Du khách như người thân
Cô Tô là một huyện đảo nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, từ bến tàu khách Cái Rồng (huyện Vân Đồn) mất hơn 1 tiếng lênh đênh trên biển mới ra đến đảo. Với diện tích gần 50 km2 cùng gần 6 nghìn cư dân sinh sống, Cô Tô dường như biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Những hàng phi lao san sát chạy dọc bãi biển, những hòn đảo lớn nhỏ bao quanh tạo nên một vị trí đắc địa, hoang sơ ít nơi nào có được.
Trước kia, Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng). Ngàn xưa, Cô Tô là nơi trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển phương Bắc quấy phá. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Cô Tô dần trở thành nơi an cư của dân chài trên vịnh Bắc Bộ và cũng dần trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn của du khách thập phương.
Ở Cô Tô, đa số người dân đều sinh sống bằng nghề chài lưới, một số ít sản xuất nông nghiệp, nhưng do quỹ đất hạn hẹp, thời tiết khắc nghiệt, họ chỉ sản xuất đủ nuôi sống gia đình. Từ những năm 90, nhiều du khách tìm đến Cô Tô để khám phá, trải nghiệm. Từ đấy, Cô Tô có thêm một ngành nghề nữa đó là kinh doanh du lịch.
Đa số dân trên đảo xuất thân từ nông, ngư nghiệp, ít tiếp xúc với chốn phồn hoa đô thị nên họ mang trong mình tố chất của những người con miền biển. Họ kinh doanh du lịch nhưng chưa bao giờ phải để khách phàn nàn, khó chịu hay để xảy ra những tranh cãi không đáng có. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ cao tầng dần mọc lên thay thế những bãi cát phơi đầy ngư cụ. Các nhà hàng, quán xá được đầu tư xây mới phục vụ nhu cầu du khách khi đến với Cô Tô.
Vào mùa cao điểm, mỗi ngày Cô Tô đón gần 10 nghìn du khách từ đất liền ra, tưởng chừng con số ấy sẽ xáo trộn cuộc sống bình dị vốn có, nhưng không dân đảo Cô Tô bình thản đón nhận và làm trọn chức trách của chủ nhà. Ở Cô Tô, không chỉ có khách sạn, nhà nghỉ mà loại hình lưu trú điển hình vẫn là Homestay, du khách sẽ được nghỉ ngơi, khám phá và sống chung với người dân.
“Chúng tôi luôn tâm niệm, du khách cũng như những người thân từ xa đến thăm, phải tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất, phải để lại ấn tượng sâu sắc nhất và phải sống thật nhất sao cho mỗi vị khách đến với Cô Tô đều không thể quên con người, mảnh đất nơi này” - ông Hoàng Bá Nam, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cô Tô cho biết.
Đời sống của dân đảo còn gặp nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ có vỏn vẹn 4 tháng làm du lịch, những tháng còn lại Cô Tô nguyên vẹn hình hài của một nàng thiếu nữ ngủ giữa biển khơi, yên ắng, bình dị như những gì vốn có. Người dân dọn dẹp phòng ốc để hướng ra biển, nơi những đoàn thuyền rẽ sóng mang về đầy cá tôm.
Nằm cách xa đất liền nên việc đi lại của người dân và du khách đều phải dựa vào tàu cao tốc. Mỗi khi sóng to, gió lớn, Cô Tô bị biệt lập hoàn toàn. Có những tháng bị ảnh hưởng của gió mùa, tàu thuyền không thể rời bến cũng là những ngày người dân Cô Tô phải tự xoay xở với chính cuộc sống của mình. Lương thực trên đảo luôn được dự trữ. Thực phẩm là những cá khô, mực khô được gói kỹ, trong vườn luôn sẵn rau tự trồng... Họ luôn tạo cho mình một điều kiện tốt nhất để thích ứng.
Vào những ngày hè, lượng khách đổ về Cô Tô rất đông, dường như luôn trong tình trạng “cháy” phòng. Có những đoàn khách đặt trước vài tháng nhưng cũng không thể tìm cho mình được nơi lưu trú. Mùa hè nhưng thời tiết của Cô Tô vẫn luôn đỏng đảnh, có hôm gió Nam nổi lên, lệnh cấm tàu được ban ra cũng là lúc du khách nhốn nháo tìm cách vào bờ và chuyện hàng nghìn du khách bị mắc kẹt do thời tiết ở Cô Tô không phải là chuyện hiếm.
Thắm đượm
Du lịch ở Cô Tô may rủi là thế nhưng lượng khách đến với Cô Tô ngày càng đông cũng có lý do của nó. Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, những dòng văn miêu tả Cô Tô của nhà văn Nguyễn Tuân đã đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ. “...Phía đông, ánh hồng dần dần bừng sáng, nước biển sóng sánh dần đổi màu. Chân trời ngấn bể sạch như một tấm kính lau hết mây, hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn...”.
Hình ảnh Cô Tô hiện lên đẹp đến kỳ lạ. Sự háo hức, rạo rực được một lần đến Cô Tô để tận mắt ngắm nhìn luôn là động lực để du khách tìm về Cô Tô. Thực tế, Cô Tô còn là một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nó mang trong mình sự thiêng liêng, lòng tự hào dân tộc. Những ai đặt chân đến Cô Tô đều cảm nhận được điều này qua vẻ đẹp diệu kỳ khó lòng tìm được ở những chốn đô thị xô bồ.
