Tình nguyện viên - phải đóng tiền

Nathan trong buổi hướng dẫn các giáo viên tại Đà Nẵng
Nathan trong buổi hướng dẫn các giáo viên tại Đà Nẵng
TP - Khác với nhiều quốc gia, giới trẻ Mỹ muốn làm tình nguyện đều phải đóng tiền - Nathan Andesson (25 tuổi, bang Ohio, Mỹ) đang làm tình nguyện viên tại Việt Nam cho biết.

> Tết này: Săn rồng & 'phượt' xa

Nathan trong buổi hướng dẫn các giáo viên tại Đà Nẵng
Nathan trong buổi hướng dẫn các giáo viên tại Đà Nẵng.
 

Lý do nào khiến anh quyết định chọn Việt Nam để làm tình nguyện?

Năm 2008, khi vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sinclair (Ohio), mình đăng ký vào tổ chức Giáo viên tình nguyện quốc tế để đến Việt Nam. Trước khi sang đây, mình chưa có nhiều kiến thức về Việt Nam, chỉ biết chung chung qua sách vở, phim ảnh, sách báo. Lúc đó, mình hình dung Việt Nam còn nhiều khó khăn và có cả tâm lý sợ người Việt Nam sẽ ghét người Mỹ vì từng gây ra cuộc chiến tranh.

Khi đặt chân đến mảnh đất này, mọi chuyện khác hẳn. Đất nước trên đà phát triển, con người Việt Nam thân thiện, hòa nhã. Công việc của mình lúc đó là mở các lớp tiếng Anh miễn phí cho người nghèo, lao động phổ thông, thậm chí cả người lớn tuổi. Nhờ các bạn trong đội tình nguyện, mình tổ chức hai lớp ngay tại các quán cà phê, nhà hàng trên đường Đống Đa (TP. Đà Nẵng).

Ban đầu chỉ có chục người, nhưng sau đó lên đến hàng chục người. Lớp học đều đặn 2 lần/tuần và duy trì suốt 6 tháng.

Nhiều bạn trẻ nước ngoài, trong đó có các bạn Mỹ thường làm tình nguyện sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ, phải chăng đây là một trào lưu trải nghiệm của giới trẻ Mỹ?

Chưa thể khẳng định đó là xu hướng của giới trẻ Mỹ, nhưng thực tế đã và đang có nhiều bạn trẻ chọn con đường này. Mục đích là để tích lũy kinh nghiệm, khám phá, trải nghiệm vùng đất mới, học hỏi, tiếp cận các nền văn hóa khác nhau và cùng thực hiện hoạt động xã hội tình nguyện. Muốn tham gia, bọn mình phải đóng tiền cho các tổ chức, từ 6–10 ngàn USD.

Nathan Anderson đang là giáo viên tại Trung tâm ngoại ngữ Anh-Việt (đường Lê Duẩn, TP. Đà Nẵng). Theo Nathan, làm giáo viên Việt Nam có nhiều cái thích như tình cảm học trò, truyền thống tôn sư trọng đạo, sự gần gũi thân thương và thái độ ham học.

 

Với một số sinh viên mới ra trường, số tiền này không phải nhỏ. Cũng giống như Việt Nam, nhiều bạn trẻ Mỹ muốn tìm kiếm công việc ngay khi ra trường để trả nợ học phí. Nước Mỹ cho sinh viên vay tiền để học và trả nợ khi tốt nghiệp. Trung bình mỗi sinh viên nợ trên dưới 40.000 USD/cả khóa học. Rất may, mình không chịu sức ép về khoản tiền này khi thuộc diện địa phương được ưu đãi giảm học phí (đến 60%).

Khi tốt nghiệp, mình vay mượn bạn bè, người thân để lo đủ số tiền đi tình nguyện. Sau khi kết thúc đợt tình nguyện tại Việt Nam, mình về nước làm cật lực suốt năm rưỡi để có thể trả nợ số tiền đăng ký tham gia này.

Nhưng bù lại, anh học được nhiều thứ và lấy được cả vợ… Việt Nam?

Chắc là cái duyên (cười). Mình và Huệ (vợ) quen nhau khi cùng cộng tác tại lớp tiếng Anh tình nguyện. Suốt quãng thời gian về lại Mỹ, cả hai chỉ nói chuyện qua điện thoại, email nhưng thấy rất hòa hợp. Lần quay lại Việt Nam, mình ngỏ lời và tiến đến hôn nhân.

Gia đình bạn không ngăn cản?

Người Mỹ tôn trọng sự tự lập, và quyết định của con cái trong vấn đề học hành, hôn nhân. Bố mẹ không phân biệt theo kiểu môn đăng hộ đối, nên không ai ngăn cản. Ngày cưới, bố mình bay từ Mỹ tới Đà Nẵng để dự đám cưới, chúc phúc cho bọn mình.

Tết Việt có tạo nhiều ấn tượng với bạn?

Tết ở Mỹ thường chỉ kéo dài vài ngày, người ta ăn Noel nhiều khi còn to và thay cho cả Tết, thậm chí mùng 1 Tết (dương lịch) đã đi làm. Nhưng ở Việt Nam thời gian nghỉ Tết nguyên đán khá dài. Mình thích nhất là không khí ấm cúng dịp Tết. Tại các thành phố đều có sự kiện, lễ hội lớn.

Các thành viên gia đình tụ họp về nhà, chúc phúc nhau bên những mâm cơm đầm ấm đầu năm mới. Những dịp này, gia đình mình tất bật chuẩn bị đồ làm bánh bánh chưng, bánh tét để biếu ông bà, người thân.

Cảm ơn bạn.

Nguyễn Huy (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG