Tin ở tương lai

0:00 / 0:00
0:00
Chị Lâm Thị Tiểu Linh (giữa), quê Sóc Trăng nén nỗi đau mất chồng để ở lại làm việc. ảnh: HƯƠNG CHI
Chị Lâm Thị Tiểu Linh (giữa), quê Sóc Trăng nén nỗi đau mất chồng để ở lại làm việc. ảnh: HƯƠNG CHI
TP - Trong khi hàng vạn người lao động trở về quê, nhiều người khác chọn cách ở lại. Khi được hỏi, vì sao chọn ở lại, họ nói rằng “tột cùng khó khăn đã dần qua, cớ gì phải bỏ đi, mang theo gánh nặng về quê hương”.

Vận động đồng nghiệp ở lại

Ngày 2/10, chỉ sau một ngày Bình Dương công bố nới lỏng giãn cách xã hội, dòng người đi xe máy nối đuôi nhau về quê khiến anh Phan Thành Thâu (quê tỉnh Bạc Liêu) làm công nhân ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, TX Bến Cát ở lại không khỏi, chạnh lòng. Anh Thâu là công nhân của Công ty TNHH Danu Sài Gòn.

“Đêm 2/10, ở phòng trọ nhìn ra ngoài, tôi thấy các đồng nghiệp sắp xếp đồ đạc về quê, người khác tìm chủ trọ trả phòng. Lúc đó, tôi thật sự rất buồn, có cảm giác như mình đang bị bỏ rơi. Tôi đã chạy đến từng phòng trọ động viên mọi người từ bỏ ý định về quê. Tôi nói với họ, tại sao lại bỏ cuộc khi mọi việc đã bình thường trở lại. Về quê lúc này vừa mất an toàn, vừa làm gánh nặng cho quê nhà. Có thể về quê cảm thấy ổn trong một thời gian ngắn nhưng sau đó cuộc sống sẽ ra sao, tiền đâu cho con ăn học”, anh Thâu kể lại.

“Hầu hết các doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Các nhà máy sẽ không còn đóng cửa khi phát hiện F0 như trước đây vì đã có phương án xử lý trong mọi tình huống. Mặt khác, trong tháng 10 này, người lao động sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, tình hình dịch bệnh dễ kiểm soát hơn. Người lao động sẽ dần ổn định cuộc sống”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh

Khi nghe anh Thâu phân tích, nhiều đồng nghiệp đã từ bỏ ý định về quê. Ngày 7/10, anh Thâu nhận được thông báo công ty cho công nhân trở lại nhà máy vào tuần tới. “Nghe tin, tôi vui lắm, chạy đi báo tin cho đồng nghiệp. Tôi thường xuyên lên các trang mạng xã hội, khi biết có công ty nào chuẩn bị hoạt động lại thì lập tức chia sẻ thông tin cho người lao động biết. Thật sự tôi không muốn ai về quê lúc này. Chúng ta đã chịu đựng vất vả, vậy tại sao khi ổn lại bỏ cuộc”, anh Thâu chia sẻ.

Chia sẻ lý do không về quê, chị Trần Thị Tuyết (quê Đồng Tháp) làm việc tại Công ty TNHH Thành Phát, nói rằng: “Tôi từng mắc sai lầm và nay không muốn nối tiếp sai lầm. Cách đây một năm, vì áp lực công việc, nghĩ về quê có gì ăn đó sống qua ngày. Thế nhưng, trở về quê chưa được 2 tháng, tôi phải quay trở lại Bình Dương. Cha mẹ già và đứa con ở quê đang học lớp 4, tôi không thể làm gì ở đó để có đủ chi phí. Tôi không muốn phải hối hận thêm lần nữa. Một số đồng nghiệp rủ tôi cùng về quê, tôi chỉ đáp rằng, khổ một mình đủ rồi, không muốn thêm gánh nặng cho người thân”.

“Không muốn mang gánh nặng về quê”

Đó là chia sẻ của chị Lâm Thị Tiểu Linh (quê tỉnh Sóc Trăng, hiện ở trọ tại đường Bình Hòa 19, khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Những ngày qua, khi thấy mọi người ồ ạt về quê, chị Linh đã có lúc dao động muốn về thăm con sau nhiều tháng không gặp.

Trong số những công nhân xa quê, chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, có lẽ không nhiều người phải chịu đau đớn như chị Lâm Thị Tiểu Linh. Trong những ngày cao điểm dịch bệnh, anh L.G, chồng chị Linh không may trở thành F0 và qua đời. Một mình trong căn nhà trọ nhiều ngày qua, dù rất buồn đau, nhưng chị vẫn vững vàng vượt qua.

Chị Linh tâm sự: “Con ở với ông bà dưới quê, nay tôi chỉ còn một mình. Đã có lúc, tôi muốn từ bỏ tất cả để về với con. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng, mình đã khổ rồi không thể để con cái phải chịu cảnh như mình. Tôi phải nán lại Bình Dương để đi làm lại, dần ổn định cuộc sống còn lo cho ông bà, con cái”.

Chị Nguyễn Thị Lan (quê Vĩnh Long) làm việc tại một công ty trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từng có ý định về quê. “Khi thấy đồng hương về quê, tôi gọi về cho mẹ thì được biết địa phương bắt buộc người về quê phải cách ly tập trung. Một số người về quê có kết quả dương tính, nguy cơ cao lây nhiễm. Mẹ tôi khuyên nên ở lại, vừa an toàn lại được tiêm vắc xin phòng COVID-19”, chị Lan nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, tính đến nay, số lượng người dân về quê theo diện đăng ký và tự phát khoảng 10 nghìn người. Nhiều nhóm về quê tự phát bằng xe máy sau khi được vận động đã quay trở lại.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.