Theo tờ Ifl Science, khi kiểm tra vùng đầm lầy cạn nước tại khu vực Brahms Point thuộc bán đảo Trotternish, Scotland, các nhà khoa học đã tìm thấy 50 dấu chân rất lớn nghi là của loài khủng long. Trong đó, dấu chân nhỏ thì cũng có chiều rộng lên tới 50cm, còn dấu chân lớn có chiều rộng 70cm.
Bằng cách dựa vào hình dáng tổng thể của vết chân, ngón chân và móng vuốt, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng, các vết chân này là của loài sauropod (khủng long chân thằn lằn – loài động vật lớn nhất trên Trái Đất mà con người biết đến) và theropods (khủng long chân thú). Đáng chú ý, nghiên cứu địa chất cho thấy những dấu chân này có niên đại khoảng 170 triệu năm tuổi.
Các nhà khoa học cho rằng, việc phát hiện những dấu chân khủng long sauropod ở Scotland đã giúp họ có thêm thông tin để tìm hiểu thêm về cuộc sống trong kỷ Jura. Bởi vì, những dấu vết hay hóa thạch của loài khủng long sauropod dù được tìm thấy ở khắp các châu lục trên Trái Đất, nhưng số lượng là không nhiều.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu cũng như tìm hiểu thêm về các vết chân cổ đại này. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định, vào thời điểm xuất hiện các vết chân vừa được tìm thấy, có nghĩa là khoảng 170 triệu năm trước, khí hậu trên Trái Đất rất ấm áp và tạo điều kiện cho loài sauropod khổng lồ phát triển trước khi phân bố trên khắp các châu lục.
Trong khi đó, sự xuất hiện của các dấu chân của loài khủng long chân thú ở bên cạnh loài sauropod có thể kết luận đây là một cuộc săn mồi của theropods.