TikTok khắc phục các sai phạm tại Việt Nam như nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 9 yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm khắc phục các sai phạm của TikTok tại Việt Nam, nền tảng này đang thực hiện 4 nội dung, 3 nội dung đang thảo luận cách thức triển khai với cơ quan chức năng Việt Nam. Hai nội dung khác, TikTok chưa chấp thuận.

Tại Họp báo thường kỳ tháng 12 diễn ra chiều 7/12 của Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thông tin về việc khắc phục các sai phạm của TikTok sau kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng Việt Nam.

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Kết luận kiểm tra được công bố vào tháng 10 cho thấy, TikTok có nhiều hành vi vi phạm khi hoạt động ở thị trường Việt Nam như lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Quy trình kiểm duyệt nội dung chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. TikTok chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng.

Kết luận kiểm tra yêu cầu TikTok triển khai 9 nội dung để khắc phục các sai phạm như gỡ bỏ 100% các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, không sử dụng thuật toán để tạo xu hướng hoặc đề xuất đến người dùng các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, cấm hoàn toàn quảng cáo chính trị có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, phối hợp cung cấp thông tin để xác minh, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện trên nền tảng TikTok theo quy định.

Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu TikTok phải triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em như phải xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi. Giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok. Bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em. Cảnh báo về độ tuổi cho các video trên TikTok, kiểm soát chặt chẽ video có nội dung nhảm nhí, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em (app for kid) tại Việt Nam.

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị TikTok phải cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là với hình thức livestream.

TikTok khắc phục các sai phạm tại Việt Nam như nào? ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thông tin về việc khắc phục các sai phạm của TikTok tại Việt Nam.

Theo bà Huyền, trong văn bản phản hồi của TikTok, nền tảng này cam kết thực hiện 4 nội dung từ ngày 26/10, trong đó có vấn đề tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em, vấn đề liên quan đến bản quyền, vấn đề phối hợp thực hiện truyền thông chính sách với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ba nội dung hiện nay TikTok đang triển khai, trao đổi thảo luận với Bộ Thông tin và Truyền thông gồm cách thức triển khai hiệu quả việc ngăn chặn nội dung tin vi phạm pháp luật, nâng cấp công cụ rà quét thông tin hiệu quả hơn và cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung, đặc biệt với hình thức livestream.

Hai nội dung còn lại, TikTok chưa chấp nhận gồm vấn đề ủy quyền cho pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện quản lý và xử lý các nội dung vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam. “TikTok nêu lý do, pháp luật Việt Nam chưa quy định nên chưa có cơ sở thực hiện việc này”, bà Huyền thông tin.

Nội dung thứ 2 mà TikTok chưa chấp thuận là thỏa thuận với cơ quan báo chí về việc thực hiện bản quyền nội dung báo chí khi đưa lên nền tảng TikTok.

“Những nội dung TikTok chưa chấp thuận, chúng tôi tiếp tục đấu tranh, đàm phán yêu cầu TikTok thực hiện nghiêm các nội dung đã được đoàn kiểm tra yêu cầu”, bà Huyền cho biết.

Ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 4/2019, TikTok có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Theo công bố của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng.

Theo Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, ban đầu nền tảng TikTok chủ yếu thuần túy giải trí nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu nhiều nội dung chống phá đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị, cùng với đó là các nội dung độc hại, rất ảnh hưởng đến trẻ em.

MỚI - NÓNG