Thu hồi đất nhưng chưa bồi thường cho dân
Ngày 12/1, ông Đoàn Ngọc Hiền (SN 1973, ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) cho biết, vừa nhận được bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM liên quan đến vụ việc ông khởi kiện Sở TN&MT Bình Thuận yêu cầu huỷ một phần sổ đỏ đã cấp trên đất khai hoang của mình cho Công ty TNHH Bạch Hồ (gọi tắt Công ty Bạch Hồ, ở TP Phan Thiết). Trong bản án phúc thẩm số 1005 ngày 23/11/2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã trả hồ sơ yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận thu thập đầy đủ hồ sơ và xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Công ty Bạch Hồ rào đất của người dân tại phường Phú Hài khi chưa đền bù cho họ. Ảnh: C.H. |
Ông Đoàn Ngọc Hiền cùng bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1951) và Nguyễn Thị Lần (SN 1953, ở cùng huyện Hàm Thuận Bắc) là những người kiện Sở TN&MT Bình Thuận đã cấp sổ đỏ cho Công ty Bạch Hồ.
Đây là 3 trong 6 hộ dân có đất canh tác tại khu phố 5, phường Phú Hài nhưng diện tích đất của họ đã bị 'sang tên' cho công ty này làm dự án trồng rừng và du lịch khi chưa thực hiện việc đền bù. Hiện đơn kiện của bà Bảy và bà Lần đã được TAND tỉnh Bình Thuận thụ lý, nhưng bị hoãn xét xử nhiều lần. Còn tại bản án sơ thẩm số 44 ngày 24/5/2023, TAND tỉnh Bình Thuận đã bác yêu cầu huỷ một phần sổ đỏ đã cấp cho Công ty Bạch Hồ của ông Hiền.
Gia đình ông Hiền có 25.000 m2 đất bị nhà nước thu hồi giao cho Công ty Bạch Hồ, nhưng chưa được bồi thường. Tuy doanh nghiệp này được giao đất hơn chục năm qua, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện dự án. “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty Bạch Hồ từ năm 2006 và cấp lại ngày 21/2/2016, nhưng đến nay (tháng 9/2022 - PV) Công ty Bạch Hồ chưa có bất cứ một động thái nào để triển khai dự án. Điều này vi phạm Điều 64 Luật đất đai năm 2013, Luật đầu tư và vi phạm Quyết định chủ trương đầu tư số 2216/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty Bạch Hồ ”, ông Hiền bức xúc nói.
Các hộ dân tố cây trồng của họ tại khu đất phường Phú Hài bị kẻ lạ mặt đốt phá. Ảnh: C.H. |
Còn gia đình bà Lần đã khai hoang hơn 58.400 m2 đất (thửa đất số 2, tờ bản đồ 58) ở phường Phú Hài từ năm 1980. Hồi đó, nhiều người dân khác cũng cứ thế tới đây khai hoang, làm thêm kinh tế bằng hình thức trồng cây trái, tạo ra thu nhập cho cuộc sống. Từ đó họ là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất, và không có tranh chấp với ai cho đến khi khu đất được giao cho doanh nghiệp. Theo bà Lần, ông Nguyễn Văn Êm (nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Hài, sau này đổi thành phường Phú Hài - PV) đã nhiều lần xác nhận diện tích đất trên là do bà và những hộ dân khác canh tác nông nghiệp.
Đến năm 1993, khi địa phương thông báo việc đăng ký kê khai đất đai, bà Lần cũng làm thủ tục nộp thuế, xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất khai hoang của mình. Nhưng khi bà đến UBND phường Phú Hài xin đăng ký kê khai, cán bộ địa phương nói: “chưa thực hiện kê khai, khi nào có sẽ báo cho gia đình biết”. Đến năm 2005, bà tiếp tục tới phường này xin kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song cán bộ địa phương vẫn từ chối.
