Phó giám đốc Bưu điện TP HCM Nguyễn Thu Vân cho biết, kể từ năm 1975 thì lần sơn, sửa này có quy mô nhất. Kinh phí thực hiện được Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chi trả. Ngoài sơn phết lại, đơn vị này còn kết hợp sửa chữa một số hạng mục bị dột trên nóc.
Bức phù điêu ngay cổng chính sau khi được sơn mới. Bưu điện TP HCM yêu cầu đơn vị thi công giữ nguyên kiến trúc cũ của tòa nhà. Mọi chi tiết phù điêu, hoa văn không được tác động hay thay đổi.
Du khách nước ngoài tỏ ra thích thú với màu sắc mới của tòa kiến trúc cổ.
"Kiến trúc độc đáo hàng trăm năm này đẹp hơn khi được trùng tu. Cảm ơn các bạn vì vẫn giữ nguyên các hoa văn, kiến trúc xưa cổ kính quý báu", một người nước ngoài sống lâu năm ở Sài Gòn cho biết.
Đơn vị thi công chia ra làm từng khu vực nên tòa nhà vẫn mở cửa để làm việc và phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong, ngoài nước bình thường.
Do tính chất quan trọng của tòa nhà, trước khi sơn, sửa, bưu điện TP đã lập ra hội đồng thẩm định để xem xét các khả năng để việc thi công không tác động đến giá trị công trình.
Trước khi thi công, bưu điện cho sơn một số chỗ để ngoài trời vài tháng để thử tác động của gió mưa. “Tòa nhà này rất quan trọng nên chúng tôi làm cẩn thận bởi đây là di sản của thành phố”, Phó giám đốc bưu điện cho biết.
Sau khi sơn phết bên ngoài, phía trong cũng được sơn mới. "Hơn 40 năm làm ở đây tôi thấy việc sơn sửa lại là cần thiết vì một số hạng mục đã bong tróc, màu sơn đã phai rồi", ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê nổi tiếng ở Bưu điện TP nói.
Bưu điện TP HCM cho biết kinh phí để sửa hết vài tỷ đồng do tòa nhà có diện tích lớn và đơn vị thi công làm theo hình thức cuốn chiếu. Dự kiến đến Tết Nguyên đán việc sơn sửa sẽ hoàn thành.
Tòa nhà Bưu điện thành phố cùng với Nhà thờ Đức Bà, thương xá Tax... là biểu tượng của TP HCM và được người Pháp xây dựng năm 1886 làm nơi truyền điện tín, thư từ. Trải qua 130 năm, tòa nhà vẫn giữ nguyên chức năng. Bưu điện TP cũng là địa điểm thu hút hàng nghìn khách du lịch quốc tế mỗi ngày.