Tiểu thương lo mưu sinh
Dù đã có yêu cầu giải toả của UBND TP Hà Nội, tiểu thương cũng ý thức được nguy cơ lây lan dịch COVID-19, nhưng nhiều người vì mưu sinh vẫn bán chui sau lệnh cấm.
Ngày 11/5, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu dừng hoạt động các nhà hàng bia hơi, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Gần 1 tuần sau lệnh cấm, hoạt động của một số chợ cóc tại Hà Nội đã thu hẹp. Tuy nhiên, dịp cuối tuần, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, chợ cóc ồ ạt tái xuất.
Sáng nay 16/5, chợ cóc quanh khu tập thể Khương Thượng (Hà Nội) nhộn nhịp từ sớm, phục vụ bà nội trợ mua thực phẩm cuối tuần cho gia đình. Chợ cóc kẹp giữa 2 siêu thị lớn, cạnh chợ Khương Thượng nhưng vẫn luôn có lượng khách trung thành cố định. Nhiều khách hàng cho biết, đã mua quen ở ngõ chợ này hàng chục năm, dịch bệnh thì cố gắng mua nhanh, không ăn quà. Hàng thực phẩm, hoa quả, đồ khô, tạp hoá hầu như hoạt động bình thường, một số tiểu thương bán hàng trong tâm thế “chân trong chân ngoài”.
Tiểu thương bán hàng kiểu "chân trong, chân ngoài", bày hàng kín vỉa hè ngay khi vắng bóng lực lượng chức năng |
Dù bán vỉa hè, nhưng hầu hết tiểu thương cho biết phải đóng tiền ngồi nhờ trước nhà dân, nghỉ ngày nào, thiệt ngày đó. Một số hộ có kiot nhỏ, bất tiện cho khách mua nên cũng bày hàng ra vỉa hè để tiện chào mời. Tiểu thương gắng bám chợ với đủ lý do mưu sinh. Sạp rau của vợ chồng chị Thuỷ (Đống Đa, Hà Nội) là kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình. Dọn hàng từ 6 giờ sáng, anh chị quét vỉa hè, bó rau, chia củ quả.
Người ngồi trong nhà, người ngồi vỉa hè tranh thủ nhặt rau, bổ dứa, thấp thỏm lắng tai nghe để bắt kịp tiếng hô của các hộ xung quanh “chạy” lực lượng chức năng khi cần. Gọi là "chạy", nhưng các hộ có kiot nhỏ chỉ cần kéo xe đẩy, mẹt hàng vào nhà, còn những người bán hàng rong thì vất vả hơn.
Tiểu thương bán dứa "di động" trên xe đẩy, khi bị lực lượng chức năng giải tán thì đẩy xe vào ngõ |
Ngồi cặm cụi gọt từng quả dứa tại chợ cóc trong ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Văn Cừ, bà Nguyễn Thị Tí (Long Biên, Hà Nội) năm nay 73 tuổi chia sẻ: “Tôi bán trên chiếc xe đẩy, ai đuổi tôi đẩy xe vào ngõ rồi xong lại đẩy ra. Bình thường ngày tôi bán được 30 quả dứa còn dịch thế này có khi bán được 10 quả. Tuổi già nhưng tôi không muốn phụ thuộc con cái nên phải đi bán dứa kiếm sống. Đợt dịch năm ngoái, mọi người cũng cho bán nhưng không hiểu sao dịch năm nay cấm hết làm có ngày tôi chạy tí ngã lăn ra đường”.
Còn chị Bùi Thị Tịnh (Long Biên, Hà Nội) bày cả mẹt trứng xuống đường trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Văn Cừ. Chị cho biết, tiểu thương khổ lắm mới phải đi bán từng rổ trứng, mớ rau. Giờ một ngày các cơ quan chức năng xuống mấy lần khiến tiểu thương không buôn bán được gì.
Siêu thị tăng dự trữ hàng hoá
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, những ngày này các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Hapro Mart, VinMart… đều “ăm ắp” hàng hoá phục vụ người dân có nhu cầu sử dụng cao như lương thực, thực phẩm, rau củ quả. Giá cả của các mặt hàng giữ ổn định.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tất cả hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên đo kiểm tra thân nhiệt ngay ngoài cửa và yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm.
Hàng hoá đầy ắp, người dân không còn tâm lý mua sắm tích trữ như các đợt bùng dịch trước đó |
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart bên cạnh bảo đảm nguồn hàng, nhà bán lẻ này đẩy mạnh triển khai kênh mua sắm online qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân cả nước. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, dù Hà Nội chưa cách ly nhưng người dân khá chủ động và bắt đầu có thói quen trong mua sắm online.
Nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhiều siêu thị cho biết đã đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ "gọi điện đặt hàng" và giao hàng miễn phí với hoá đơn từ 200.000 đồng trở lên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông thủy sản, 5 triệu khẩu trang và một lượng lớn nước rửa tay khử khuẩn. "Giá các loại hàng hóa không tăng. Bên cạnh đó, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ nhu yếu phẩm do lo sợ dịch bệnh", bà Nguyễn Kim Dung, đại diện Co.opmart chia sẻ .
Theo đại diện hệ thống siêu thị MMVN (Mega Market Việt Nam), đối mặt với nguy cơ bùng dịch COVID-19 trở lại, MMVN đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa sẵn sàng ứng phó với tình hình sắp tới với tổng giá trị nhập hàng xấp xỉ 93 tỷ, được phân bổ đều cho cả 3 khu vực Bắc Trung Nam. "Riêng tại miền Bắc, công ty đã chuẩn bị lượng nhu yếu phẩm trị giá 28,7 tỷ đưa về khu vực này. Còn chỉ tính riêng Hà Nội, chúng tôi đã dành khoảng 30% tổng giá trị hàng hóa dành cho các "điểm nóng" có khả năng bùng dịch cao", đại diện MMVN cho biết.