Tìm 26 ngư dân mất tích: Sẵn sàng huy động thêm tàu, máy bay

Bão số 9 và hoàn lưu bão kéo dài gây thiệt hại ở Đà Nẵng. Ảnh: Cảnh Huệ
Bão số 9 và hoàn lưu bão kéo dài gây thiệt hại ở Đà Nẵng. Ảnh: Cảnh Huệ
TP - Tối 28/10, nguồn tin từ Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) cho biết, các lực lượng chức năng đang sử dụng tàu cứu hộ, thủy phi cơ để tìm kiếm 26 ngư dân mất tích sau khi hai tàu cá Bình Định chìm trên vùng biển Khánh Hòa.  

Ngày 27/10, tàu cá BĐ 96388TS với 12 ngư dân và tàu cá BĐ 97469TS với 14 ngư dân bị phá nước chìm ở khu vực cách Đông Nha Trang (Khánh Hòa) 170 hải lý, mất liên lạc.

Thực hiện lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã điều 3 tàu 467, 473 và 490 xuất phát từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đi tìm kiếm, cứu nạn 26 ngư dân mất tích. Đồng thời sử dụng thủy phi cơ DHC-6, số hiệu 772, của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 bay phối hợp tìm kiếm, cứu nạn và chỉ thị mục tiêu cho các tàu mặt nước. Máy bay DHC-6 cất cánh đầu giờ chiều 28/10 và tìm kiếm trong 1 tiếng rưỡi trên biển, nhưng không phát hiện được mục tiêu và quay trở về hạ cánh lúc 16 giờ 55 cùng ngày. Dự kiến, sáng 29/10, tổ bay DHC-6 tiếp tục bay tìm kiếm, hỗ trợ công tác cứu nạn.  

“Chúng tôi hy vọng các ngư dân mặc áo phao và đang cầm cự được trên biển”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nói. Quân đội đang làm hết sức mình để khắc phục một số hậu quả bão số 9 và sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó, khắc phục hậu quả tiếp theo, ông Bình nói.

Tìm 26 ngư dân mất tích: Sẵn sàng huy động thêm tàu, máy bay ảnh 1 Biên phòng Đắk Lắk chuẩn bị phương tiện ứng phó bão, lũ.

Tối 28/10, tại Khánh Hòa, Quân chủng Hải quân thành lập Sở Chỉ huy phía trước, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các tàu cá gặp nạn trên biển, do Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trực tiếp chỉ huy. Theo ông Nghiêm, Quân chủng Hải quân quyết tâm sử dụng tất cả sức lực, trang bị hiện đại nhất có trong biên chế, sẵn sàng huy động thêm tàu thuyền, máy bay để cứu ngư dân găp nạn. Nếu phát hiện được ngư dân, máy bay sẽ thả phao bè, lương thực xuống và báo địa điểm cho các lực lượng liên quan nhanh chóng tiếp cận cứu nạn.

Theo Cục Cứu hộ - Cứu nạn, tham gia ứng phó bão số 9, Quân khu 4 đã huy động hơn 42.000 bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân cùng hơn 4.000 phương tiện như xe vận tải, xe chuyên dụng, máy múc, máy xúc, máy ủi, xuồng… Kết quả, đã di dời 24.356 hộ/79.766 nhân khẩu ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Hoạt động kinh tế 6 tỉnh phải tạm ngừng

Ngày 28/10, Ban chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 (đóng tại Đà Nẵng), do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban, làm việc liên tục, hết công suất để kiểm tra, theo dõi, nắm tình hình và đưa ra chỉ đạo kịp thời để ứng phó cơn bão được đánh giá là kì dị nhất 20 năm qua.

Khoảng 12h ngày 28/10, bão số 9 (bão Molave) đổ bộ vào đất liền với vùng ảnh hưởng rộng từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó trọng tâm ảnh hưởng là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình Định. Đến 16h chiều qua, tại Đà Nẵng, gió vẫn giật cấp 10, cấp 11. Tại Ban chỉ huy tiền phương, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, phải thốt lên: Chưa có cơn bão nào gió mạnh, thời gian lưu lại trên đất liền kéo dài như bão số 9. Lịch sử hơn 20 năm mới có cơn bão kì dị như vậy. Theo thống kê thiệt hại ban đầu tính đến chiều 28/10 (do các địa phương báo cáo về Ban chỉ đạo), đã có hàng chục ngàn nhà dân, thiết chế hạ tầng, kinh tế của các tỉnh bị thiệt hại.

27 người chết, mất tích, 56.000 nhà bị hư hại

Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết, tính đến chiều 28/10, có 1 người chết ở Gia Lai (do trú mưa ở lán bị sập), 26 người mất tích trên biển, 2 người bị thương ở Bình Định, 3 tàu cá nhỏ bị chìm (Phú Yên 2 tàu, Bình Thuận 1 tàu). Bão số 9 làm sập 34 nhà (Bình Định 23 nhà, Quảng Ngãi 9 nhà), làm tốc mái gần 56.200 nhà ở các địa phương miền Trung (Quảng Ngãi gần 53.400 nhà, Bình Định gần 2.600 nhà, Gia Lai gần 110 nhà, Phú Yên 44 nhà, Kon Tum 32 nhà). Bão cũng làm hơn 30 trụ sở cơ quan, 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng, trong đó nặng nhất là ở Quảng Ngãi. Mưa lũ do bão đã cuốn trôi 1 cầu treo ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum làm chia cắt 115 hộ với 680 người dân thôn 11, xã Đắc Ruồng; sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm ở Kon Tum.

Chiều qua, sau khi đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu và tan dần. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm qua, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-70mm, ngày 29/10, mưa giảm ở khu vực này. Tuy nhiên, từ đêm 28-31/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm. 

Nam Khánh

MỚI - NÓNG