> Chuyện của người 2 lần nhận án tử được tuyên vô tội
> Bị cáo vụ 'kỳ án Vườn Mít' được tuyên vô tội
> Xét xử lại kỳ án Vườn mít
Tài liệu trong hồ sơ vụ án mâu thuẫn
Là người chỉ đạo xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án Lê Bá Mai trước đây, ông có thể cho biết quá trình nghiên cứu hồ sơ?
Sau khi bản án tử hình đối với Lê Bá Mai có hiệu lực, Viện KSNDTC liên tục nhận được nhiều đơn kêu oan của gia đình bị cáo. Do vậy, tôi đã chỉ đạo Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3) rút hồ sơ để nghiên cứu. Người trực tiếp nghiên cứu vụ án này là đồng chí Nguyễn Thanh Hạo, Phó Vụ trưởng Vụ 3 và một số cán bộ vụ này.
Sau khi nghe Vụ 3 báo cáo, chúng tôi thống nhất nhận định: Thứ nhất, đây là vụ án giết người, hiếp dâm nhưng không bắt được quả tang. Việc khởi tố và bắt giam Lê Bá Mai là dựa vào lời khai của các nhân chứng, trong lúc đó các nhân chứng ấy cũng không khai rõ về Lê Bá Mai.
Tóm tắt vụ án: Theo cơ quan điều tra, ngày 12-11-2004, Lê Bá Mai đi rải phân cho cây cùng các anh Trong và Trường. Sau khi về chòi, Mai lấy xe máy đi đến chỗ em Út và em Hằng (cùng ngụ xã An Khương, huyện Long Bình, tỉnh Bình Phước) đang mót củ sắn. Thấy vắng người nên Mai nảy sinh ý định giao cấu với em Út. Để thực hiện hành vi trên, Mai đã dụ và chở em Út về vườn mít nhà ông Tuân (cách đó 1,5km). Sau khi cưỡng hiếp em Út, vì sợ bị lộ, Mai đã dùng chính quần của nạn nhân thít cổ em Út cho đến chết. Vụ án sau đó được điều tra và đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm và phúc thẩm. Lê Bá Mai bị kết án tử hình về 2 tội: Giết người và Hiếp dâm trẻ em. |
Thứ hai, lời khai của bị cáo lúc nhận tội, lúc không nhận tội. Bản cung lần đầu tiên bị cáo không nhận tội nhưng sau đó lại nhận tội. Tại phiên tòa sơ thẩm, Lê Bá Mai nhận tội, nhưng lời nhận tội này lại không phù hợp với hiện trường vụ án và mâu thuẫn với lời khai các nhân chứng.
Tại phiên tòa phúc thẩm Lê Bá Mai không nhận tội. Sau này Mai cho rằng, sở dĩ nhận tội là vì khi bị bắt giam, Mai đã bị các cán bộ điều tra Công an huyện Bình Long bắt khai và mớm cung. Lời khai của Lê Bá Mai làm chúng tôi rất chú ý vì nhiều nhân chứng cũng khai bị mớm cung.
Đặc biệt, nghiên cứu các bản cung thì thấy cách đặt câu hỏi của cơ quan điều tra cũng mang tính mớm cung rất rõ. Ví dụ, đặt câu hỏi: Bị can khai việc giết người như thế nào? hoặc bị can khai việc hiếp dâm ra sao?... Lời khai của bị cáo cũng mâu thuẫn với hiện trường vụ án. Bị cáo Mai khai nạn nhân mặc quần lửng màu xám nhưng biên bản khám nghiệm tử thi ghi nạn nhân bị siết cổ bằng quần thun ống dài, có hai túi trước.
Thứ ba, việc khám nghiệm hiện trường không thu đầy đủ các dấu vết, vật chứng: Tại hiện trường phát hiện một nón màu đỏ, 1 đôi dép xốp Lào màu xanh và một củ đậu. Cách tử thi 3,5m có nhiều cọng tóc.
Cách tử thi 30m có một bật lửa ga màu đỏ, cách tử thi 15m có một dép da màu đen. Sau khi khám nghiệm, cơ quan điều tra có thu một quần được dùng để siết cổ nạn nhân, một chiếc nón màu đỏ, một đôi dép Lào, một củ đậu. Các vật chứng và dấu vết quan trọng nhưng không thu: các sợi tóc, bật lửa ga màu đỏ, dép da nam màu đen và vết hằn của xe máy. Nếu những vật chứng này được thu giữ thì mở ra nhiều hướng điều tra rất tốt.
