Tình trạng lũng đoạn ngân hàng còn khá lớn

Tình trạng lũng đoạn ngân hàng còn khá lớn
Vấn đề ông chủ, cổ đông lớn thao túng ngân hàng không mới, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để, theo như nhìn nhận của chuyên gia nhiều năm làm công tác quản lý trong ngành.

>Bao nhiêu lợi nhuận ngân hàng là 'vay mượn'?
>'Không vì nợ xấu, Habubank chẳng cần tới chúng tôi'
>Chủ tịch Eximbank bác tin mua cổ phiếu quỹ vì thâu tóm

Ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với báo Lao Động tổ chức hội thảo với chủ đề “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014 - 2015”.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “các quan hệ sở hữu cũng đang làm tê liệt hệ thống quản trị rủi ro của nhiều ngân hàng thương mại. Đơn giản thôi, ông chủ quyết tất!”.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “các quan hệ sở hữu cũng đang làm tê liệt hệ thống quản trị rủi ro của nhiều ngân hàng thương mại. Đơn giản thôi, ông chủ quyết tất!”..

Là diễn giả quen thuộc trong những cuộc hội thảo ngành ngân hàng, từng nhiều năm làm công tác quản lý tại Ngân hàng Nhà nước cũng như ở Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), một lần nữa nêu lên vấn đề dường như vẫn khá nhạy cảm.

Khác với các ý kiến tham luận tại hội thảo trên, thay vì lạm phát, lãi suất, tỷ giá, nợ xấu…, điều mà TS. Lê Xuân Nghĩa quan ngại và cho là khó khăn cần quan tâm hiện nay là tình trạng lũng đoạn ngân hàng vẫn còn khá lớn.

Sự lũng đoạn ở một số ngân hàng gắn với các tập đoàn kinh tế tư nhân. Và chuyên gia này nói rằng: “Nhiều ngân hàng thương mại trên thực tế đã trở thành con tin của các tập đoàn này. Nếu chúng ta không giải quyết thật nhanh chóng, quyết liệt thì có thể chúng ta sẽ gặp những cú sốc trên con đường phục hồi và như vậy là rất nguy hiểm”.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tình trạng trên không phải chỉ có ở ngân hàng thương mại nhỏ, mà cả ở một số ngân hàng tầm trung. Có những dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng đã trở thành “con tin” của các tập đoàn tư nhân. Và một trọng tâm của chính sách và các cơ quan quản lý là phải rốt ráo giải quyết tình trạng này để tạo lập lòng tin trong công chúng, minh bạch trong hoạt động của hệ thống.

Cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị để có những cải cách lớn về quản trị rủi ro, quản trị các chuẩn mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhưng ông Nghĩa đánh giá năng lực quản trị của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện vẫn còn yếu, đặc biệt là quản trị rủi ro.

“Các quan hệ sở hữu cũng đang làm tê liệt hệ thống quản trị rủi ro của nhiều ngân hàng thương mại. Đơn giản thôi, ông chủ quyết tất! Bộ phận quản trị rủi ro dường như là bộ phận thừa. Nếu chúng ta không cải thiện các quan hệ sở hữu thì khó mà giải quyết được các vấn đề về chuẩn mực quốc tế, như theo thỏa ước Basel. Đó cũng là thách thức rất lớn đang đặt ra”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Để giải quyết, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực cải cách hệ thống giám sát, cải cách khu vực thanh tra, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc để đảm bảo rằng việc giám sát minh bạch, cẩn trọng; từ giám sát nội bộ cho đến giám sát của ngân hàng trung ương, các tiêu chí giám sát cũng còn hạn chế.

“Dường như nhiều cán bộ thanh tra biết rất rõ sự thật của một số ngân hàng thương mại nhưng không dám nói, không dám tố cáo”, ông Nghĩa nói và xem đó là một bi kịch. Và ông quan ngại, nếu không cải thiện một cách căn bản các chuẩn mực về đạo đức, minh bạch và an toàn trong hệ thống, thì xóa xong nợ xấu hiện nay, dăm ba năm tới lại xuất hiện những nợ xấu khác; hay “chúng ta loi ngoi lên từ điểm đáy này thì lại rơi vào điểm đáy khác”.

Như trên, ông chủ hay cổ đông lớn là các tập đoàn, công ty tư nhân thao túng ngân hàng không phải là vấn đề mới.

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu lên một thực tế, trong hệ thống có tình trạng ngân hàng cổ phần một số cá nhân là cổ đông lớn, lập ra ngân hàng coi như của mình, rồi lập công ty con kê khống tài sản rút tiền ra, để rồi nợ xấu tăng cao.

“Cái đó là vi phạm pháp luật, lừa đảo. Phải lành mạnh. Tôi đề nghị làm ngân hàng là phải nghiêm túc, không được vi phạm pháp luật, không được gian dối rút ruột rút tiền… Làm cổ đông lớn chi phối, lập công ty con rút tiền xã hội, tài sản thế chấp một đồng thì đưa lên vài trăm đồng để lấy tiền ra. Làm như thế ngay đạo lý đã không được rồi, chưa nói là pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị đầu năm.

Còn tại hội thảo hôm qua (18/11), đồng chủ tọa, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cũng chia sẻ góc nhìn cá nhân rằng, “bi kịch” trên không hẳn là vấn đề thời sự hay mới nổi lên trong quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng thương mại.

“Tôi cho rằng, khi tiến hành tái cơ cấu ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước đã biết hết. Vấn đề còn lại là những bước đi thế nào cho phù hợp, cân đong đo đếm làm sao để đưa quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng thương mại về mặt bằng không phải là ngang tầm thế giới, mà nói một cách dân dã là xem cho nó được. Tôi cho rằng vấn đề này trong thời gian vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã làm được. Thực tế trong quản trị hệ thống, tôi tin chắc Ngân hàng Nhà nước đã biết, các cơ quan quản lý khác cũng đã biết”, ông Phước nói.

Thực tế, cuối năm 2011 và trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành một tần suất và quy mô thanh tra lớn và dày chưa từng có trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây được xem là những bước đi đầu tiên để khoanh vùng các ngân hàng yếu kém, xử lý các bất cập và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Trước diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng từng thừa nhận, quá trình tái cơ cấu hệ thống gặp khó khăn do sự cản trở, thậm chí chống đối từ một số cổ đông lớn, ông chủ… Tuy nhiên, đến nay cơ bản 8/9 ngân hàng yếu kém đã có và triển khai phương án tái cơ cấu. Thậm chí gần đây Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tiến hành mở rộng xem xét những ngân hàng yếu kém khác nữa.

Bên lề hội thảo ngày 18/11, trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng đồng quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa khi cho rằng, trở ngại của tái cơ cấu và lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian qua và hiện nay vẫn là thách thức từ bóng dáng của các ông chủ.

“Không khó để nhìn nhận và điểm lại. Có rất nhiều ông chủ hiện nay không phải là dân ngân hàng, hay có chuyên môn sâu về tài chính - ngân hàng, mà xuất phát từ tiểu thương, tự doanh nhỏ lẻ và đi lên nhiều năm trước. Họ tài năng, tích lũy tiềm lực và thành công. Nhưng có một mối liên hệ nào đó khi sau lưng nhiều ông chủ đều có ít nhất một tập đoàn, hay nhiều công ty liên kết, mà quy mô của chúng lớn nhanh kể từ khi họ chi phối một ngân hàng nào đó”, chuyên gia này nêu góc nhìn đáng chú ý…

Theo Minh Đức
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG