Tổ chức khai thác gỗ trái phép, Trưởng ban quản lý rừng bị bắt

TPO - Chỉ đạo cấp dưới khai thác rừng trái phép, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà cùng 3 cán bộ, nhân viên cấp dưới bị khởi tố. Bước đầu cơ quan điều tra xác định các bị can đã khai thác 73m3 gỗ, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. 

Ngày 26/3, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận xác nhận cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã  khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận). 

Theo đó, ngày 25/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” , khởi tố bị can đối bị can đối với 4  cán bộ lãnh đạo, nhân viên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà (tại ở xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh)  để điều tra về hành vi tổ chức khai thác gỗ trái phép.

 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã  thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam ông Nguyễn Trọng Kiều (SN 1960, trú thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh), Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà; Hồ Quang Đạo (SN 1963, trú tại thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh) phân trường trưởng Phân trường Đa Mi, Đoàn Tiến (SN 1980, trú tại xã Bắc Ruộng, Tánh Linh) nhân viên thuộc Trạm bảo vệ rừng Đa Mi và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú các đối với Trương Minh Tâm (SN 1990, trú tại xã Mê Pu, huyện Đức Linh), nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi.

 Theo điều tra ban đầu, từ cuối năm 2015 đến tháng 8/2016, ông Nguyễn Trọng Kiều đã có hành vi lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các nhân viên thuộc Trạm bảo vệ rừng Đa Mi, cụ thể là ông Hồ Quang Đạo, Đoàn Tiến và Trương Minh Tâm, tổ chức khai thác trái phép trên 73m3 gỗ trong và ngoài lâm phần quản lý, gây hậu quả thiệt hại gần 470 triệu đồng.

Toàn bộ số gỗ trên được cưa thành các phách gỗ hộp và ngụy trang dưới hình thức thu gom, bảo quản gỗ tang vật. Phần lớn số gỗ này, sau đó được chuyển đưa về giao cho ông Nguyễn Trọng Kiều, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà sử dụng với mục đích cá nhân, số gỗ còn lại 03 nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi nói trên, đưa về nhà để sử dụng và bán lấy tiền tiêu xài.  

 Ngoài ra, BQL rừng phòng hộ La Ngà không thực hiện chế độ chi trả tiền công đi rừng, tiền công tác phí của nhân viên bảo vệ rừng trong nhiều năm mà giữ lại sử dụng vào mục đích khác. Lập danh sách hàng trăm hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhưng hầu hết người có tên trong danh sách không được nhận tiền

MỚI - NÓNG