Bày tỏ quan điểm tại Tọa đàm “Tình hình biển Đông và hành động của chúng ta” do báo Tiền Phong tổ chức, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an nói rằng, trong vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, báo chí Việt Nam đã phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tuy nhiên, theo tướng Cương, Nhà nước nên mở một kênh báo chí lớn bằng tiếng Trung Quốc, hoặc các báo phải có trang bằng tiếng Trung để tuyên truyền cho người dân Trung Quốc hiểu rõ bản chất của vấn đề.
Theo ông Cương, ngay như cuộc chiến tranh tự vệ của nhân dân Việt Nam năm 1979, đến nay, phần lớn người dân Trung Quốc vẫn chưa hiểu được bản chất. “Chính quyền Trung Quốc vẫn lừa dối người dân rằng Việt Nam xâm phạm biên giới và quân đội Trung Quốc chỉ tự vệ đánh trả”, ông Cương nói.
Theo thông tin từ ông Cương, các dịp kỷ niệm 10 năm, 20 năm cuộc chiến này, Trung Quốc có tới 700 – 800 bài báo giật tít gần như nhau về việc này. “Nhân dân Trung Quốc bị nhồi nhét vào đầu nhiều quá rồi. Tuy nhiên, hầu hết tướng lĩnh quân đội và nhân dân Trung Quốc không ai muốn chiến tranh với Việt Nam cả”, ông Cương nói.
Tiến sĩ khoa học Lương Văn Kế, chuyên gia nghiên cứu địa chính trị ĐHQG Hà Nội, nói: “Phải làm cho người dân Trung Quốc hiểu bản chất sự việc và lên tiếng phản đối lại chính những hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc”.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận xét, truyền thông Việt Nam khi thông tin về vụ việc giàn khoan Hải dương 981 vẫn còn vài sai sót gây bất lợi cho chúng ta. “Hiện nay, Trung Quốc đưa ra rất nhiều thông tin về Hoàng Sa, Trường Sa. Luận điệu sai trái của họ chúng ta thuộc lòng.
Trong những luận điệu đó có những cạm bẫy của Trung Quốc mà nếu chúng ta không cẩn thận rất dễ bị mắc vào, và sau này, Trung Quốc lại dùng chính những điều đó để gây bất lợi cho ta”, ông Trục nói.
Theo ông Trục, cần xem xét cẩn trọng những bản đồ, hình ảnh trước khi sử dụng, đồng thời cân nhắc trước những tên gọi, thuật ngữ về biển, đảo trước khi phát ngôn. Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, đồng tình với nhận xét này.
Theo ông Giang, truyền thông Việt Nam phải hiểu rằng, ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi và truyền thông của chúng ta nên làm quyết liệt, tập hợp được sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế và tránh những sơ hở đáng tiếc.
Kiên định hai nguyên tắc
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, khi tuyên truyền về Trung Quốc, phải kiên định hai nguyên tắc: Không kích động tinh thần dân tộc cực đoan chống Trung Quốc và không liên kết với bên thứ 3 chống Trung Quốc. Các đại biểu dự tọa đàm đều thống nhất trên quan điểm “tự lực cánh sinh”, dựa vào sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân để chống lại âm mưu của Trung Quốc, tuy nhiên cũng đặt vấn đề xem lại những mối quan hệ quốc tế của Việt Nam.
“Trong bối cảnh này, các nhà báo cần có sự tỉnh táo để thông tin một cách cân bằng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đừng nhìn nhận theo quan điểm cũ nữa”, ông Trần Việt Thái, Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao) nói.
Ông Lương Văn Kế cho rằng, đây là dịp kiểm định các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. “Trong hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau. Đối tác chiến lược thực sự của Việt Nam phải là những nước chí cốt với chúng ta”, ông Kế nói.
Theo ông Trần Việt Thái, Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao), hiện Việt Nam vẫn đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc. Trên thực địa, ta có lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân. Đấu tranh ngoại giao có các cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu.Hiện Việt Nam đã lưu hành công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Các đại sứ Việt Nam tại nhiều nước cũng đã lên các kênh truyền hình lớn để phản bác lại luận điệu sai trái của Trung Quốc.