> Giọt mồ hôi của cụ bà 75 tuổi đưa cháu đi thi đại học
Đội xe ôm miễn phí của Hội đồng hương sinh viên Nam Định tại bến xe Mỹ Đình. |
Chuyến xe tình yêu
“Năm ngoái, em cũng là thành viên của đội xe ôm tiếp sức, trực chốt tại bến xe Giáp Bát. Hôm đó, em được phân công nhiệm vụ đưa bạn ấy từ bến xe Giáp Bát đến nhà một người thân ở đường Lĩnh Nam (Q.Hoàng Mai). Sau khi chở đến, bạn ấy cứ mời em vào nhà chơi nhưng do công việc nên em phải chối khéo.” - Trần Cao Thế, sinh viên năm 3, ĐH Công nghiệp Hà Nội cười ngượng ngùng kể lại khởi nguồn mối tình “xe ôm” của mình.
“Sau đó, bạn ấy cứ nhắn tin, gọi điện hỏi thăm “Các anh tình nguyện ở đấy có mệt lắm không?”, rồi “…mời Anh đến ăn cơm, ăn dưa của mẹ gửi ở quê ra…”. Em cũng nhắn tin lại động viên bạn ấy tập trung cho thi cử, đừng lo lắng gì cả. Sau khi thi đại học xong, hai anh em vẫn giữ liên lạc với nhau.
Đến khi bạn ấy đỗ vào trường ĐH Thương Mại, lên Hà Nội nhập học lại nhờ em tìm giúp nhà trọ. Từ chỗ tình đồng hương, tình anh em khăng khít, tình yêu trong hai người đã nảy sinh từ đó.” – Thế cười nói.
Vào học, hai người có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn vì trường của Thế (ĐH Công nghiệp Hà Nội) cũng gần ĐH Thương Mại. Khoảng 3 tháng sau thì hai người chính thức yêu nhau.
Thế hiện là đội trưởng đội xe ôm miễn phí của Hội đồng hương sinh viên Nam Định, trực chốt tại bến xe Mỹ Đình.
Trần Cao Thế (thứ 3 từ phải sang, hàng cuối cùng) cùng đội xe tình nguyện của Hội đồng hương sinh viên Nam Định. |
Mỗi tình nguyện viên đều mong đóng góp hết mình cho mùa thi, tạo điều kiện cho các em ở quê và các tỉnh xa lên Hà Nội ứng thí. Xúc cảm, bâng khuâng, xen lẫn niềm tự hào, hứng khởi khi mình đã là sinh viên, mong được truyền lửa và tiếp lửa cho các thế hệ sau.
Đa phần các sĩ tử cần nhờ đến đội xe ôm, đội tìm kiếm nhà trọ đều là những em có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, các mô hình Hội đồng hương Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An,…ra đời cùng tiếp sức đã đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Không chỉ tư vấn, hướng dẫn, ân cần hỏi han, niềm nở đón tiếp, các tình nguyện viên cũng hồi hộp, lo lắng không kém khi nghe tin một sĩ tử nào đó bị tai nạn rủi ro, bị thất lạc đồ đạc, giấy tờ đi thi.
“Sáng nay, có một em gái ở Nam Định đi xe khách ra Hà Nội chuẩn bị cho đợt thi đầu tiên. Một kẻ xấu nào đó đã lấy cắp mất túi đồ của em, trong đó có cả giấy báo dự thi, chứng minh thư,…Em ấy vô cùng lo lắng, gọi điện cho bọn em nhờ giúp đỡ, rồi khóc nức nở. Tuy nhiên, em ấy hình như không có điện thoại nên chỉ nhờ máy của ai đó để gọi, vì vậy khi các tình nguyện viên gọi điện hỏi lại thì không thể liên lạc được với em ấy” – Thế kể lại một trường hợp không may mắn sáng nay mà đội gặp phải.
