Tín dụng tăng tốc Khấp khởi mừng

Tín dụng tăng tốc Khấp khởi mừng
TP - Theo số liệu mới nhất từ vụ tín dụng NHNN, tính đến 29/8, tăng trưởng tín dụng đạt 6,21% so với cuối năm 2012, tăng gần 1% so với tháng trước. Động lực nào khiến tín dụng nhảy vọt, liệu nền kinh tế đã thực sự khởi sắc hay chưa?

> Tỉnh giấc Tái cơ cấu
> Đón dòng đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam

NH lớn nhỏ xin nới room tín dụng

Sự hồi phục mạnh trong tín dụng của các NHTM được rải khá đều từ ngân hàng nhỏ đến lớn. Nếu như cuối tháng 6/2013, TTTD của Vietcombank đang âm 1,47%, thì tính đến cuối tháng 8/2013, tín dụng của ngân hang này đã tăng trở lại với 2,8% so với cuối năm 2012. Sự cải thiện tích cực tín dụng theo lý giải của Tổng giám đốc Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, do nhu cầu tín dụng của DN tăng lên trong hai tháng qua.

Nhất là lãi suất cho vay của Vietcombank khá cạnh tranh. Với những DN tốt, lãi suất cho vay VND ngắn hạn bổ sung vốn lưu động của ngân hàng này có thể áp dưới 5,5%/năm, thậm chí giảm về 5,2%/năm.

 “Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất đã giúp thị trường có mặt bằng lãi suất mới rất hợp lý. Đây là động lực giúp các DN quay trở lại vay vốn”.  

TS Cao Sỹ Kiêm

Ông Thành cũng khá lạc quan khi nói về bức tranh tín dụng của VCB từ nay đến cuối năm. Tương tự, BIDV liên tục có mức tăng trưởng ấn tượng khi cập nhất đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 10,4% tăng gần 2% so với tháng 7 (8,43%). Một lãnh đạo BIDV tiết lộ có thể ngân hàng xin nới room tín dụng lên 16 - 17%.

Về phía NHTMCP nhỏ, đại diện VIB cho biết ngân hàng vừa xin nới room tín dụng lên tới 20% thay vì chỉ 9% như được giao hạn mức hồi đầu năm. Một số NHTMCP khác cho biết, họ đang quan sát thị trường để chốt kế hoạch kinh doanh những tháng cuối năm, rất có thể danh sách xin nới room tín dụng của các NH sẽ được nối dài. Trước đó các NHTMCP như: NamA Bank, Sacombank, HDBank đã xin nới chỉ tiêu và đều được cơ quan quản lý chấp thuận.

Theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Thị Hồng, cầu tín dụng tăng mạnh có lý do từ sức cầu trong và ngoài nước đã có dấu hiệu cải thiện như xuất, nhập khẩu đều tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhập siêu quay trở lại, hàng tồn kho và số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản chậm lại... Bên cạnh, thời gian qua các NH liên tục đưa ra các chương trình tín dụng với mức lãi suất ưu đãi, tích cực giảm lãi suất của các khoản vay cũ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay.

Vẫn còn nút thắt

Với mức tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 8 là 6,21%, hệ thống ngân hàng đi hơn nửa chặng đường mục tiêu. Như vậy, để đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 12% cả năm thì bình quân mỗi tháng cuối năm cần tăng khoảng 1,4%/tháng.

Tại thời điểm này, hiện các NHTM tích cực sàng lọc phân khúc khách hàng, định vị lại khẩu vị rủi ro để khai thác thêm các khách hàng mới. Có NH đưa ra các gói vay ưu đãi nhằm đón đầu nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm của người dân với mức lãi suất rất thấp.

Điển hình như tại Techcombank dành tới 4.000 tỷ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua bất động sản, mua ô tô, vay tiêu dùng, vay xây sửa nhà và vay hộ kinh doanh với lãi suất thấp kỷ lục 5,99% cùng với ưu đãi thanh toán gốc và lãi linh hoạt.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vẫn là mục tiêu ưu tiên của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, theo bà Hồng, một mình chính sách tiền tệ và hệ thống NH quyết liệt thực hiện thì chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của các bộ, ban ngành khác.

Bà Hồng lưu ý các DN cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với hiện nay, khắc phục khó khăn; cơ cấu lại hoạt động để nâng cao hiệu quả gia tăng cơ hội tiếp cận vốn.

Đồng quan điểm TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng dư địa chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm rất hạn hẹp nên thời điểm này các chính sách như tài khóa, thương mại và đầu tư phải đẩy mạnh hơn. Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần có các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phầm đầu ra của DN; giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng của ngân sách; hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục công chứng...

NHNN cho biết hiện đã sẵn sàng nguồn tiền tái cấp vốn để triển khai các chương trình lớn như cho gói vay 30 ngàn tỷ đồng; dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê...Với việc ban hành một loạt cơ chế quy định để VAMC vận hành một cách hiệu quả trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ xử lý nợ xấu nhanh hơn, NHNN cũng kỳ vọng việc bốc “tảng đá” nợ xấu ra sẽ khơi thông dòng chảy tín dụng.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.