Chiều 6/11, ông Võ Trường Giang – Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 thuộc Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu thường xuyên bảo dưỡng quốc lộ 1A và quốc lộ 8A qua địa bàn Hà Tĩnh gấp rút xử lý cục bộ các vị trí hư hỏng, xuống cấp như báo Tiền Phong đã phản ánh.
Hàng chục điểm hư hỏng trên quốc lộ đoạn qua Hà Tĩnh sau đợt mưa. |
"Qua kiểm tra, quốc lộ 1A có 35 vị trí và 4 vị trí trên quốc lộ 8 bị bong tróc, xuống cấp. Đơn vị bảo dưỡng đã đặt biển cảnh báo, xử lý cục bộ để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông", ông Giang thông tin.
Theo đại diện Văn phòng Quản lý đường bộ II.3, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 4 – 7/11 vừa qua cùng với lưu lượng xe tăng đột biến từ khi thông tuyến đường bộ cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đã gây ra tình trạng hư hỏng cục bộ nền, mặt đường trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 8.
Các điểm hư hỏng, xuống cấp trên quốc lộ 1A được xử lý cục bộ. |
Ngay khi xảy ra tình trạng hư hỏng cục bộ mặt đường, Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 – Khu Quản lý đường bộ II đã chỉ đạo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đường bộ có biển pháp cảnh báo bằng biển báo bộ 3 (biển đường gồ ghề, biển đi chậm và chiều dài đoạn tuyến bị hư hỏng), kết hợp sử dụng các loại vật liệu phù hợp để dập vá tạm.
Cùng với việc khắc phục trong khi trời mưa, đơn vị quản lý đường bộ đã yêu cầu nhà thầu đảm nhận bảo dưỡng thường xuyên chuẩn bị vật tư thiết bị để khắc phục triệt để hư hỏng khi thời tiết khô ráo. Những vị trí mặt đường khô ráo sẽ xử lý hư hỏng triệt để bằng bê tông nhựa nóng, những vị trí mặt đường còn ẩm ướt sẽ xử lý êm thuận tạm thời bằng bê tông nhựa nguội.
Xử lý tạm vị trí hư hỏng trên quốc lộ 8. |
Trước đó, báo Tiền Phong có bài viết phản ánh tuyến quốc lộ 1A qua địa phận các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh bị bong tróc, hư hỏng, xuất hiện ổ gà, hằn lún vệt bánh xe. Mặt đường hư hỏng, xuống cấp gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đại diện Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 – Khu Quản lý đường bộ II (đơn vị quản lý tuyến đường) lý giải, do mưa lớn kéo dài cùng lưu lượng phương tiện lớn nên việc xuống cấp, hư hỏng khó tránh khỏi. Việc sửa chữa cũng chỉ là cục bộ để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại vì kinh phí trùng tu hàng năm có hạn, rất khó khăn.