Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai
Hàng ngàn ngôi nhà bị sập, gió cuốn trong báo lũ trong suốt những năm qua trên dải đất miền Trung, cũng như vùng đất mà nó đi qua đã thôi thúc nhóm thiết kế trẻ của H&P Architects nghiên cứu giải pháp Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai.

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai

Hàng ngàn ngôi nhà bị sập, gió cuốn trong báo lũ trong suốt những năm qua trên dải đất miền Trung, cũng như vùng đất mà nó đi qua đã thôi thúc nhóm thiết kế trẻ của H&P Architects nghiên cứu giải pháp Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai.

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai ảnh 1
 

Thiên tai ở Việt Nam rất đa dạng: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, động đất, hạn hán,.. Thiệt hại do thiên tai ở nước ta thuộc loại lớn trên thế giới, không chỉ về tính mạng (~500 người chết / năm) và tài sản (~1,2% GDP cả nước), mà còn triệt phá cả cơ hội phát triển tại những vùng đất mà nó đi qua - đặc biệt là dải đất miền Trung khắc khổ. Hàng ngàn gia đình nhiều năm liên tiếp bị ảnh hưởng của bão luc, không hoát cảnh đói nghèo.

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai ảnh 2
 

Thực tế đó thôi thúc nhóm thiết kế nghiên cứu một giải pháp không gian hữu dụng - trước là đảm bảo chỗ ở (house), rồi sau sẽ trở thành tổ ấm (home) - cho hàng triệu đồng bào đang phải gồng mình vật lộn với thiên tai lũ lụt năm này qua năm khác.

Không gian này có thể sử dụng cho nhiều mục đích (làm nhà ở, lớp học, trạm xá,..), có thể đóng/ mở ở bên trong cũng như bên ngoài một cách linh hoạt khi cần, và có khả năng phát triển mở rộng thêm theo nhu cầu của cuộc sống.

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai ảnh 3
 

Vật liệu dân gian

Sau rất nhiều thử nghiệm, nhóm quyết định chọn vật liệu là cây tre. Loài cây được mệnh danh là 'thép thực vật' này là vật liệu dẻo dai, bền hơn gỗ sồi nhưng nhẹ hơn bê tông, sắt thép, có tính thẩm mỹ cao, thân thiện với môi trường. Khi gỗ rừng ngày càng cạn kiệt thì cây tre ngày càng có ý nghĩa sinh thái.

Theo chúng tôi được biết, năng suất một rừng tre gấp 25 lần so với rừng thông thường vì chỉ 3-5 năm sau khi trồng là đã có thể khai thác và không cần phải trồng mới vì măng tre mọc lại liên tục. Phương pháp dân gian xử lý tre là ngâm bùn và hun khói - kinh nghiệm cho thấy đã qua xử lý thì vật liệu tre có tuổi thọ 10-20 năm.

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai ảnh 4
 

Hình thành ý tưởng

Giải pháp được đề xuất từ năm 2008 với mục tiêu ban đầu là nhanh chóng cung cấp chỗ ăn, ở ổn định cho những người dân mất nhà cửa sau thiên tai. Đồ án được trao giải nhất của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Năm 2009 nhận giải Tác phẩm kiến trúc xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trong những năm tiếp theo, chứng kiến những mái nhà mới gây dựng lại tiếp tục bị vùi dập trong bão lũ, nhóm đã chuyển hướng tiếp cận và nâng cấp dần giải pháp, với mong muốn giúp người dân có thể chủ động sống tốt cùng với thiên tai.

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai ảnh 5
 

Từ những thanh tre (đường kính 8-10cm và 4-5cm) được mô-đun hóa (3,3m x 3,3m) từng ngôi nhà được lắp dựng theo cách đơn giản quen thuộc với người dân quê như chốt, buộc, treo, gác,..

Kiến trúc được neo, giằng, liền khối, đủ sức để có thể “sống tốt” cùng thiên tai, vượt mực nước lũ cao 1,5m. Công trình không dùng đến móng xây mà chỉ chạm nhẹ vào mặt đất với hệ khung giằng chéo giữ ổn định và nâng sàn cao 1,5m để tránh lũ.

Người dân sẽ hoàn thiện bao che cho ngôi nhà tùy theo khí hậu và vật liệu tự nhiên sẵn có tại chỗ (trúc 4-5cm, phên nứa, cót ép, lá dừa,..), phù hợp với khả năng thu nhập và tạo nên đặc trưng kiến trúc của địa phương. Giải pháp này không chỉ đáp ứng được yêu cầu về công năng mà cả những yêu cầu về bền vững, kinh tế và thẩm mỹ.

