Tộc người 'teo tóp' chuyển mình

Tộc người 'teo tóp' chuyển mình
TP - Si La (Cú Dề Xừ) ở Lai Châu, là một trong năm dân tộc ít người nhất Việt Nam. Cơ thể tộc người này nhỏ, chỉ nặng 40 - 45 kg, cao 1,45 - 1,60 m. Do quan hệ hôn nhân cận huyết thống nên họ có nguy cơ suy thoái nòi giống.

Ông Pờ Xè Chừ, Chủ tịch UBND xã Chung Chải, nói, năm 1973, một số người Cú Dề Xừ tại 2 bản Seo Hải và Sì Thao Chải (xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu) di dời đến bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. sinh sống. Ở Điện Biên chỉ duy nhất bản Nậm Sin có người Cú Dề Xừ sinh sống.

Tính từ năm 1973 đến nay, số hộ dân của bản Nậm Sin chỉ tăng từ 24 lên 44, với 171 khẩu, trung bình mỗi năm chỉ có 1 đứa trẻ được sinh ra. Người Cú Dề Xừ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, trồng ngô nên kinh tế khó khăn. Hệ thống giao thông tại đây không được phát triển nên việc sản xuất của bà con chỉ dừng lại ở việc tự cung tự cấp.

Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng phòng Dân tộc (Ủy ban Dân tộc tỉnh Điện Biên) nói, bản Nậm Sin nằm ở khu vực khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, ngay cạnh dãy núi Xì Thau Chải, cách trung tâm huyện lỵ gần 40km. Trước đây, bản không có đường ô tô, không có điện chiếu sáng, không nhà văn hóa, chỉ có duy nhất 2 phòng học cấp 4 xập xệ nên bà con gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Trước đây, muốn vào được bản Nậm Sin, buộc phải đi bè qua sông Đà, sau đó đi bộ xuyên rừng non 1km mới tới nơi.

Thay đổi da thịt

Giờ đây, 100% ngôi nhà ở bản Nậm Sin được xây dựng kiên cố, có điện nhờ những máy phát điện mini dùng sức nước. “Từ ngày có điện, bà con rất vui. Nhà có điều kiện thì mua ti vi, mua đài, cả bản rôm rả hẳn lên. Điều quan trọng là hằng ngày, bà con được nghe thông tin về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; học hỏi được kinh nghiệm sản xuất, đưa tiến bộ khoa học vào nuôi trồng, phát triển kinh tế VAC (vườn – ao – chuồng), vươn lên làm giàu với mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2,2 triệu đồng/năm”, ông Thoạn nói.

Từ chỗ tự cung tự cấp, đồng bào Cú Dề Xừ đã biết ươm cá giống bán và nuôi cá thương phẩm. Nhiều hộ dư thừa lương thực, thực phẩm bán cho các bản lân cận. Tỷ lệ hộ nghèo tại đây giảm xuống còn 72,5% (năm 2005 là 88,5%).

Từ khi Nậm Sin được đầu tư xây kiên cố mới 6 phòng học, 3 phòng công vụ cho giáo viên, nhiều con em Cú Dề Xừ theo học. Nậm Sin hiện có 79 học sinh cấp 2, cấp 3, một em đang học Cao đẳng Y tế Điện Biên.

Bà con cho biết, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, cũng phải cố gắng cho con em đi học chữ, học nghề để sau này có công ăn việc làm ổn định, không phải vào rừng lấy măng, hái rau rừng. Người Cú Dề Xừ ở Nậm Sin đã xóa bỏ được tập tục hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài 171 nhân khẩu sinh sống ở bản Nậm Sin, hiện dân tộc Si La còn khoảng 600 người sinh sống ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG