Tòa không giải quyết thì dân sẽ dùng “luật rừng” (?)

Hình minh họa
Hình minh họa
TP - Lo ngại trên được bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh văn phòng T.Ư Đảng, Phó Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp T.Ư, nêu ra khi thảo luận về quy định “tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ án dân sự” trong phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), ngày 5/3.

Theo ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua xem xét, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp thấy rằng, không nên đưa vào trong dự thảo luật quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì chưa có điều luật quy định. Bởi khi chưa có quy định thì Tòa án sẽ không có căn cứ để xét xử.

“Hiện nay chúng ta không thể lường trước hết được những ngành nghề mới người dân được kinh doanh. Nếu xảy ra tranh chấp mà nói rằng tòa không giải quyết thì người ta sẽ giải quyết bằng “luật rừng”? 

Bà Lê Thị Thu Ba

Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, quy định “tòa không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật quy định” phải được đưa vào dự thảo luật. “Hiện nay chúng ta không thể lường trước hết được những ngành nghề mới người dân được kinh doanh. Nếu xảy ra tranh chấp mà nói rằng tòa không giải quyết thì người ta sẽ giải quyết bằng “luật rừng”? Vậy chúng ta lựa chọn cách nào? Hơn nữa chúng ta đã phát triển án lệ thì những trường hợp này cần được giải quyết”, bà Ba nêu quan điểm.

Về cơ chế đặc biệt để xem xét lại bản án, theo bà Ba, trong điều kiện hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi của người dân, tổ chức, đương sự là rất quan trọng. Do đó chúng ta mới quy định thủ tục đặc biệt là cho Hội đồng thẩm phán tự xem xét lại quyết định của mình. “Không vì một lý do gì mà để quyền lợi chính đáng của người dân bị xâm phạm”, bà Ba nhấn mạnh.

Ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao lý giải thêm, hiện nay xét xử giám đốc thẩm, và quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là phán xét cao nhất. Nhưng trải qua nhiều khóa Quốc hội (QH) thì thấy rằng, có những vụ án mà đặt ra rằng nếu có sai sót thì có xem xét lại không? Vì vậy chúng ta đưa ra quan điểm là người dân còn kêu và chúng ta thấy còn sai thì phải sửa. 

Ông Bình cũng cho rằng, việc quy định người dân phải nộp lệ phí xét đơn giám đốc thẩm không phải là việc hạn chế quyền của công dân không. “Chúng tôi quy định là nếu nộp lệ phí thì đơn sẽ được xem xét ngay xem có đủ điều kiện giám đốc thẩm không. Còn nếu không nộp lệ phí thì vẫn được xem xét nhưng trong khuôn khổ thời hiệu là 3 năm như quy định của pháp luật. Như thế sẽ hạn chế được tình trạng đưa đơn cầu may, tức là trước khi yêu cầu gửi đơn giám đốc thẩm anh cũng phải xem xét kỹ lưỡng xem có khả năng thắng kiện không”, ông Bình nói.

Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật của QH cũng đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân. 

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng, cần có cơ chế để bảo vệ đại biểu QH khi chất vấn. Vì thực tế hiện nay có những vấn đề đại biểu rất “đơn thương độc mã”, không được bảo vệ. Bên cạnh đó, quy định, từ khi nhận được văn bản chất vấn của đại biểu đến khi trả lời tới 6 tháng là quá dài.

“Có văn bản chất vấn tôi gửi đi, thậm chí hỏi trực tiếp thì 6 tháng sau mới nhận được trả lời. Như thế không còn tính thời sự nữa. Do đó nên quy định lại cho phù hợp, chứ làm gì lại để lâu đến thế”, ông Cương nói và đề nghị thêm rằng, đối với những vấn đề “nóng” thì bộ trưởng, trưởng ngành phải đăng đàn trả lời cho phù hợp. Chứ không nên để đăng đàn trả lời chất vấn theo hình thức luân phiên. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.