Tín dụng 2018 tăng 14% thấp hơn dự kiến

Tín dụng tăng thấp hơn dự kiến nhưng đều chảy vào các lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất
Tín dụng tăng thấp hơn dự kiến nhưng đều chảy vào các lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng 2018 tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130% GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo.

Sáng nay, 7/1, tại buổi họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ 2018, định hướng 2019, lý giải về việc tín dụng tăng thấp hơn mục tiêu 17% đề ra từ đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, để hỗ trợ cho tăng trưởng thì nguồn vốn cho nền kinh tế có nhiều nguồn như ngân sách, vốn nước ngoài nhưng kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ đạo.

Theo Phó Thống đốc, mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130% GDP.

Thông tin về tình hình tăng trưởng tín dụng, tại buổi họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, tín dụng năm 2018 đã tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng cuối năm 2018 tăng 12,1%, trong đó tín dụng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất (16%) trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế với mức tăng 13,2%. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá như tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 15,5% chiếm 24% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Lý giải thêm việc tín dụng tăng thấp hơn mục tiêu 17% đề ra từ đầu năm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, để hỗ trợ cho tăng trưởng thì nguồn vốn cho nền kinh tế có nhiều nguồn như ngân sách, vốn nước ngoài nhưng kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ đạo. Năm 2018, NHNN xác định tín dụng chỉ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt mức tăng chung, trong đó có tín dụng bất động sản, tín dụng tiêu dùng.

“Mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130 % GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo”, Phó Thống đốc cho biết thêm.

Về điều hành chính sách tiền tệ, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cho biết, trong năm 2018, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% (là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.

“NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD. Theo đó, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD. Mặt bằng lãi suất của các TCTD năm 2018 về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung- dài hạn khoảng 9-11%/năm. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối”, ông Hà chia sẻ thêm về kết quả điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá.

Theo đó, năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Về tín dụng sẽ điều hành phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. NHNN sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD từ đầu năm trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

MỚI - NÓNG