Tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn quốc phòng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng - khẳng định vai trò của quân đội trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Tình hình mới đặt ra cho quân đội tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn công nghiệp quốc phòng mạnh.

Sáng 22/8, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo Đề án “Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trong tình hình mới”, khu vực phía Nam.

Hội thảo do Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, với sự tham dự của Thượng tướng Trần Đơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.

Tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn quốc phòng mạnh ảnh 1

Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng.

Tham luận tại hội thảo, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - khẳng định vai trò quan trọng của quân đội trong tham gia vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bởi quá trình này góp phần thay đổi vận mệnh của cả dân tộc.

Ông Lịch cho rằng, cần đặt nhiệm vụ quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong tổng thể đường lối xây dựng “nền kinh tế độc lập tự chủ” trong bối cảnh kinh tế thế giới và nước ta trong giai đoạn mới. Điều này không thể tách rời nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, TS Trần Du Lịch cho rằng phải bằng mọi cách chuyển nền kinh tế mang tính lệ thuộc vào đối tác sang mối quan hệ tương thuộc; đồng thời phải tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá và dịch vụ toàn cầu, xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt làm chủ thị trường trong nước và vươn tầm cạnh tranh ra thế giới. Các doanh nghiệp lớn của quân đội, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực tham gia và đóng vai trò quan trọng.

Tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn quốc phòng mạnh ảnh 2

TS. Trần Du Lịch trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng.

Cũng theo ông Lịch, ngoài việc tập trung vào 31 khu kinh tế - quốc phòng, quân đội còn cần tham gia đầu tư vào 18 khu kinh tế ven biển. Các khu kinh tế ven biển không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa an ninh quốc phòng, khi cần thiết các địa bàn này chính là nơi lưỡng dụng. “Xây dựng kinh tế ven biển là củng cố mặt tiền, đường ven biển và phát triển kinh tế ven biển là giữ mặt tiền của ta, các tập đoàn kinh tế lớn của quân đội tham gia vào”, ông Lịch nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng mong muốn quân đội đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu phục vụ cả về quân sự lẫn dân sự vì lợi ích quốc gia, dựa trên những lợi thế đại dương. Ngành công nghiệp quốc phòng và ngành công nghiệp đóng tàu phải là lĩnh vực mà quân đội cần tham gia. “Quân đội tập trung nguồn lực để làm và cần tránh thất bại như trường hợp của Vinashin”, ông Lịch lưu ý.

Ngoài ra, quân đội cũng cần tập trung phát triển các doanh nghiệp quốc phòng có năng lực cao, đủ năng lực sản xuất các loại vũ khí, thiết bị hiện đại, sản phẩm lưỡng dụng có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn dắt nền kinh tế đất nước trên một số lĩnh vực; đầu tư mạnh lĩnh vực công nghệ cao, các mô hình nhà máy thông minh, tự động hoá; robot, trí tuệ nhân tạo, in 3D…

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng - khẳng định vai trò của quân đội trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Theo Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương và tổ chức thực hiện điều chuyển gần 280.000 quân sang lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn quốc phòng mạnh ảnh 3

Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn tham luận tại hội thảo.

Quân đội đã tham gia xây dựng hầu hết những công trình lớn của quốc gia như: Tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam, nhà máy thủy điện Hòa Bình... Cùng với đó, các đoàn kinh tế quốc phòng làm nòng cốt trong xóa đói, giảm nghèo, từng bước phát triển thành vùng kinh tế, thành lập các khu dân cư với những mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng trọng yếu, các công trình ở các địa bàn khó khăn mà các doanh nghiệp dân sự khó thực hiện.

Cũng theo ông Tuấn, tình hình mới đặt ra cho quân đội tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn công nghiệp quốc phòng mạnh. Qua đó, tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, hiện đại, trên các địa bàn chiến lược trọng điểm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn công nghiệp theo hướng “lưỡng dụng” tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu quả, thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; đặt các yếu tố kinh tế - văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể thống nhất. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các dự án do nước ngoài đầu tư, liên doanh, liên kết được hướng dẫn, thẩm định chặt chẽ.

TPHCM cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lồng ghép giữa các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ. Trong đó, hình thành nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có tính lưỡng dụng, sẵn sàng huy động, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng.

MỚI - NÓNG