Kiện người khác nhìn đắm đuối vợ mình: Xử không?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hiện đã có trong Bộ luật Dân sự hiện hành.
Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, ngay ở những nước có nền pháp lý phát triển, hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội.
“Việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự là cần thiết. Để áp dụng cơ chế này, trước hết phải tin tưởng và giao cho thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Lý nói. Đại biểu (ĐB) Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đồng tình: “Việc trao cho thẩm phán thực hiện quyền đó là đúng pháp luật và phù hợp”.
Quy định tòa án không được quyền từ chối giải quyết khi chưa có quy định của pháp luật tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tỏ ra tán thành với quan điểm bảo vệ quyền dân sự thông qua tòa án. ĐB Thúy nói rằng, nếu để người dân tự giải quyết với nhau, dễ dẫn đến tình trạng vấn đề dân sự trở thành hình sự.
“Tòa án không được từ chối giải quyết khi chưa có quy định của pháp luật”, ĐB Thúy đề nghị. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu ví dụ: “Một ông chồng kiện ra tòa một ông khác hay nhìn đắm đuối vợ mình và đòi bồi thường mấy triệu đồng. Tòa có giải quyết không? Tòa không giải quyết, ông chồng kia tức, đâm chết người kia, dẫn đến án hình sự”. ĐB Thuyền đề nghị phải cân nhắc, không nên để những vụ việc dân sự dẫn đến các vụ án hình sự một cách đáng tiếc.
Tình trạng “người vô hình”
Đề cập quy định về chuyển đổi giới tính, ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) đề nghị, Quốc hội nên xem xét vấn đề chuyển giới cả ở góc độ quyền con người và thực tiễn xã hội.
ĐB Thu cho rằng, người chuyển giới ở nước ta ngày càng thể hiện rõ hơn nhưng chưa được công nhận, chưa có quyền xác định lại giới tính. Mặc dù việc chuyển đổi giới tính đang tồn tại, nhưng họ vẫn phải sống trong cảnh “ngoài vòng phủ sóng”, như “người vô hình”.
Theo ĐB Thu, bản thân người chuyển giới đã phải chịu nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, y tế, an sinh xã hội, trong khi các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hợp lý.
Bên cạnh đó, một số trường hợp người chuyển giới bị xâm hại nhưng không, hoặc chưa được bảo vệ một cách thích đáng do chúng ta chưa công nhận chuyển giới.
ĐB Thu đề nghị ban soạn thảo thông tin thêm hiện nay có bao nhiêu quốc gia trên thế giới công nhận chuyển giới và hệ quả ra sao để Quốc hội có thêm cơ sở quyết định.
Liên quan quy định cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, điều này chưa thể hiện có thừa nhận chuyển đổi giới tính hay không.
ĐB Tám kiến nghị, nên thừa nhận việc chuyển đổi giới tính để quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới sẽ được giải quyết như những người khác. Quan điểm này nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều đại biểu.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị, những thông tin liên quan đời sống riêng tư cá nhân được thu thập, đăng trên phương tiện thông tin đại chúng thì phải được sự đồng ý, cho phép của cá nhân người đó và gia đình.