Thứ tư, biên bản tạm giữ đồ vật không phù hợp với lệnh nhập kho và phiếu nhập kho vật chứng. Trong đó chú ý, chiếc dép thu tại hiện trường là dép xốp Lào, màu xanh nhưng lệnh nhập kho là chiếc dép nhựa màu xanh, phiếu nhập kho lại ghi chiếc dép nhựa màu đỏ.
Có thể nói, ở trên là những mâu thuẫn rất cơ bản của các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSNDTC. |
Không có căn cứ kết luận phạm tội
Để giải quyết những mâu thuẫn trên, lãnh đạo VKSNDTC đã chỉ đạo giải quyết thế nào, thưa ông?
Để kiểm tra tính chính xác của các nhận định trên, Viện KSNDTC đã thành lập đoàn đi xác minh. Đoàn đã về làm việc với cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Phước, trực tiếp hỏi các nhân chứng, xem xét lại hiện trường vụ án, nơi ở của Lê Bá Mai, đến thăm hỏi nhà cháu Út...
Tuy nhiên, trong lần xác minh này, đoàn chưa gặp được một số nhân chứng vì nhiều người đã thay đổi chỗ ở nên theo yêu cầu của lãnh đạo Viện KSNDTC, đoàn công tác của Vụ 3 lại tiếp tục lên đường đi Tây Ninh lấy lời khai của anh Nguyễn Văn Trong.
Sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án và căn cứ kết quả xác minh của đoàn công tác của Vụ 3, Viện trưởng KSNDTC thấy rằng với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì còn nhiều mâu thuẫn.
Từ việc khởi tố bắt giam bị can, hỏi cung bị can, lấy lời khai nhân chứng, công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, công tác thu thập và bảo quản vật chứng không những chưa triệt để, thiếu khách quan mà còn có nhiều thiếu sót, vi phạm pháp luật. Do vậy, chưa có căn cứ để kết luận Lê Bá Mai phạm tội giết người và hiếp dâm.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và xác minh, ngày 12-12-2006, Viện trưởng KSNDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TPHCM và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu để đưa ra kết luận trên cũng không phải đơn giản. Chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí có trách nhiệm bên TANDTC để khi kháng nghị thì được các đồng chí ấy phối hợp nghiên cứu thật kỹ và quyết định chính xác.
Ngày 5-2-2007, sau khi kiểm tra các tài liệu của vụ án và thảo luận kỹ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại do có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng cũng như còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ.
Rút ra nhiều bài học
Ông có nhận xét gì về việc Tòa án tỉnh Bình Phước vừa rồi tuyên Lê Bá Mai không phạm tội và trả tự do cho Lê Bá Mai ngay tại tòa sơ thẩm?
Với kinh nghiệm mấy chục năm làm án và chỉ đạo làm án, tôi thấy quyết định của Hội đồng xét xử trong phiên sơ thẩm vừa qua là tất yếu. Luật sư bào chữa cho bị cáo đã đưa ra được những chứng cứ rất rõ ràng và thuyết phục.
Có bài học nào được rút ra qua vụ án này, thưa ông?
Bài học rút ra từ vụ án này thì có nhiều. Trước hết, các KSV khi được giao giải quyết án, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc nghiên cứu kỹ hồ sơ của vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đầy đủ. Phải phân tích đánh giá các chứng cứ buộc tội; làm rõ các mâu thuẫn của các lời khai của các bị cáo, bị hại, người làm chứng… với nhau và với các chứng cứ khác để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.
Thứ hai là sự phối hợp giữa VKS các cấp trong việc giải quyết các vụ án đặc biệt phức tạp và nghiêm trọng. Đây là vụ án đã được Vụ 3 Viện KSNDTC nghiên cứu, xác minh rất chi tiết, cụ thể, không bỏ qua chi tiết nào. Đồng thời, tập thể lãnh đạo Viện KSNDTC cũng đã nghiên cứu, chỉ đạo rất sát sao, nghiêm túc, cẩn trọng và đã có quyết định kháng nghị chính xác.
Theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp này trách nhiệm của Viện KSNDTC thế nào, thưa ông?
Theo Điều 258 Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngay sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TANDTC và Viện trưởng KSNDTC. Trong thời hạn hai tháng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng KSNDTC phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu không bản án tử hình sẽ được thi hành theo pháp luật trong trường hợp Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Do vậy, trong vụ án này, Viện KSNDTC nhận đơn kêu oan của bị cáo, rút hồ sơ nghiên cứu và quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, việc giải quyết vụ án này trong giai đoạn thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện trưởng Viện KSNDTC.
Cảm ơn ông.