Tiếp tục truy tìm chủ gỗ
Tại buổi làm việc, ông Thế cho biết đã đọc các bài báo phản ánh việc vận chuyển, tập kết gỗ trên sông Đắk Bla, đoạn qua xã Đắk Rơ Wa. Ông Thế hoan nghênh phóng viên các báo phản ánh kịp thời vấn đề này. Ngay sau khi nhận được tin, UBND TP Kon Tum đã nhanh chóng chỉ đạo Hạt kiểm lâm TP Kon Tum, UBND Đắk Rơ Wa kiểm tra, làm rõ, báo cáo.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum, có 15 cán bộ (7 kiểm lâm, 8 của xã) xuống hiện trường điểm tập kết gỗ nằm tại thôn Kon Jơ Ri (xã Đắk Rơ Wa) kiểm tra. Đến nơi, đoàn phát hiện nhiều cây gỗ không có dấu búa kiểm lâm. Xác minh nhanh từ những người dân làm rẫy gần khu vực trên thì không có ai đứng ra nhận là chủ gỗ. Đoàn đã lập biên bản, thu giữ 10 hộp gỗ thông chò xót, dẻ trắng, khối lượng 2,453m3 ; 15 lóng gỗ tròn dẻ trắng, thông chò xót, khối lượng 5,802m3. Tất cả số gỗ này đưa về trụ sở hạt kiểm lâm để chờ xử lý.
Ông Thế cho biết đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Hạt Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với UBND xã Đắk Rơ Wa điều tra, xác minh truy tìm đối tượng khai thác số lâm sản này để xử lý theo quy định pháp luật. UBND thành phố đã báo cáo vụ “vận chuyển gỗ trên sông Đắk Bla” này lên Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, về kết quả xử lý ban đầu.
Theo ông Phan Thanh Nam - Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa, đối tượng vận chuyển gỗ bằng bè có thể là người đồng bào dân tộc thiểu số về bán lại cho đầu nậu, hoặc mua về làm nhà.
Tìm nguồn gốc gỗ lậu
Cũng theo ông Phan Văn Thế, UBND TP Kon Tum đã yêu cầu Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Kon Tum, UBND xã Đắk Rơ Wa khẩn trương báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan vì để xảy ra vụ việc mà không kịp thời phát hiện, xử lý, báo cáo. UBND TP Kon Tum giao Trưởng phòng Nội vụ TP Kon Tum căn cứ trên cơ sở kiểm điểm tập thể, cá nhân Hạt Kiểm lâm và UBND xã Đắk Rơ Wa để tham mưu Chủ tịch UBND TP Kon Tum xem xét, có hình thức xử lý. “Quan điểm của chúng tôi là rất rõ ràng. Sau này khi phối hợp kiểm tra, điều tra xác minh ra thủ phạm vụ việc, tôi hứa không bao che bất cứ trường hợp nào. Nếu trong xã có ai tham gia, hay ngành nào có ai nào đứng sau đều phải xử lý”, ông Thế nói.
Về nguồn gốc gỗ, ông Thế khẳng định, số gỗ lậu bắt được trên sông không phải khai thác trên địa bàn TP Kon Tum bởi nơi đây không có gỗ tự nhiên như thế mà từ nơi khác về. Ông Vũ Hồng Sinh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum, cũng cho rằng gỗ này không khai thác từ Kon Tum, mà có thể đã bị khai thác từ huyện Chư Păh ( tỉnh Gia Lai) đưa về.
Trước việc Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum nghi ngờ gỗ được khai thác từ huyện Chư Păh rồi thả trôi về TP Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Ni - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh nói hiện chưa thể khẳng định gỗ được khai thác tại địa bàn, vì vùng giáp ranh với TP Kon Tum, ngoài huyện Chư Păh còn có huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) và huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai). Ông Ni hứa sẽ báo lại cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh chỉ đạo lực lượng đi kiểm tra cụ thể.
Như Tiền Phong đã phản ánh, chiều 17/1, phóng viên ghi nhận hàng chục bè gỗ, mỗi bè từ 2-3 khúc gỗ dài từ 3-5m trôi từ thượng nguồn sông Đắk Bla về thôn Kon Jơ Ri (xã Đắk Rơ Wa) trước khi tập kết tại khu vực thuộc mỏ cát của Công ty TNHH Vật liệu xanh Bảo Sơn. Khi vào bãi tập kết, nhóm phóng viên chứng kiến có 3 xe tải, trong đó có 2 xe đã được chất gỗ, ngoài ra còn rất nhiều gỗ tập kết dưới mép sông. Tuy nhiên, sau khi trình báo vụ việc, đoàn chức năng xuống kiểm tra thì các xe gỗ đã biến mất. Chỉ còn dưới mép sông hàng chục lóng gỗ, hộp gỗ nổi trên mặt nước.