Các hóa thạch này có niên đại cách đây 11.500 đến 14.500 năm. Các nhà khoa học tạm thời gọi đây là người Red Deer Cave – Hang Nai Đỏ. Nhóm nghiên cứu nói, họ cần phải phân tích kỹ hơn trước khi công bố đây là giống người mới.
Những hóa thạch này được đặt trong bảo tàng của Trung Quốc khá lâu nhưng đến gần đây chúng mới được đem ra nghiên cứu.
Một vài bộ xương được tìm thấy ở thành phố Mengzi thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ở tình Quảng Tây, các nhà khoa học cũng phát hiện một bộ xương hóa thạch có cấu trúc tương tự.
Hình dáng sọ và răng của những bộ xương hóa thạch tìm thấy ở hai địa điểm khá giống nhau. Các nhà khoa học cho rằng, chúng là của cùng một giống người.
Những người này có hàm nhô, răng hàm lớn, lông mày nhô lên, hộp sọ dày, khuôn mặt rộng và mũi phẳng. Bộ não của họ có kích thước trung bình.
Tiến sĩ Curnoe và các đồng nghiệp đưa ra một số giả thuyết về nguồn gốc của giống người Red Deer Cave.
Đây có thể là một dòng tiến hóa sớm hơn người Homo sapiens - người tiền hiện đại sống ở Châu Á trước khi tuyệt chủng.
Giả thuyết thứ hai cho rằng, họ là nhóm người tiền hiện đại sống tách biệt ở Châu Á.
Một giả thuyết khác của các nhà khoa học không thuộc nhóm nghiên cứu, đây có thể là giống lai giữa người hiện đại và người cổ xưa hoặc lai do giao phối chéo loài.
Các xét nghiệm DNA từ những phần còn xót lại đang được thực hiện để xác định rõ nguồn gốc của giống người này.
Việc phát hiện ra hóa thạch của giống người trên khiến cho câu chuyện về nguồn gốc và sự tiến hóa của loài người càng trở nên phức tạp hơn.
Nhật Hạ
Theo BBC