Mặt bằng ngôi nhà 4 mô đun hoàn toàn bằng tre này có đầy đủ công năng cần thiết cho một gia đình 6 người: phòng khách, bếp, khu vệ sinh, giặt phơi, phòng học, không gian thờ tự và nơi ngủ / nghỉ.

Hệ thống bể lọc, xử lý nước bên dưới nền nhà để tận dụng nguồn nước mưa và tái sử dụng nước sinh hoạt – trước hết là có một lượng nước sạch trong nhà để dùng tạm khi ngập lụt. Hiên và mái nhà có thể mở rộng về 4 phía để lấy ánh sáng tự nhiên và thông thoáng cho ngôi nhà.

Bề mặt tường với những bẫy hút gió và được phủ xanh bằng các máng trồng rau góp phần cải thiện bữa ăn trong thời gian sống chung với lũ - đây là một giải pháp theo hướng kết hợp Nông nghiệp với Kiến trúc mà nhóm đang theo đuổi.

Tính ứng dụng cao

Khi nghiên cứu cho vùng lũ lụt, nhóm thiết kế xác định phải đáp ứng được 3 tiêu chí: Giá thành thấp - Thi công nhanh - Khả năng ứng dụng rộng rãi. Kết quả thực tế là:

- Tổng chi phí vật liệu và trang thiết bị cho ngôi nhà mẫu tại Hà Nội là 55 triệu VND (chỉ ~2.500USD). Sản phẩm là một không gian rộng 44m2 (khi đóng) và 62m2 (khi mở), tiện dụng cho một gia đình (6 người) chung sống cùng với thiên tai.

- Thi công nhanh chóng và dễ dàng trong vòng 25 ngày. Người dân có thể tự mình lắp dựng do các thành phần đã được mô đun hoá. Họ cũng có thể chủ động chuẩn bị vật liệu tại chỗ và hoàn thiện dần ngôi nhà trong quá trình sinh sống tùy theo khả năng của mình.

- Khả năng ứng dụng rộng rãi thể hiện ở sự dễ dàng phù hợp với những hoàn cảnh đa dạng, không gian sử dụng linh hoạt, có thể sản xuất hàng loạt do đã được mô đun hoá, các bộ phận dễ dàng tháo lắp cũng như thay thế / sửa chữa, vật liệu lợp / bao che phong phú.

Tổ ấm nở hoa – Ngôi nhà tre cho vùng thiên tai ảnh 6
 

Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu sao cho ngôi nhà này có thể nổi được bằng hệ thống thùng phuy tái sử dụng, để chung sống với mực nước lũ cao hơn (3m). Chúng tôi mong muốn hợp tác với các chuyên gia để tiến hành thử khả năng của mô hình dưới tác động của gió bão, lũ lụt.

Cũng có thể tham vấn một số trường ĐH ở Úc, vì họ có điều kiện làm những thí nghiệm này với độ chính xác rất cao, nhưng cũng rất tốn kém. Song song với việc đó, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện tập hướng dẫn “lắp ráp” công trình để người dân có thể tự tay gây dựng tổ ấm của mình.

Có thể làm mấy phép so sánh: chiếc điện thoại di động Vertu loại trung bình đã có giá 8.000 USD - gấp 3 lần ngôi nhà của chúng tôi. Bộ gậy đánh golf loại xoàng của các quý ông cũng phải 3.000 USD; “phụ kiện” thời trang của nhiều quý cô chắc cũng không dưới 5.000 USD. Trong lĩnh vực xây dựng, một nhà vệ sinh cho trường học ở nông thôn đã trị giá 500 triệu, ra đến Hà Nội thì có thể lên đến 1 tỷ đồng.

Không ít những ngôi nhà tình nghĩa / nhà tái định cư (mà chỉ có thể gọi là “bán kiên cố” vì không dám gọi là “nhà tạm”) cũng đã được quyết toán vài chục triệu. So sánh như vậy để thấy rằng sự cảm thông và chia sẻ cần phải trở thành nền tảng cho một xã hội công dân ngày càng nhân văn hơn, để thắp lên hy vọng cho những tương lai có vẻ hiện thực hơn - và để đi tìm lời giải cho câu hỏi tiếp theo.

Mang ý tưởng đến với người dân

Năm 2008, khi giải pháp làm nhà bằng tre được thành hình trên bản vẽ, có lẽ nó chỉ được nhìn nhận như một ý tưởng đẹp mắt và nhân văn, chứ ít ai tin sẽ trở thành hiện thực.

Năm 2010-2011, phương án này được cải tiến thành nhà tự nổi và làm mô hình dự thi “Nhà ở cho vùng bão lũ”, nhưng có lẽ chẳng mấy người tin rằng nó đủ “kiên cố” để chịu được thiên tai. (Lần ấy phương án được chọn để thực hiện là làm chòi tránh lũ bằng BTCT, nhưng trộm nghĩ: lên được trên đó an toàn với mấy con gà con lợn mà nhìn xuống lại thấy bàn thờ tổ tiên trôi theo dòng nước thì đau xót lắm!).

