi làm, H vừa học tại chức buổi tối tại một học viện ở Hà Nội.

Người này tư vấn: Nếu muốn vào học, một là phải đến sớm, ngồi sẵn trong lớp, khi đó, họ không soát thẻ. Hoặc chờ đến giờ giải lao giữa hai tiết vào lớp sẽ dễ hơn. Cũng theo người này, nếu ai nhờ, thuê học hộ, phải đưa thêm thẻ sinh viên và chứng minh thư cho người đi học, đề phòng bị soát thẻ lúc ra vào.

Chiều hôm đó, tôi đứng đợi H ở trước cửa phòng 305. Hơn 18 giờ, sinh viên hệ tại chức bắt đầu kéo đến khá đông. Các lớp học đều sáng đèn. Giảng viên bắt đầu làm việc. Gọi điện, H bảo tắc đường, đầu tiết sau mới đến.

Thấy vậy, tôi đành vào một lớp học gần đó với hơn 20 sinh viên, phần lớn đều đã lớn tuổi. Người mang laptop, người mang Iphone, Ipad đi học. Trên bục giảng, giảng viên trung tuổi nói về mạng xã hội, kinh doanh trực tuyến, Ebay, Facebook….

Cũng giống như lớp học dân lập mà tôi “nhảy dù” lần trước, phía trên thầy giảng bài, ở dưới, sinh viên rì rầm nói chuyện, trao đổi, nhắn tin. Thỉnh thoảng, một vài người lại chạy ra hành lang nghe điện thoại, hóng gió…

Dạy được hơn 40 phút, thầy giáo cho cả lớp nghỉ học. Thành viên trong lớp sung sướng vì được về sớm. Chờ sinh viên về hết, nhân viên nhà trường vào tắt điện, khóa cửa. Lớp học bên cạnh cũng… được về trước đó 15 phút…

Bỗng H gọi điện, cho biết địa điểm học được chuyển xuống dãy nhà cấp bốn gần chỗ KTX sinh viên. Đến nơi, H đang đứng cùng nhóm bạn, chờ đến lúc ra chơi vào lớp.

Ngồi ngoài, nhóm này đều khá lo lắng vì chưa nộp được bài tiểu luận, hơn nữa, không biết cô giáo có điểm danh không. Bỗng, lớp trưởng đi ra, cả nhóm hối hả chạy đến gửi bài. Nhận bài xong, lớp trưởng nổ máy, phóng đến nhà cô giáo. Xe vừa đi xong, bạn gái trong nhóm quay sang H “ Em vội quá, copy nguyên bài của chị. Không biết có bị phát hiện không nữa”.

Nộp xong bài, cả nhóm ngồi “buôn dưa lê” đợi giờ ra chơi vào lớp, điểm danh. Chờ mãi, sốt ruột, cả nhóm rủ nhau bỏ về.

Ăn cá chép mãi, quen rồi!”

18 giờ hôm sau, như đã hẹn với một sinh viên lớp buổi tối khác, tôi phóng xe đến địa điểm gần tòa nhà AIA trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. D cũng đã có bằng tốt nghiệp và đang đi làm, nay học lớp liên kết của trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim để lấy bằng Kế toán.

Theo lời D, lớp học kéo dài trong sáu tháng. Học được ba tháng bên trường Sân khấu điện ảnh thì không được thuê tiếp, phải chuyển về địa điểm trên đường Hoàng Quốc Việt.

Phòng học của D là nhà cấp bốn. Phòng khá rộng, kê được bốn dãy bàn, mỗi dãy 15 bộ bàn ghế. Nếu hết công suất, có lẽ phòng phải chứa được đến vài trăm sinh viên.

Trong phòng, bóng điện, quạt trần đầy đủ, chỉ có lớp cót trên trần nhà bị thấm nước, nhiều miếng bị mốc, thủng nham nhở. Sàn nhà lồi lõm, vỡ lở. Tối nay, lớp học vắng tanh, vì chỉ có hơn chục sinh viên đến lớp, dù có bài kiểm tra (sĩ số lớp hơn 40 sinh viên).

Từ cửa sổ nhìn ra, thấy dãy phòng bên cạnh đang ăn cơm, xem ti vi. Thỉnh thoảng tiếng leng keng của bát đĩa lại vẳng vào lớp học. Ngay sau phía cuối lớp học là nhà tắm, mấy nam thanh niên đang đi tắm, cười đùa ồn ã.

Nói là kiểm tra chứ thực ra chẳng khác nào làm bài tập nhóm. Không có giáo viên, ai thích làm thì làm, ai thích chơi thì chơi, cuối giờ chuyền cho nhau chép thoải mái.

Ở ngay phía trên chỗ tôi ngồi, hai cô nàng và một anh chàng buôn dưa lê đủ thứ chuyện. Nào là tóc tai, quần áo, ăn uống…. Buôn chán, anh chàng cầm điện thoại ra ngoài lớp gọi cho bạn buôn tiếp, không quên buông một câu với cô bạn ngồi cạnh “ Ngày bé ăn cá chép một lần, rồi ăn mãi, quen rồi”.

Ngồi chán, một cô mang điện thoại ra khoe “Có ai xem ti vi với mình không? Xem nay có tin tức gì hay nào?” Nói xong, cô nàng mang ti vi ra ngoài hành lang, ngồi cùng với nam thanh niên khi nãy, ngồi vừa xem ti vi vừa nói chuyện.

D cho biết, đây là môn Kinh tế vĩ mô. Bài kiểm tra khá đơn giản. Thế nhưng, nhiều “nhân viên kế toán” tương lai không thể giải nổi. Cá biệt, nhiều sinh viên đến lúc chép bài còn đi hỏi “ đề bài là gì”.

Thấy D làm bài xong, các sinh viên khác lao vào hỏi kết quả, chép bài. D nói: Các anh chị cẩn thận không làm rách bài kiểm tra của em, rồi thu xếp sách vở ra về.

Tôi hỏi, sao không chờ cô giáo đến thu bài, D cho biết, chưa chắc cô giáo đã đến. Một bạn nữ đi cùng D cho biết thêm: Chắc gì cô đã đến. Lúc đầu giờ cô nhờ một người đàn ông đến đưa đề bài kiểm tra cho lớp thôi mà”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG