Tin hot giáo dục: Xôn xao đề xuất cải tiến “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”

Đoạn ví dụ sau khi cải tiến.
Đoạn ví dụ sau khi cải tiến.
TPO - Đề xuất thay đổi bảng chữ cái, “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”;  Bằng đại học sẽ không phân biệt chính quy hay tại chức; Học sinh THCS sẽ được miễn học phí hay Lương giáo viên xếp cao nhất là những thông tin giáo dục nổi bật nhất trong tuần qua.

Đề xuất thay đổi bảng chữ cái, “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” 

"Luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"... Cách viết Tiếng Việt cải tiến mà PGS.TS. Bùi Hiển (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) trong cuốn sách vừa xuất bản gần đây đang gây tranh cãi lớn trong dư luận.

Cụ thể, đó là cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9/2017. Trong nhiều bài viết của các nhà ngôn ngữ học, có bài “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” của PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.

Theo đó, ông Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...
Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).

Tác giả Bùi Hiền nhận định: “Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”.

Từ đó, ông kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Tin hot giáo dục: Xôn xao đề xuất cải tiến “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” ảnh 1 Bà Nguyễn Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT 
Bằng đại học sẽ không phân biệt chính quy hay tại chức

Trao đổi với báo chí về dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi chiều ngày 24/11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho biết, sắp tới, các trường ĐH sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo hệ chính quy sẽ giống như hệ tại chức.

Theo dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi mới, hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2 hình thức đào tạo.

Bà Nguyễn Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục đại học mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm đề cập đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức tập trung; đối tượng nào thì đạo tạo theo hình thức không tập trung.

Bên cạnh đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Do đó, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH.

"Bộ GD-ĐT hy vọng các cơ sở sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là sự khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường" - bà Phụng nhấn mạnh.

Học sinh THCS sẽ được miễn học phí

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký Tờ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục hiện hành với một số nội dung thay đổi đặc biệt có lợi cho học sinh, giáo viên như: Miễn học phí tới hết cấp THCS, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương và định hướng nghề nghiệp rõ nét hơn. (xem chi tiết tại đây)

Lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

“Điều 81 quy định về tiền lương ghi rõ: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GD&ĐT cho rằng: Nhiều ý kiến đóng góp là hiện nay, nhìn chung lương giáo viên còn quá thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non và phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 29 –NĐ/TW vào Luật giáo dục.

Cụ thể, theo tờ trình,  việc sửa đổi, bổ dung Điều 81 về tiền lương của Nhà giáo nhằm thể chế hóa khoản 6, mục 3, phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Sáng 25/11, Vụ trưởng Vụ giáo dục đào tạo (Bộ GD&ĐT) ông Vũ Đình Chuẩn và TS Trịnh Ngọc Thạch, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục có buổi chia sẻ thông tin liên quan với báo chí. (xem chi tiết tại đây)

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.