Tìm giải pháp xử lý dứt điểm nợ BHXH của các doanh nghiệp giải thể, chủ bỏ trốn

0:00 / 0:00
0:00
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang tiến hành thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý với trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN ảnh hưởng quyền lợi người lao động như doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Thông tin đ ược đưa ra trong Báo cáo Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2021 của Bộ LĐ-TB&XH gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hộI mới đây.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vừa qua, bộ đã phối hợp với BHXH Việt Nam, các bộ ngành liên quan tổng kết, đánh giá xác định rõ trách nhiệm và nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN kéo dài. Đặc biệt các doanh nghiệp đã phá sản hoặc ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn vẫn còn nợ BHXH, BHTN.

Tuy nhiên, quá trình xử lý tình trạng nợ BHXH, BHTN của doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn gặp một số vướng mắc, như: Luật BHXH, Luật Việc làm và Luật Ngân sách nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp, nên không thể xác định được nguồn để xử lý; Việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp này không đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia, không khuyến khích tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHTN; Khó khăn trong việc thống kê số liệu cụ thể về người lao động bị ảnh hưởng tại các doanh nghiệp, do nhiều doanh nghiệp không còn tồn tại.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng BHXH Việt Nam thống kê chi tiết số liệu về người lao động bị ảnh hưởng để nghiên cứu, đề xuất giải pháp. Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt là tình trạng chậm đóng dẫn đến không có khả năng thu, nộp và việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp về BHXH cho người lao động cũng được đặt ra.

Tìm giải pháp xử lý dứt điểm nợ BHXH của các doanh nghiệp giải thể, chủ bỏ trốn ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN kéo dài, thậm chí giải thể, phá sản vẫn nợ, làm ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra tại hơn 2.300 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 370 đơn vị với số tiền phạt hơn 28 tỷ đồng. Qua thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ ra một số hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN phổ biến như: Doanh nghiệp thoả thuận với người lao động không tham gia BHXH, BHYT; ký các hợp đồng ngắn hạn, học việc để không tham gia BHXH bắt buộc cho toàn bộ lao động; Đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động không đúng mức lương theo mức lương trong thang, bảng lương đã xây dựng, chỉ đóng theo mức lương tối thiểu vùng; Cố tình chậm đóng BHXH;

Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp dù đã trích tiền BHXH, BHTN, BHYT của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH; doanh nghiệp thoả thuận với người lao động vẫn đi làm nhưng làm chế độ nghỉ ốm đau, dưỡng sức để hưởng BHXH. Với BHTN, không ít người lao động đã có việc làm nhưng không thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Về công tác thanh tra BHXH, BHYT, BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, công tác này đã góp phần quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động, cá nhân, góp phần duy trì và phát triển quỹ BHXH, đảm bảo an sinh xã hộI; giảm tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ngành lao động và BHXH để kịp thời phát hiện hành vi trục lợi quỹ BHXh, BHTN; kiên quyết thu hồi số tiền đối tượng hưởng sai quy định. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp, đơn vị có hành vi trục lợi, chậm đóng BHXH, BHTN. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHTN bằng nhiều hình thức.

BHXH Việt Nam cho biết, hiện có hơn 2,9 nghìn tỷ đồng nợ BHXH không có khả năng thu hồi (trong đó có hơn 2 nghìn tỷ nợ gốc và khoảng 900 tỷ đồng tiền lãi chậm nộp). Đây là nợ của các doanh nghiệp đã dừng hoạt động, đang hoặc đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Tới nay, BHXH Việt Nam đã rà soát, xác định được đa số người lao động bị nợ, thơi gian nợ, số tiền nợ, chỉ còn khoảng 47 tỷ đồng chưa xử lý được do chưa tìm được người lao động.

MỚI - NÓNG