Những “chuyến xe chở ước mơ hồng” hoạt động không mệt mỏi tại bến xe Giáp Bát. |
Chuyến xe chở ước mơ hồng
Có mặt tại các bến xe chính phía Bắc, Tây, Nam của Hà Nội, ngoài những đội tình nguyện tư vấn nhà trọ, đường đi, địa điểm thi, những năm gần đây còn có các đội xe ôm miễn phí. Những đội này chủ yếu được thành lập từ các phường ở từng quận, và từ các hội đồng hương sinh viên.
Tại bến xe Gia Lâm (Q.Long Biên), đoàn thanh niên quận Long Biên có 25 tình nguyện viên xe ôm miễn phí, đến từ 5 phường: Gia Thụy, Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy, Thượng Thanh.
Phùng Bảo Thạch, bí thư đoàn phường Gia Thụy cho biết: Tầm 6h30 các buổi sáng, mọi người đã có mặt đầy đủ tại điểm tập kết để hỗ trợ các thí sinh từ tỉnh lẻ lên. Thí sinh nếu có nhu cầu trợ giúp chỉ cần đưa giấy báo dự thi để chứng minh mình là sĩ tử, sau đó đến đăng ký tên, quê quán, địa điểm dự thi, số người nhà đi cùng, đội sẽ cử người đưa đến tận nơi. Riêng sáng 1-7, đội đã chở được 39 thí sinh và người nhà đến các địa điểm thi khắp Hà Nội. Điểm xa nhất là trường hợp chở thí sinh Phạm Thị Hòa, quê ở Hải Dương, dự thi tại địa điểm ở khu vực Tây Mỗ (Từ Liêm).
Các thí sinh đều được hỗ trợ miễn phí đưa đón, không lấy tiền. Trường hợp có người thân đi cùng, tùy khoảng cách vận chuyển, đội có thể thu một nửa kinh phí so với giá cả bên ngoài để trang trải cho các đội xe. Kinh phí chính lấy từ nguồn phân bổ của đoàn phường. Ngoài 25 xe chính của các tình nguyện viên, vào những giờ cao điểm, có thể vận động bổ sung thêm xe từ các ban tư vấn, tình nguyện khác.
Tại điểm tiếp sức bến xe Giáp Bát (bến xe phía Nam, đường Giải Phóng, Q.Hoàng Mai), đội tình nguyện “Áo xanh chở ước mơ hồng” ngồi ngay đầu lối ra vào phòng đợi mua vé của nhà xe để hỗ trợ cho các thí sinh.
Đoàn viên Nguyễn Văn Đăng (phường Giáp Bát) cho biết: Đội xe có tổng cộng 30 “tài xế” với 30 xe đến từ 3 phường: Giáp Bát, Tân Mai, Thịnh Liệt. Đội đã hoạt động được 4 ngày nay. Riêng Đăng đã tham gia đội xe tình nguyện được 5 năm nay tại phường Giáp Bát.
Bến xe Mỹ Đình có 2 đội xe ôm tiếp sức mùa thi. Đội xe ôm của hội đồng hương Nam Định có 15 xe tại đây. Không chỉ tư vấn và đưa đón các sĩ tử và người nhà quê Nam Định ra, đội sẵn sàng đưa đón cả những sĩ tử đến từ các tỉnh khác nếu có nhu cầu hỗ trợ. Đội đặc biệt tuân thủ luật lệ giao thông, mỗi xe chỉ chở duy nhất một người cùng với đồ đạc của họ. Giờ giấc hoạt động theo quy định chung của Thành đoàn, bắt đầu từ 7h đến tầm 11h trưa nghỉ ăn cơm, chiều lại hoạt động từ 14h đến 17h.
Đặc, biệt tầm 10h sáng là tầm cao điểm. Có rất nhiều xe từ Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, cả Lạng Sơn chở thí sinh về đây. Vì vậy, các tình nguyện viên hoạt động liên tục. Sáng qua, có 2 chuyến chở thí sinh đi xa đến tận Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) và khu vực gần cầu Tó (huyện Thanh Trì).