Tín hiệu vui từ hai 'tâm dịch'

0:00 / 0:00
0:00
F0 đang được điều trị tại Bình Dương. Ảnh: H.C
F0 đang được điều trị tại Bình Dương. Ảnh: H.C
TP - Nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống dịch của ngành y tế và cơ quan chức năng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương đã mang lại những tín hiệu tích cực. Số ca mới mắc bệnh trong cộng đồng đang từng bước được kiểm soát, tình hình ca bệnh chuyển nặng, tử vong đang dần được khống chế.

TPHCM giữ vững “vùng xanh”

Tại cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch chiều 5/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, đến nay đã có 245.707 trường hợp mắc bệnh được phát hiện tại TPHCM và được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện trên địa bàn hiện đang điều trị 42.863 bệnh nhân, số ca tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 10.452 trường hợp.

Theo ông Hải, đợt bùng phát dịch lần thứ tư gây ra nhiều đau thương mất mát cho cộng đồng. Tuy nhiên, các giải pháp phòng chống dịch đang từng bước mang lại kết quả bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan. Hiện tại thành phố đã hoàn tất chiến dịch xét nghiệm lần thứ nhất tại các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao kể từ ngày 23/8 đến nay với hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm đã được thực hiện, trong đó có 3,6% số mẫu được xác định dương tính.

"Các địa phương đang hỏa tốc thực hiện xét nghiệm lần thứ hai để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, ở đợt xét nghiệm lần thứ hai, số ca bệnh được phát hiện đã giảm xuống còn 2,7%"- ông Hải nói và cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc- xin ngừa COVID-19 cho cộng đồng đang được đẩy mạnh. Đến nay, thành phố đã thực hiện được gần 6,5 triệu liều vắc- xin cho người dân, cơ bản hoàn thành chích ngừa mũi thứ nhất, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ chích mũi thứ hai để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố đã tổ chức các trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động đang nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai phát các túi thuốc cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà cho hơn 84.000 trường hợp cách ly tại nhà ngay khi phát hiện bệnh.

Tín hiệu vui từ hai 'tâm dịch' ảnh 1

Y bác sĩ đang mang bệnh viện đến tận nhà cho F0. Ảnh: Vân Sơn

BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, cuộc chiến chống dịch đang có những tín hiệu vui, kể từ khi thành phố triển khai túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Hiện đã có hơn 5.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir được cấp phát cho F0, bước đầu cho thấy thuốc kháng virus đang phát huy hiệu quả trong việc giảm số ca bệnh diễn tiến nặng trong cộng đồng từ đó giảm số người phải nhập viện điều trị, góp phần từng bước kéo giảm tử vong.

Đến nay, thành phố đã có 2 quận huyện là Củ Chi và Quận 7 công bố kiểm soát được dịch. Ban chỉ đạo chống dịch thành phố cho biết, đây là kết quả đáng mừng từ thành quả hợp tác chung tay chống dịch của cộng đồng và chính quyền thành phố. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn những diễn biến khó lường, thời gian tới, các địa phương đã kiểm soát được dịch sẽ tiếp tục tăng cường các phương án hạn chế tối đa nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan, bảo vệ vùng xanh trên bản đồ COVID-19.

Bình Dương sẽ cho người đã tiêm vắc- xin được ra đường

Mặc dù ca mắc COVID-19 vẫn ở mức 4 con số nhưng số bệnh nhân xuất viện về nhà ở Bình Dương mỗi ngày cao hơn ca mắc mới. Địa phương này đang tính việc cho người đã tiêm vắc- xin được ra đường để tham gia lao động sản xuất bình thường, miễn sao những người này phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Tính đến ngày 5/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 128.893 ca mắc COVID-19 (tính từ đợt dịch thứ tư đến nay), trong đó có 1.059 ca tử vong và hơn 74.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương đang có xu hướng giảm dần.

Cụ thể, vào ngày 30/8, Bình Dương ghi nhận đến 6.050 ca. Liên tục 3 ngày sau đó, địa phương này ghi nhận số ca mắc giảm dần dao động từ 3 đến 4.000 ca. Ngày 3/9, Bình Dương ghi nhận 3.676 ca và ngày 4/9, ghi nhận 2.485 ca mắc COVID-19. Các ca F0 ở Bình Dương được ghi nhận chủ yếu ở khu vực đang bị “đông cứng, khóa chặt”. Ngoài việc số ca mắc tiếp tục giảm dần, Bình Dương có số bệnh nhân xuất viện dao động từ 2 đến 3.000 người mỗi ngày, số bệnh nhân xuất viện cũng cao hơn ca mắc mới trong 3 ngày liên tiếp tại đây.

Để đạt mục tiêu đến ngày 15/9 đưa tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 chiến dịch “thần tốc xét nghiệm” và “thần tốc tiêm vắc- xin”. Song song với xét nghiệm, Bình Dương đang triển khai tiêm vắc- xin để miễn dịch cho người dân. Đến nay, địa phương đã tiêm 1.063.054 liều vắc- xin (gồm 1.017.741 mũi 1 và 45.313 mũi 2). Tỉnh Bình Dương đang triển khai tiêm 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm đã được phân bổ. Tính đến sáng 5/9, tỉnh Bình Dương đã tiêm gần 300.000 liều vắc- xin Vero Cell cho người dân. Bình Dương đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tiêm 250.000 liều/ngày.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương cho biết, những người sau khi tiêm ngừa vắc- xin 15 ngày sẽ hình thành kháng thể giúp bảo vệ sức khỏe không bị nhiễm bệnh một phần, trường hợp có nhiễm bệnh cũng hạn chế bị diễn biến nặng.

Ngày 5/9, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã giao ngành y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu về phương án cho người dân được ra đường đối với trường hợp đã được tiêm 2 mũi vắc- xin và 1 mũi sau khi đã tiêm được 20 ngày.

Cũng theo ông Hiếu, để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị F0 thể nhẹ, các trường hợp bệnh nhân trước đó đã có cách ly tại các địa phương, khi chuyển tiếp đến bệnh viện dã chiến có thời gian từ 7 ngày trở lên sẽ được xét nghiệm, nếu kết quả âm tính sẽ cho bệnh nhân xuất viện về nơi cư trú tiếp tục thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.

Ngày 5/9, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã giao ngành y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu về phương án cho người dân được ra đường đối với trường hợp đã được tiêm 2 mũi vắc- xin và 1 mũi sau khi đã tiêm được 20 ngày.

“Với phương châm vắc- xin tốt nhất là vắc- xin được tiêm sớm nhất. Do đó, chúng tôi đang thần tốc tiêm vắc-xin cho người dân. Đối với người lao động phải đảm bảo 100% được tiêm vắc-xin nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nói.

MỚI - NÓNG