Không chỉ đẹp, không chỉ lạ kỳ, Cô Tô còn níu chân lữ khách bởi những món ngon từ biển. Những sản vật của mẹ thiên nhiên ưu ái cho Cô Tô ít nơi có được. Hải sản Cô Tô luôn tươi rói, thơm mùi đặc trưng của biển. Đặc biệt, nó được đánh bắt bởi bàn tay ngư dân trên đảo hay của chính du khách khi hòa mình vào cuộc sống của người dân.
Điều mấu chốt khiến du khách vẫn muốn tìm đến Cô Tô chính là tấm chân tình của người dân vùng đảo. Họ luôn để lại những ấn tượng sâu sắc với du khách khi đến với Cô Tô, nhất là những đoàn khách bị mắc kẹt trên đảo không thể về đất liền do ảnh hưởng của thời tiết. Trong những sự cố do thời tiết, người dân đã chung tay cùng du khách vượt qua khó khăn.
Vẫn còn nhớ trận mưa lũ lịch sử của Quảng Ninh năm 2015, Cô Tô bị biệt lập hơn một tuần cùng gần 3 nghìn du khách bị mắc kẹt trên đảo. “Có một đoàn khách toàn là cán bộ xã ra đây du lịch, không may gặp thời tiết xấu hơn một tuần, thế là cán bộ xã đấy cả tuần không ai làm việc, mọi chỉ đạo đều phải thực hiện qua điện thoại. Khi biết chuyện, đồng cảm với anh em nên chúng tôi mời cả đoàn lên Ủy ban huyện cùng nhau ăn cơm mắm” - ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch huyện đảo Cô Tô nhớ lại.
Khi biết không thể về được đất liền theo dự tính, ban đầu du khách hoảng loạn, nhưng khi được chính quyền, các chủ nhà nghỉ, khách sạn và chính những người dân trên đảo tận tình giải thích, du khách bắt đầu bình tĩnh lại. Những ngày đầu việc ăn uống vẫn còn thoải mái, nhưng khi bão chưa tan, gió vẫn gầm rít thì nỗi lo thiếu lương thực bắt đầu hiện hữu.
Những bữa cơm “gia đình” bắt đầu được áp dụng. Du khách cùng người dân đi hái rau, bắt ốc, cùng xắn tay vào bếp nấu cơm và tất cả cùng quây quần bên một mâm cơm đầm ấm. Những kỷ niệm đấy hẳn sẽ in dấu trong cuộc đời mỗi người khi nhắc đến Cô Tô.
“Năm đấy gia đình tôi mới làm Homestay, gặp lúc mưa to gió lớn, cả nhà dần hết gạo, có hôm phải chia cùng khách những gói mì tôm cuối cùng. Đêm xuống, cả khách lẫn chủ đều ra đồng bắt cá về nấu cháo. Sau đợt đấy, đoàn khách vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm và hẹn sẽ ra thăm một ngày gần nhất” - bà Vương Thị Nhàn, chủ một Homestay ở thị trấn Cô Tô tâm sự.
Cứ mỗi lần du khách bị mắc kẹt, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện lại đích thân đến từng khách sạn, nhà nghỉ động viên du khách. “Lúc mới ra nhậm chức tôi luôn tìm phương án mỗi khi có cấm tàu. Người dân Cô Tô quả thực rất hiếu khách. Nhiều cơ sở lưu trú tự động giảm giá phòng xuống còn 50%, thậm chí miễn phí luôn cho khách. Nhìn cảnh người dân cùng du khách sinh hoạt quây quần như gia đình, tôi rất vui” - ông Nam tâm sự.
Mới đây nhất, hôm 16/7, do ảnh hưởng của bão số 2, có hơn 3 nghìn du khách bị mắc kẹt tại đảo Cô Tô, nhiều chủ cơ sở lưu trú trên địa bàn cũng đã chủ động miễn phí tiền phòng cho khách. Đến trưa ngày 18/7, toàn bộ du khách mới được về đất liền.
“Gia đình tôi thực sự rất ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Cô Tô và bất ngờ hơn với cung cách làm du lịch của người dân nơi đây. Khi biết không thể vào đất liền như dự kiến, mọi người rất hoang mang, nhưng may mắn thay chúng tôi đã gặp được rất nhiều người tốt. Thực sự Cô Tô rất đẹp trong lòng chúng tôi!” - chị Hoàng Thị Lan, du khách trở về từ Cô Tô sau 2 ngày bị mắc kẹt cho biết.
Trong cơn hoạn nạn, những tình cảm sẽ được in sâu và gắn chặt. Hơn ai hết, chính quyền và người dân Cô Tô hiểu rõ điều này. Họ đang làm cho cuộc sống có thêm nhiều điều tốt đẹp và dần biến Cô Tô thành nơi du lịch đáng đến và đáng nhớ của du khách.
“Năm đấy gia đình tôi mới làm Homestay, gặp lúc mưa to gió lớn, cả nhà dần hết gạo, có hôm phải chia cùng khách những gói mì tôm cuối cùng.
Bà Vương Thị Nhàn