Tìm về với hạnh phúc 'bình thường'

Tìm về với hạnh phúc 'bình thường'
TP - Sau tám năm từ giã ma túy, giờ đây, anh Đỗ Việt Phương có cuộc sống bình thường như bao người khác. Hằng ngày, sáng anh giúp vợ bán hàng ăn, chiều rửa xe kiếm thêm thu nhập.

> Xe bánh mì cho người hoàn lương
> Tội phạm trẻ ngày càng thủ đoạn

Quá khứ - một Phần đời không thể quên!

Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm về nhà anh Đỗ Việt Phương (SN 1981) ở thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Thấy có người hỏi thăm, dù đang dở tay rửa xe máy, anh Phương vẫn vui vẻ mời khách vào nhà, rồi mới quay lại làm nốt việc.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Bí thư Đoàn thị xã Phúc Yên giới thiệu, anh Phương là một trong những thanh niên tiêu biểu của tỉnh trong việc hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. “Mình dẫn các bạn đến nhà anh Phương thấy cũng ngại. Chẳng ai muốn nhắc chuyện quá khứ không vui của mình đâu”, chị Liên nói.

Rửa xong xe, anh Phương quay lại tiếp chuyện khách. Trong căn nhà 3 tầng mặt phố, anh chậm rãi kể về lỗi lầm của cuộc đời mình. Năm 1999, lúc đó, Phương là học sinh cấp ba. Do đua đòi, Phương thử dùng ma túy.

 “Nói thực, mình cũng không muốn nhắc chuyện quá khứ nữa. Nhưng các bạn đến đây tìm hiểu thì mình chia sẻ. Các bạn cứ chụp ảnh, đưa cả mặt mình lên báo cũng được. Hy vọng câu chuyện của mình có thể có ích cho bạn trẻ”  

Anh Đỗ Việt Phương

Từ đó, Phương nghiện. Anh Phương kể, để có tiền dùng ma túy, Phương xin mẹ, vay bạn bè. “Cũng mất nhiều tiền lắm. Tuy nhiên, mình không đi trộm cắp”, anh Phương nhớ lại. Bố mẹ, người thân biết chuyện khuyên giải nhiều, nhưng Phương không dứt được.

Việc gì đến cũng phải đến. Năm 2002, một lần xuống Hà Nội chơi với bạn, Phương mua hai tép heroin sử dụng. Phương bị bắt ngay sau đó vì tội tàng trữ ma túy. Lúc này, Phương đang theo học năm cuối nghề lái máy xúc, máy cẩu của một trường nghề ở Vĩnh Phúc. Phương bị bắt trước khi thi tốt nghiệp một tuần.

Anh Phương kể, những ngày đầu vào trại, mỗi lần lên cơn nghiện bị đọa đày như ở địa ngục. Được cán bộ quản giáo hướng dẫn và với sự nỗ lực của bản thân, những cơn thèm thuốc giảm dần. Hơn một tháng Phương cắt được cơn. “Đáng ra, mình đã tốt nghiệp và có thể đi làm rồi. Hai năm tuổi trẻ trong tù, biết bao nhiêu cơ hội trôi qua”, anh Phương nhớ lại. Ở trong trại, Phương tham gia lao động chăn nuôi, đào ao thả cá.

“Cuộc sống trở lại bình thường rồi”

Anh Phương đã trở lại với cuộc sống bình thường. Ảnh: Trường Phong
Anh Phương đã trở lại với cuộc sống bình thường.
Ảnh: Trường Phong.

Mãn hạn tù, trở về để hòa nhập với cuộc sống đời thường, những người một thời lầm lỡ lại đối mặt những rào cản khác đó là mặc cảm của chính mình và ánh mắt của cộng đồng.

Trên con đường trở về với cái thiện, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì những người một thời lầm lạc vẫn cần sự trợ giúp từ nhiều phía. Đón thêm một người về với cái thiện, cái đẹp - xã hội bớt đi những mối lo.

Ngày trở về, anh Phương nằm lỳ ở nhà mấy tháng, ngại tiếp xúc với mọi người. Thế rồi, anh được một người bạn rủ lên Sơn La làm thuê. Anh Phương nhận lời. Có ai ngờ, chính mảnh đất này lại là nơi ươm mầm hạnh phúc cho anh.

“Năm 2005, mình lên Sơn La làm việc. Tình cờ gặp vợ mình bây giờ. Lúc đó, cô ấy học lớp 11. Thế rồi nảy sinh tình cảm. Mình kể cho cô ấy là từng đi trại cai nghiện ma túy. Cô ấy thông cảm và chia sẻ, động viên mình”, anh Phương chia sẻ.

Lập gia đình năm 2005 và sau đó một năm vợ chồng anh có bé trai đầu lòng. Đến bây giờ gia đình anh đã có 2 nhóc kháu khỉnh. Năm 2008, vợ chồng bàn nhau mở quán hàng ăn sáng.

“Lúc đầu mọi người cũng e ngại, vì chủ quán từng nghiện ma túy, lại đi trại về, nhưng dần dần, mọi người cũng hiểu và thông cảm. Quán ăn đông dần. Mỗi tháng, vợ chồng cũng thu nhập trên 5 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống” - anh Phương vui vẻ.

Thấy phóng viên để ý hình xăm trên tay, anh Phương bảo, đó là sản phẩm của những năm tháng trong tù. “Lúc tán tỉnh vợ mình bây giờ, mỗi khi gặp nhau, mình đều mặc áo dài tay để che hình xăm. Giờ kể lại, thỉnh thoảng, cô ấy nói đùa: Ngày xưa, anh lừa em”.

“Cũng may mình cai ma túy sớm, không cuộc đời mình không rõ sẽ đi về đâu”.

Cuộc sống của gia đình anh Phương giờ đã ổn định. Mỗi sáng, sau khi đưa con đi học, anh trở về phụ vợ bán hàng; chiều anh làm thêm nghề rửa xe; tối anh đi tập tạ... “Cuộc sống trở lại bình thường rồi, cũng không có gì phải băn khoăn nữa”, anh Phương cười vui.

Sau hơn 4 năm thực hiện kế hoạch liên tịch giữa Bộ LĐTB&XH, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc vận động, giúp đỡ người nghiện cai nghiện và quản lý hỗ trợ sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc đã giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều thanh niên sau cải tạo, cai nghiện hòa nhập với cộng đồng; tổ chức tuyên dương gần 100 tấm gương tiêu biểu. Đến nay, nhiều trường hợp đã được giới thiệu việc làm, được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, giới thiệu đi học nghề, học cao đẳng, đại học… tự tin tham gia các hoạt động xã hội.

Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc Trần Việt Cường cho biết, mỗi đợt tiếp nhận thanh niên sau cải tạo, cai nghiện về tái hòa nhập với cộng đồng, Tỉnh Đoàn thường bố trí các chuyến tham quan đến các di tích lịch sử, văn hóa, nhà chùa để giáo dục, hướng thiện cho họ. Tỉnh Đoàn đang lập kế hoạch xây dựng đề án giáo dục cho từng đối tượng thanh niên. “Phải có cách giáo dục riêng với từng đối tượng mới đạt hiệu quả”, anh Cường cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.