Anh Nguyễn Đức (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên “săn” hàng trên Amazon cho rằng, hàng hoá trên website Amazon đa dạng, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng theo tiêu chuẩn Châu và đặc biệt là có nhiều khuyến mãi giảm giá.
“Mua hàng khuyến mãi trên Amazon, giá giảm nhiều so với giá ban đầu của nhà sản xuất, tôi yên tâm về chất lượng hàng nhờ uy tín của Amazon”, anh Đức nói.
Theo anh Đức, trên Amazon từ lâu đã có phiên bản tiếng Việt để anh có thể thuận tiện tìm hiểu hàng hoá. Tuy nhiên, khi đã lựa chọn được mặt hàng ưng ý, anh phải nhờ qua đơn vị trung gian là các đại lý chuyên 'order' (đặt hàng) từ nước ngoài. Những mặt hàng gọn nhẹ như đồng hồ, tuỳ theo giá trị mặt hàng thường tính phí khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng/sản phẩm. Mặt hàng có kích thước lớn, phí vận chuyển hàng tính theo kg.
“Trước kia, chọn xong mặt hàng, tôi phải gửi link cho đơn vị trung gian, mất thêm phí vận chuyển hàng hoá. Tôi rất mong Amazon có mặt tại Việt Nam, để mỗi lần mua hàng tôi giảm được số tiền này”, anh Đức nói.
Là một trong những đại lý chuyên 'order' hàng từ nước ngoài, chị Lê Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị có người thân ở nước ngoài có chi nhánh của Amazon. Mỗi lần khách chọn được mặt hàng trên Amazon sẽ gửi link sản phẩm cho chị Hạnh. Chị Hạnh đặt hàng và ghi địa chỉ nhận hàng là gia đình người thân tại nước ngoài. Sau khi người thân nhận hàng, chị Hạnh nhờ các công ty chuyển phát nhanh quốc tế chuyển hàng về Việt Nam để giao cho khách hàng.
“Việc kinh doanh của tôi nhờ vào việc làm trung gian vận chuyển hàng hoá. Nếu Amazon có mặt tại Việt Nam, tôi chuyển sang order hàng từ các trang bán hàng trực tuyến khác tại nước ngoài”, chị Hạnh nói.
Trước đó, khi Amazon có mặt tại Mỹ, người tiêu dùng Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều nhờ giá hàng hoá siêu cạnh tranh, giao hàng nhanh chóng….
Trái ngược với tâm lý của người tiêu dùng, các nhà cung cấp hàng hoá cho kênh bán hàng trực tuyến như Lazada, Tiki… “đứng ngồi không yên” và chuẩn bị phương án cạnh tranh với sự đổ bộ của Amazon vào thị trường Việt Nam.
Theo anh Xuân Thuỷ, Giám đốc công ty cung cấp hàng gia dụng cho Lazada, khi Amazon vào Việt Nam sẽ chia lượng khách hàng với các trang bán hàng trực tuyến hiện nay. Ngoài cạnh tranh về giá cả, các trang bán hàng trực tuyến phải đối mặt nguy cơ uy tín của Amazon tốt hơn nên dễ nhận được sự ưu tiên của khách hàng.
Ngoài các công ty bán hàng trực tuyến, các cửa hàng, công ty bán lẻ cũng có nguy cơ bị đe doạ. Cùng một mặt hàng với giá từ nhà sản xuất, các công ty bán lẻ, đại lý phải tốn chi phí thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng và các chi phí phát sinh khác, trong khi trang bán hàng trực tuyến không mất chi phí này nên giá bán sẽ thấp hơn.
Theo đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, thị trường sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút người mua hàng và giành thị phần, tạo cho người dùng nhiều lợi ích cũng như sự lựa chọn. Đồng thời, điều này sẽ thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, dịch chuyển sang mua sắm và thanh toán online, thông qua đó thúc đẩy thương mại điện tử ở Việt Nam và các dịch vụ hỗ trợ như: vận chuyển, thanh toán, digital marketing... phát triển mạnh.
Theo đó, các công ty vừa và nhỏ trong nước cũng phải ứng dụng công nghệ tối đa để tăng khả năng cạnh tranh. Bán hàng đa kênh để tăng điểm chạm với khách hàng sẽ là một giải pháp cho các công ty vừa và nhỏ trong vài năm tới.
“Với sự góp mặt của Amazon, thị phần bán lẻ trực tuyến trong nước chắc chắn sẽ thay đổi nhiều trong thời gian tới. Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn phương thức mua sắm tiện nghi từ máy tính hoặc điện thoại di động, thì cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ trực tuyến cũng tiếp tục gay cấn hơn khi những ông lớn không ngừng đẩy nhanh sự mở rộng của họ và nhiều người chơi mới tham gia vào cuộc chiến. Trong cuộc đua này, người tiêu dùng chắc chắn sẽ hưởng lợi”, đại diện Hiệp hội Thương mại điện đánh giá.