Tìm về nguồn cội

Tìm về nguồn cội
TP - TP - Lần đầu tiên, sau hơn nửa thế kỷ ly biệt, 150 cựu học sinh trường An-be Sa-rô cả người Pháp lẫn người Việt cùng tề tựu trên sân trường THPT Trần Phú - nơi họ từng gắn bó những năm tháng tuổi học trò.

> Gặp mặt cựu học sinh trường Albert Sarraut
> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ

Cây tình bạn

Cuối tháng 10/2013, trên sân trường rợp bóng những cây đại thụ của Trường THPT Trần Phú- Hà Nội xuất hiện thêm một cây phượng. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng lãnh đạo trường Trần Phú đã ưu tiên dành một vị trí ngập tràn ánh nắng, lại ở vị trí trung tâm để cây phượng cắm sâu rễ vào lòng đất.

Theo lời giới thiệu bằng tiếng Việt khắc trên tấm biển lưu niệm được cắm cạnh cậy phượng thì cây được trồng bởi những thành viên của Hội Cựu học sinh trường An-be Sa-rô (ALAS) và CLB ALAS Việt Nam. Trung tâm tấm biển là dòng chữ: “Trồng cây phượng này là trồng sâu vào lòng đất và thời gian tình hữu nghị Việt Nam - Pháp”. Ngài đại sứ Cộng hòa Pháp Jean Noel Poier cũng đã đến chứng kiến sự kiện trồng cây này.

Theo ông Đỗ Hữu Điển, Chủ tịch CLB ALAS Việt Nam, bà Louise Brocas, một “anlasienne” (thành viên Hội ALAS – PV) ở Paris là người đề xuất ý tưởng rất đẹp và sâu sắc này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do bất khả kháng, trong sự kiện trồng cây trên, bà Louise đã không thể có mặt. Nhưng hơn 30 vị đồng hương của bà đã vượt nghìn trùng từ nước Pháp bay đến Hà Nội để nâng niu từng xẻng đất vun vào gốc cây.

Ông Jacques Raux, một “anlasienne” lớn tuổi nhất có mặt tại buổi trồng cây hữu nghị mơ ước: Tôi mong sao cây phượng đâm chồi nảy lộc, trở thành một cây có tán lá sum suê, có đủ số cành để mỗi cành là một thầy cô giáo từng dạy ở trường An-be Sa-rô, từ những cành lớn đó lại mọc ra chi chít cành nhỏ hơn – đại diện cho tất cả học sinh An-be Sa-rô.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Jacques Raux cho biết, ông sinh năm 1922, ở Phnom Pênh và cùng gia đình sang Việt Nam năm 1926. Suốt thời niên thiếu của mình, ông đều học ở trường An-be Sa-rô, ban đầu là trường “bé” (Petit Lyceé), sau là trường “lớn” (Grand Lyceé).

Năm 1941, ông tốt nghiệp tú tài toàn phần. “Trong suốt cuộc đời mình, không có sự kiện nào khiến tôi cảm thấy sung sướng đến vậy”, ông Jacques nói.

Năm 1946, ông Jacques cùng gia đình rời Việt Nam. Trong suốt gần 70 năm qua, ông có quay lại Việt Nam một lần vào năm 2001, và năm nay là lần thứ hai. Nhưng với ông đây mới là lần đặc biệt, bởi không chỉ được tham gia trồng cây tình bạn mà còn là dịp dẫn người bạn đời về thăm lại những nơi lưu dấu những kỷ niệm tuổi thơ ấu của ông.

Trường học của những đại trí thức Việt

Theo ông Đỗ Hữu Điển, thành viên CLB ALAS Việt Nam, số “anlasienne” về dự sự kiện trồng cây hữu nghị có khoảng 150 người, trong đó 30 người đến từ Pháp. Các “anlasienne” ở Mỹ, Thuỵ Sĩ ban đầu rất hào hứng, nhưng vì những lý do khách quan, họ đều lỡ hẹn với ngày gặp lại.

