Toàn cảnh tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành sau khi được 'giải cứu'
TPO - Sau khi Quốc hội thông qua phương án vốn điều lệ cho Tổng Công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tại kỳ họp vừa qua, việc thi công tuyến cao tốc Bến Lức- Long Thành được tái khởi động.
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về giải quyết vốn cho VEC, trong đó có dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Hiện nay các nhà thầu gói A1, A3, A6, J1, J3 đã có các Thư khiếu nại VEC về các chi phí phát sinh do thời gian dừng chờ thi công kéo dài (trước khi chấm dứt hợp đồng) và các chi phí phát sinh đối với một số khối lượng chưa được thanh toán (đối với đoạn JICA trong giai đoạn trước)…
Công trình trụ đỡ nhịp cầu bắc qua sông Thị Vải vẫn chưa được đổ bê tông. Bên kia sông Thị Vải là huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Hiện tại, các nhịp cầu tại khu vực rừng đước thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã được lắp nhịp gần như liền mạch.
Mặt đường cao tốc cơ bản được hình thành ở đoạn này.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam, có tổng chiều dài hơn 57km đi qua địa phận TPHCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Ban đầu, dự án dự kiến 2018 khánh thành, nhưng đã lùi tiến độ hoàn thành vào năm 2025.
Các trụ cầu chỉ mới triển khai các hạng mục chuần bị cho phần đổ bê tông.
Đoạn đi xuyên qua rừng đước thuộc huyện Long Thành, đoạn gần cuối cao tốc vẫn còn 5 nhịp chưa liền mạch.
Tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, từ nguồn vay ODA Nhật Bản, ADB và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Tính tới tháng 6/2022, tổng khối lượng 11 gói thầu chính đã thi công đạt gần 79% khối lượng.
Những ngày qua, công nhân thi công tất bật tại công trình thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành.
Theo lãnh đạo VEC, các nhà thầu yêu cầu dừng hợp đồng có nguyên nhân do giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi giá trúng thầu được xây dựng từ năm 2015-2017, hiện giá vật liệu đã tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng và ký thanh lý, chuyển giao công trường, các nhà thầu này đều yêu cầu bồi thường thiệt hại do dừng thi công suốt 2-3 năm qua, thậm chí đưa ra trọng tài quốc tế. Do dừng thi công kéo dài, lại ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số nhà thầu đã rút hết nhân sự, máy móc về nước.
Một đoạn ngắn điểm kết thúc cao tốc ở huyện Long Thành được trải đá mi.
Cột mốc cây số tạm được cắm tại đoạn kết thúc của cao tốc.
Ông Trần Quang (75 tuổi), ngụ tổ 11, ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành xúc động: "Tôi thấy rất vui khi tiến độ nhanh hơn khoảng thời gian trước và tôi rất mong công trình hoàn thành sớm để không còn cảnh bụi bặm. Con đường này thông xe thì việc đi lại, vận chuyển hàng hoá nhanh lắm".
Việc xây dựng cũng không ảnh hưởng đến công việc làm ăn của bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt trên sông Thị Vải. Anh Nguyễn Văn Tài, một người đánh bắt cá nói: "Biết đâu con đường này hoàn thành, chúng tôi sẽ có thêm bạn hàng trực tiếp từ TPHCM, Long An".
Từ đầu năm 2021, VEC đã tạm ứng vốn để thanh toán phần khối lượng đã hoàn thành (khoảng 236 tỷ đồng) và tái thi công 2 gói thầu A5 và A7; ứng vốn để địa phương chi trả đền bù giải phóng mặt bằng với những hộ dân còn lại (khoảng 21 tỷ đồng).
Ba trục giao thông huyết mạch là cao tốc TPHCM-Trung Lương, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức- Long Thành liền mạch sẽ góp phần kết nối, thúc đẩy kinh tế của một vùng rộng lớn từ Đông sang Tây Nam bộ.
Trục giữa là cao tốc TPHCM-Trung Lương, vòng cung bên trái là đường ra vào cao tốc tuyến Vành đai 3, hai nhánh bên phải là đường ra vào cao tốc Bến Lức-Long Thành. Nút giao huyết mạch này nằm tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Bệ đỡ vượt đường dân sinh Mỹ Yên - Tân Bửu phủ màu thời gian.
Cao tốc Bến Lức-Long Thành đoạn qua sông Soài Rạp vẫn chưa hợp long. Công trình vẫn còn đang dang dở, bên dưới là đường số 1, nối dài đường Nguyễn Hữu Thọ.