Bà Nguyễn Thị Lần trong ngôi nhà trên khu đất khai hoang ở phường Phú Hài. Ảnh: C.H. |
Nhưng bất ngờ, năm 2006 UBND Bình Thuận lại có quyết định thu hồi đất của gia đình bà cùng 5 hộ dân khác đang quản lý để giao cho Công ty Bạch Hồ thuê đất để làm dự án trồng rừng kết hợp làm khu du lịch nghỉ dưỡng. “Việc Nhà nước thu hồi đất theo chủ trương thì người dân chúng tôi không phản đối, nhưng khi giao đất cho doanh nghiệp thì phải đưa ra mức giá đền bù hợp lý. Hơn 17 năm qua, chúng tôi vẫn chưa được cơ quan chức năng phúc đáp”, bà Lần bày tỏ.
Người dân từng bị đánh nhập viện
Như Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh, năm 2012, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn số 900/UBND-NCP về việc giải quyết khiếu nại của người dân. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận giao cho UBND TP Phan Thiết kiểm tra và giải quyết theo trình tự của pháp luật. Nhưng đến thời điểm này, các hộ dân cho biết vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo ông Đoàn Ngọc Hiền, nếu ngay từ đầu các cấp chính quyền tỉnh Bình Thuận làm việc một cách công khai, minh bạch trong quá trình rà soát nguồn gốc đất trước khi cấp "sổ đỏ" cho doanh nghiệp thì đã không xảy ra khiếu kiện kéo dài và đã xảy ra những vụ xô xát giữa người dân và doanh nghiệp.
Người dân từng bị người của Công ty bảo vệ Đức Tuấn đánh nhập viện. Ảnh: C.H. |
Điển hình, trưa 8/6/2020, người dân hay tin Công ty Bạch Hồ cho người rào lại khu đất của người dân đang canh tác khu phố 5, phường Phú Hài đã tới kiểm tra. Khi họ phản đối hành động này, doanh nghiệp trên điều động hơn 30 người mặc đồng phục bảo vệ của Công ty bảo vệ Đức Tuấn vào khu đất, với ý định trấn áp, khiến hai phía xảy ra tranh cãi về nguồn gốc đất. Sau hồi kình cãi, những người này bỏ đi, sự việc mới lắng xuống.
Một lúc sau, khi người dân còn đứng lại khu đất của mình thì một xe bán tải màu vàng chạy tới chở theo hơn chục người. Trong tích tắc, một nhóm người mặc đồng phục bảo vệ của Công ty Đức Tuấn, bịt kín khẩu trang lao vào đám đông xô đẩy, đuổi đánh những người dân đang có mặt tại đây. Trong đó, 2 người bị nhóm này dùng gậy ba khúc đập bất tỉnh, phải đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận cấp cứu. Tại phiên toà vào tháng 7/2022, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt tù 3 nhân viên Công ty Đức Tuấn về tội cố ý gây thương tích trong vụ đánh hai người dân nói trên.
Một số đối tượng ngang nhiên đập phá nhà dân tại phường Phú Hài. Ảnh: người dân cung cấp. |
“Theo Điều 122 Luật đất đai 2003, Sở TN&MT Bình Thuận cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Bạch Hồ vào năm 2007 và cấp lại vào năm 2016 chỉ đúng quy định của pháp luật khi UBND tỉnh Bình Thuận đã tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng xong. Tuy nhiên, sau khi biết bị thu hồi đất vào năm 2011, ông Hiền và nhiều hộ dân bị thu hồi đất khác đã liên tục khiếu nại cho đến nay yêu cầu được bồi thường nhưng vẫn chưa được giải quyết khiếu nại. Do đó, để có cơ sở giải quyết vụ án thì cần phải xác minh, thu thập chứng cứ xem ông Hiền có được bồi thường đất hay tài sản trên đất theo quy định tại Điều 42 và khoản 3 Điều 43 của Luật đất đai năm 2003 hay không? ”, bản án phúc thẩm số 1005 của TAND Cấp cao tại TP.HCM nêu rõ.