Vì tin ở giải pháp của mình nên nhóm quyết tâm phải kiểm chứng bằng thực tế, và đã lần hồi nghiên cứu thiết kế từng chi tiết liên kết/cấu tạo (từ mô phỏng ở tỷ lệ nhỏ đến bằng vật liệu thật ở tỷ lệ 1:1) để thử nghiệm trước khi lắp dựng. Đến khi trở thành hiện thực (hoàn thành tháng 9/2013), ngôi nhà bằng tre đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng trong và ngoài nước.

Nhóm cũng đã giới thiệu với một số tổ chức có khả năng nhân rộng mô hình này. Thời gian cứ trôi, đã có người đến hỏi thuê nhà để bán cà phê, trong khi bão, lụt và cả lũ thủy điện vẫn thay nhau tàn phá miền Trung…

“Việc kiến trúc là một việc rất quan hệ” (thư Bác gửi Hội nghị KTS, 27/4/1948) – vì thế nhóm thiết kế mong muốn muốn kêu gọi lòng hảo tâm & chung sức của toàn thể nhân dân, cùng với sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp các ngành nhằm cộng hưởng, thúc đẩy đưa mô hình này đến được với đồng bào.

TS Nguyễn Trí Thành – Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, là người biết đến dự án từ khi bắt đầu năm 2008 nên có cái nhìn khá rõ và khách quan về dự án này.

Theo đánh giá của TS, Dự án nhà ở này đạt giải không phải chỉ vì đẹp hay có tính sáng tạo, mà chính vì nó thể hiện hài hòa bộ 3 tiêu chí “Chân – Thiện – Mỹ” của nghệ thuật hiện thực, tức là có bản chất chân thực, hướng tới mục tiêu nhân văn và tạo được hình ảnh đẹp.

Tôi thấy tiếc là không cơ quan, doanh nghiệp nào 'dám' đứng ra đảm nhận việc xây dựng những ngôi nhà ấy cho các vùng bị thiên tai mà cứ phải chờ có dự án, có nguồn vốn. May mắn là suốt 5 năm qua các tác giả vẫn giữ được bầu nhiệt huyết và quyết tâm góp sức để tự mình biến nó thành hiện thực. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang còn rất u ám thì đó quả là một điểm sáng rất quý và rất đáng khích lệ.

Theo tôi, các tác giả nên tìm cách thay thế các liên kết đang dùng chốt thép (bulông, tender bằng chốt tre, buộc dây) để người dân ai cũng có thể làm được.

Cũng nên cải tiến thiết kế linh hoạt hơn nữa cho phù hợp với túi tiền và quỹ thời gian của bà con, ví dụ như: Khu vệ sinh tắm giặt có thể chưa cần khép kín ngay, hoặc 3–4 gia đình chung nhau một công trình phụ (?). Cửa và vách cũng vậy, làm sao có khung cốt trước để tránh mưa nắng, rồi sẽ bổ sung nilon (cót ép) để tránh gió rét sau? Vì ở vùng quê nghèo lại bị lũ lụt tàn phá thì một tấm phên tre cũng không chắc đã dễ có. Và có cần thiết đến 4 cánh cửa mở trên tầng áp mái không, hay là chỉ 2 là đủ để thông gió, thoát hiểm khẩn cấp,.. mà vẫn giữ được khả năng biểu hiện của“Mái ấm nở hoa”?

Hàng năm vạn vật đều đơm hoa kết trái để tận hưởng cuộc sống và tiếp nối, bồi bổ cho tương lai. Nhưng cây tre chỉ ra hoa có 1 lần để chết. Mái ấm nở hoa như là dấu hiệu “vinh danh” những cây tre đã hy sinh cho con người được sống.


 

Thiết kế: H&P Architects

Website: www.hpa.vn
Địa chỉ công trình: Thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Chủ trì thiết kế: Đoàn Thanh Hà & Trần Ngọc Phương
Nhóm thiết kế: Chử Kim Thịnh, Erimescu Patricia, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Khánh Hòa, Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Quốc Thắng, Phạm Hồng Sơn, Hoàng Đình Toản, Phạm Quang Thắng, Nguyễn Hải Huệ, Nguyễn Khắc Phước
Thi công: H&P Architects
Tổng diện tích sàn: 44 m2

Hoàn thành:tháng 9 / 2013

Nhiếp ảnh: Đoàn Thanh Hà
Theo Quảng cáo
MỚI - NÓNG