Tỉnh Attapeu đang xây dựng 2 vùng tạm cư cho dân bị nạn

Hàng trăm người giúp việc trong khuôn viên UBND tỉnh Attapeu.
Hàng trăm người giúp việc trong khuôn viên UBND tỉnh Attapeu.
TP - Ngày 31/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Attapeu (Lào) đã có cuộc làm việc với báo Tiền Phong để cung cấp các thông tin chính xác về tiến trình cứu hộ, cứu nạn và kế hoạch ổn định cuộc sống cho 2.836 hộ dân mất nhà trong thảm họa vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Nam Noy.         

Khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Attapeu trưa ngày 31/7 có tới hàng trăm người  Lào và Thái hối hả làm bếp, nấu ăn kiểu dã chiến dưới các mái che và lều bạt dựng tạm. Cán bộ văn phòng UBND tỉnh cho biết đó là lực lượng tình nguyện đến để phục vụ các đội tiếp nhận, phân loại và phân phát hàng cứu trợ từ nhiều nước gửi đến cho người dân bị nạn do vụ vỡ đập thủy điện đêm 23/7 ở huyện Sanamxay.

Được lãnh đạo tỉnh ủy quyền cung cấp thông tin cho báo Tiền Phong, ông Uđôm Xayvôngxalaxít - Phó giám đốc Sở Ngoại vụ, và bà Bunthoong Phuphaxavan - Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Attapeu đã tập hợp số liệu từ nhiều đầu mối, và khẳng định đây là những số liệu chính xác nhất tính tới thời điểm này.

Lãnh đạo tỉnh Attapeu cho biết 2 ngày qua có nhiều báo các nước đã đăng tin tỉnh họp báo công bố số người chết và mất tích vì vụ vỡ đập lên đến hơn một nghìn, là thông tin sai, có thể do dịch thuật nhầm lẫn. Số liệu chính xác, tỉnh khẳng định tổng số người mất tích thuộc 13 bản bị nạn do vỡ đập, là 131 người. Trong đó, tới nay các đội cứu hộ đã tìm thấy tổng cộng 11 thi thể. Có tất cả  2.836 hộ với 13.067 người (trong đó có 6.104 phụ nữ) bị nước cuốn trôi mất nhà cửa, tài sản. Thống kê tới hết ngày 30/7, tổng trị giá tiền và hàng cứu trợ mà tỉnh Attapeu đã tiếp nhận từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc là 49 tỉ kip Lào (tương đương 132,3 tỷ đồng tiền Việt), trong đó có 14 tỷ kip tiền mặt, và 35 tỉ kip hàng hóa.

Trả lời báo Tiền Phong về việc nguyện vọng của hầu hết dân tị nạn đang tạm trú trong các trường học, cơ quan, trụ sở ở huyện Sanamxay mà báo Tiền Phong đã tiếp xúc, là không muốn quay về làng cũ, vì sợ thảm họa có thể tái diễn nếu công trình thủy điện Xe Pian - Xe Nam Noy sau này vẫn được tiếp tục xây, đại diện 2 Sở cho biết lãnh đạo tỉnh đã có kế hoạch ổn định cuộc sống cho dân bị nạn. Cụ thể: tỉnh đang khẩn trương tạo lập 2 vùng định cư mới, ở Đông Bat gần trung tâm huyện Sanamxay, và vùng đất trên cao Ta Ma Yot phía thượng nguồn nhà máy thủy điện. Khoảng 2 tháng nữa, số nhà tạm cư xây xong, toàn bộ dân tị nạn sẽ được chuyển đến đó ở. Tỉnh sẽ cấp tiền cho các hộ đủ sinh hoạt trong thời gian nghiên cứu sắp xếp, bố trí việc làm, tạo nguồn thu nhập và điều kiện mưu sinh mới cho họ.

Còn về các vấn đề pháp lý liên quan tới công trình thủy điện và các nhà đầu tư Hàn-Thái đã sai phạm như thế nào, để dẫn tới thảm họa cấp quốc gia về vụ vỡ đập kinh hoàng này, một ủy ban điều tra hỗn hợp nhiều phía vẫn đang tiếp tục làm việc, và Chính phủ sẽ công bố khi có kết luận chính thức. Lúc đó mới có thể quyết định số phận của dự án thủy điện tỷ đô Xe Pian - Xe Nam Noy.

MỚI - NÓNG