Tiểu thương treo biển phản đối ở chợ nguyên liệu may mặc lớn nhất TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 138/150 tiểu thương chợ Đại Quang Minh (quận 5, TPHCM) phản ứng khi Công ty Satraseco tăng giá thuê quầy sạp lên gấp đôi; còn Công ty cho rằng đã mời từng tiểu thương đến thương lượng nhưng không nhận được sự hợp tác.

Điêu đứng

Tại Trung tâm TMDV Đại Quang Minh (còn gọi là chợ Đại Quang Minh) – nơi chuyên bán nguyên phụ liệu ngành may mặc lớn nhất TPHCM, những ngày qua tiểu thương treo biển phản đối Công ty CP TMDV Sài Gòn (Satraseco) vì đơn phương tăng giá thuê quầy sạp từ 50% đến hơn 100%. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 1/7/2022.

Bà Đỗ Thị Dinh (72 tuổi) có hơn 30 năm kinh doanh tại chợ cho rằng, từ khi dịch COVID-19 đến nay bán buôn rất ế ẩm. “Nay Công ty gửi giấy thông báo tăng giá hơn 100% khiến chúng tôi điêu đứng. Công ty không tổ chức lấy ý kiến đồng loạt tiểu thương mà mời từng người đến để thương lượng nên chúng tôi không đồng ý” – bà Dinh nói.

Tiểu thương treo biển phản đối ở chợ nguyên liệu may mặc lớn nhất TPHCM ảnh 1

Tiểu thương lo lắng trước việc tăng giá thuê quầy sạp trong khi kinh doanh rất khó khăn

Bà Minh, chủ sạp D1 đang thuê sạp có diện tích hơn 8m2. Theo bà, trước năm 2018, giá thuê chỉ tầm 3,6 triệu đồng/tháng, tuy nhiên hiện nay giá đã tăng lên hơn 8 triệu đồng/tháng. “Theo mức giá mới Công ty sẽ áp dụng từ ngày 1/7 tới đây, tôi sẽ phải thuê sạp với giá 14.740.000 đồng/tháng; sau đó từ 1/1/2023 đến 30/6/2023, giá thuê sẽ là 19.650.000 đồng/tháng. Ngoài ra chúng tôi còn phải đóng 3 tháng tiền thuê quầy sau khi ký hợp đồng mới. Đây là điều trước giờ chưa hề có” – bà Minh nói.

Theo các tiểu thương khẳng định họ không phản đối việc tăng giá nhưng phải theo thông lệ thị trường và phải có lộ trình rõ ràng. Giá thuê mặt bằng phải phù hợp và tương xứng với cơ sở vật chất tại chợ. Ngoài ra, khi tăng giá cần lấy ý kiến của tiểu thương và gia hạn hợp đồng ít nhất 2 năm/lần thay vì một năm 2 lần như hiện nay.

Vì sao tăng giá sạp?

Ngày 7/6, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Phạm Thế Hanh, Tổng giám đốc Satraseco cho rằng, giá thuê sạp đang ở mặt bằng chung rất thấp nên kỳ điều chỉnh này công ty tăng theo đúng với thị trường. Mức giá điều chỉnh phù hợp với thị trường và căn cứ theo giá mặt bằng chung trên cơ sở diện tích và hệ số K (giá dựa vào vị thế, vị trí đắc địa...).

Tiểu thương treo biển phản đối ở chợ nguyên liệu may mặc lớn nhất TPHCM ảnh 2

Nhiều quầy sạp tại chợ Đại Quang Minh treo biển phản đối tăng giá thuê quầy sạp hơn 100%

“Trong suốt 2 năm dịch bệnh 2020-2021, Công ty đã giảm giá tiền thuê cho tiểu thương. Năm nay, dù hợp đồng hết hạn từ tháng 4/2022 nhưng Công ty vẫn giữ ổn định giá thuê đến hết tháng 6/2022. Từ tháng 7/2022, Công ty ký hợp đồng mới với tiểu thương với thời hạn một năm. Để tránh tăng quá mạnh, Công ty chia làm 2 đợt trong năm. Giai đoạn 1 là 6 tháng đầu, tăng 40-60% và giai đoạn 2 là 6 tháng tiếp tăng 40-50%. Thực sự Công ty cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy nếu không tăng giá, nâng cấp trung tâm thì Công ty sẽ không thể hoạt động bình thường” – ông Hanh cho biết.

Ông cũng cho biết thêm, riêng với tiền đặt cọc 3 tháng phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015, nhằm đảm bảo các tiểu thương thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong suốt quá trình thuê. Sau khi ra thông báo, công ty đã mời từng tiểu thương trao đổi, giải thích về lý do tăng giá nhưng một số đã không đến hoặc tỏ ra không thiện chí.

Theo ông Hanh, mức giá thuê mới là phù hợp với giá trị tiểu thương sắp nhận được vì công ty đang cải tạo sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và phục vụ tốt hơn; xây dựng thêm nhà vệ sinh cũng như nâng cấp chợ. Ngoài ra công ty cũng giảm 10% mỗi giai đoạn ký hợp đồng để hỗ trợ tiểu thương.

Tiểu thương treo biển phản đối ở chợ nguyên liệu may mặc lớn nhất TPHCM ảnh 3

Tiểu thương chợ Đại Quang Minh cho rằng việc tăng giá thuê quầy sạp cần phải hợp lý và có lộ trình

Trước đó, ngày 4/5, UBND phường 14, quận 5 đã có công văn gửi tới Satraseco. UBND phường đề nghị công ty xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện ký kết lại hợp đồng và tăng giá thuê ở thời điểm khác, có thể vào tháng 1/2023 thay vì bắt đầu từ tháng 7/2022 như kế hoạch. Lý do là thành phố đang hỗ trợ tiểu thương, các hộ kinh doanh phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

“Công ty cần tăng cường tuyên truyền, vận động để tiểu thương hiểu rõ hơn các chủ trương của mình; chức gặp gỡ trực tiếp tiểu thương vì hiện nay công ty chỉ mới gửi thông báo về việc ký kết lại hợp đồng vào tháng 3 mà chưa tổ chức buổi họp và yêu cầu tháng 6 là hết thời gian ký hợp đồng mới” – ông Võ Thành Tới, Chủ tịch UBND phường 14, quận 5 nói.

Phòng kinh tế quận 5 cũng có văn bản đề nghị thực hiện giãn thời gian tăng thuế quầy sạp; xây dựng lộ trình tăng giá thuê đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên. Đồng thời đề nghị công ty xem xét kéo dài thời hạn hợp đồng để đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh tại trung tâm.

Trước sự bất đồng giữa hai bên, Satraseco cho biết sẽ có buổi trao đổi trực tiếp với tiểu thương nhưng vẫn theo cơ chế cũ, là đối thoại riêng từng người. Trong khi đó, tiểu thương chợ Đại Quang Minh này muốn đối thoại công khai để biểu quyết thỏa thuận giá.

MỚI - NÓNG