Tài sản người kê khai không giải trình được

Tòa án hay thuế xử lý?

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Ðối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý, ngoài hai phương án đánh thuế và xử phạt hành chính, Ủy ban Tư pháp đưa ra phương án 3, là thông qua con đường tố tụng dân sự tại tòa án.

Thêm phương án mới

Chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Liên quan đến điều 57, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ngoài hai phương án thu thuế thu nhập cá nhân và phương án xử phạt hành chính trước đây, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.

Theo Ủy ban Tư pháp, ưu điểm của phương án 1 (thu thuế) thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Song, nhược điểm của phương án này lại chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch với ý nghĩa là một biện pháp nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đồng thời, việc quy định thuế suất 45% như dự thảo luật cũng chưa có căn cứ hợp lý.

Còn ưu điểm của phương án 2 (xử phạt hành chính) là bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập. Nhưng nhược điểm là mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là vấn đề mà thực tiễn công tác PCTN đang gặp rất nhiều vướng mắc.

Tòa án hay thuế xử lý? ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày thêm phương án mới xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phương án 3 (tố tụng dân sự), theo bà Nga, ưu điểm của phương án này là vừa thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, lại giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Phương án này cũng không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự.

Ủy ban Tư pháp lý giải, về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và Tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Phần thứ 2 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Về trách nhiệm chứng minh, Ủy ban Tư pháp cho rằng, phương án này không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự. Bởi vì Luật PCTN hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo luật.

Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai. Qua cân nhắc các phương án, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đều lựa chọn phương án 3 này.

Nhiều đồng thuận phương án xử lý qua thuế

Cho ý kiến về phương án giải quyết qua Tòa án, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất băn khoăn khi Ủy ban Tư pháp đưa ra lập luận: “Trong quá trình tranh tụng, Tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước”.

Không đồng tình với quy định như vậy, nhiều đại biểu cho rằng, vừa đưa ra tòa đã kết luận tiền đó thuộc sở hữu nhà nước như vậy là không hợp lý. Nếu Tòa án kết luận luôn như vậy thì sẽ không đảm bảo khách quan. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, điều này “cứ như thể đó là án bỏ túi rồi”.

Tòa án hay thuế xử lý? ảnh 2

Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: Nhật Minh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì nghiêng về phương án xử lý qua thuế thu nhập cá nhân. Ở các nước, họ đều có công cụ rất quan trọng qua con đường thuế, kiểm soát được rất chặt thu nhập, tài sản của công dân. “Đã có thu nhập phải thông qua hệ thống thuế. Còn trốn thuế đã có quy định xử phạt, nặng thì qua con đường hình sự”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc đưa ra Tòa án là rất văn minh. Nhưng bà Hải cho rằng, nếu quy định này 5 năm nữa có hiệu lực thì sẽ có khả năng kiểm soát được và việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Bởi vì lúc đó chúng ta đã thực hiện kiểm soát tài sản qua ngân hàng, còn hiện nay thì rất khó. Băn khoăn về tính khả thi khi đưa ra tòa, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, phương án truy thu qua thuế là khả thi nhất.

Cùng quan điểm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nói, phương án 3 này có ưu thế hơn, nhưng lại băn khoăn ở tính khả thi. Khi luật có hiệu lực, tôi e rằng không có vụ nào đưa ra tòa. Cần phải xem tính khả thi như thế nào, có đi vào cuộc sống hay không?, ông Học nêu, đồng thời cho biết, Ban Nội chính thiên về phương án xử phạt hành chính. Vì phương án này vừa thể hiện được tính nghiêm minh của nhà nước, đồng thời có thể áp dụng mức xử phạt 45%, vừa trực tiếp vừa gián tiếp.          

Kết luận phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rút lại còn hai phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý: Phương án giải quyết ra Tòa bằng tố tụng dân sự và phương án thuế. Tuy nhiên, đối với loại tài sản do tham nhũng mà có và có nguồn gốc từ tham nhũng thì phải tịch thu.
MỚI - NÓNG