“Tôi rất vui vì trong số các bạn người Pháp có một số người là bạn học cùng lớp với tôi, chẳng hạn anh Paul Delsol. Tôi mải lo việc tổ chức nên cũng không nói chuyện được nhiều. Nhưng lúc nãy anh Paul cũng đã tranh thủ nói chuyện với tôi, nhắc lại những kỷ niệm hồi chúng tôi còn là thành viên đội tuyển bóng rổ của trường”, ông Điển tâm sự.

Ông Điển sinh năm 1937. Nhờ có bố là nhân viên trường An-be Sa-rô, tất cả các anh chị em ông Điển đều được học ở trường này. Gia đình ông ở ngay trong khuôn viên nhà trường (địa điểm có cổng chính mở ra phố Honoré Tissot, nay là phố Hoàng Văn Thụ) nên ông quen thân nhiều thầy cô giáo.

Khi còn là học sinh lớp bé, họ dành cho ông một sự chăm sóc ân cần, trìu mến. “Có lần tôi đến nhà bà Malaterre, trên đường đi bị mưa ướt bẩn quần áo, bà ấy bắt tôi cởi quần áo ra rồi giặt là cho tôi. Bà ấy cũng đưa cho tôi cái mền để quấn người trong lúc chờ quần áo khô”, ông Điển kể.

“Sau 46 năm hoạt động (kể từ năm 1919, khi trường Lyceé de Ha Noi được xây dựng xong), trường An-be Sa-rô đã đào tạo hàng chục ngàn học sinh Việt Nam, trong đó nhiều người nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, học giả Hoàng Xuân Hãn, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhà thơ Phạm Huy Thông, triết gia Trần Đức Thảo…”, ông Điển nói.

Khi phát biểu trước toàn thể những cựu học sinh trường An-be Sa-rô, ông Paul Delsol – Chủ tịch ALAS Paris cũng nói: “Nhiều cựu học sinh trường An-be Sa-rô là những người nổi tiếng, có những đóng góp to lớn cho các nước Đông Dương, Pháp và nhiều nước khác. Tuy nhiên, tôi không thể kể tên họ ra ở đây vì số đó quá nhiều. Tôi chỉ xin phép được kể tên một người, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Trong sự kiện gặp mặt lần này, những cựu học sinh An-be Sa-rô được hưởng một ưu ái đặc biệt từ cơ quan Trung ương Đảng Việt Nam: Vào tham quan trường cũ ở địa điểm phố Hoàng Văn Thụ, nay là trụ sở làm việc của Ban Đối ngoại TƯ Đảng. Tất cả các phòng khách đều được mở cửa đón chào “anlasienne”.

Ông Trần Đắc Lợi, Phó Ban Đối ngoại T.Ư Đảng cho biết cơ sở này vẫn giữ nguyên kiến trúc của trường An-be Xa-rô cũ. “Các bác không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là những người kết nối lịch sử, kết nối tình bạn của hai dân tộc Việt Nam – Pháp”, ông Lợi nói.

Tiền thân của trường Trung học An-be Sa-rô (Lyceé Albert Sarraut) là các trường Paul Bert, Trường Trung học Hà Nội (Lyceé de Ha Noi). Sau hiệp định Genève năm 1954, Pháp và Việt Nam ký một thoả ước văn hoá, theo đó trường Trung học An-be Sa-rô được tiếp tục hoạt động 10 năm nữa song phải dời về địa điểm của trường Paul Bert trước đây ở phố Hai Bà Trưng (nay là địa điểm của Trường THPT Trần Phú). Giai đoạn này, học sinh của trường hầu hết là người Việt, nhưng chương trình học bằng tiếng Pháp. Giai đoạn này, có lúc (năm học 1959 – 1960) số học sinh của trường lên tới 1.420. Năm học cuối cùng (1964 – 1965), trường có 966 học sinh.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG