Tiểu thương 'đẩy' giá rau xanh

Tiểu thương 'đẩy' giá rau xanh
Mượn cớ trời rét, khan hàng... hàng loạt tiểu thương các chợ dân sinh nội thành Hà Nội trong tuần qua liên tục tăng giá bán rau xanh khiến không ít người tiêu dùng lo lắng bởi với tiết trời rét buốt, trời rét đậm rét hại còn kéo dài, nguy cơ rau tăng giá vẫn rình rập từng ngày, trong khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Tiểu thương 'đẩy' giá rau xanh

> Giá thực phẩm tăng mạnh theo rét
> Chưa đến Tết, thực phẩm đã tăng giá

Mượn cớ trời rét, khan hàng... hàng loạt tiểu thương các chợ dân sinh nội thành Hà Nội trong tuần qua liên tục tăng giá bán rau xanh khiến không ít người tiêu dùng lo lắng bởi với tiết trời rét buốt, trời rét đậm rét hại còn kéo dài, nguy cơ rau tăng giá vẫn rình rập từng ngày, trong khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Nhưng theo khảo sát giá rau tăng vọt mấy ngày qua là do tư thương lấy lý do khan hàng để đẩy giá rau xanh lên cao ngất ngưởng so với giá rau tại ruộng.

Rau xanh tăng trưởng chậm do rét đậm tại Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: D.H
Rau xanh tăng trưởng chậm do rét đậm tại Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: D.H.

Tiểu thương đẩy giá

 Rau xanh giờ đắt hơn cả thịt, cá, đã vậy lại tăng giá từng ngày. Hỏi lý do thì được bảo là trời rét, ít hàng hơn nhưng tôi đi chợ thấy hàng hóa vẫn hết sức dồi dào. Cứ đà tăng giá này thì quả đúng là đau đầu! 

Một người dân

Rau xanh các loại đang đắt lên từng ngày. Sáng 7-1, tại một hàng rau sạch đầu chợ Đống Đa, các loại rau ăn lá tại đây được bán: Rau cải mơ 30.000đ/kg, cải bó xôi 35.000đ/kg, cải chíp 28.000đ/kg, cải cúc 5.000đ/mớ... Theo chủ hàng rau này, giá rau các loại đã tăng hơn khoảng 1.000đ/kg so với trước đó một ngày. Các loại củ quả khác cũng tăng giá, trong đó tăng giá mạnh nhất là cà rốt 18.000đ/kg, dưa chuột 25.000đ/kg, su hào 8.000đ/củ...

Với mức giá mới thông báo của cửa hàng rau sạch này, theo bà Bản (ngụ ở quận Đống Đa): “Rau xanh giờ đắt hơn cả thịt, cá, đã vậy lại tăng giá từng ngày. Hỏi lý do thì được bảo là trời rét, ít hàng hơn nhưng tôi đi chợ thấy hàng hóa vẫn hết sức dồi dào. Cứ đà tăng giá này thì quả đúng là đau đầu!”. Được biết, mức giá này cũng phổ biến tại nhiều chợ dân sinh nội thành như chợ Ngọc Hà, chợ Cầu Giấy...

Trong khi đó, có mặt cùng ngày tại một số vùng trồng rau chính của Hà Nội, mới thấy mức giá giữa rau bán tại ruộng và rau ở chợ chênh lệch đến bất ngờ. Trưa 7-1, tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức – địa bàn trồng rau ăn lá khá lớn của thành phố với hơn 30ha - chúng tôi gặp đúng lúc bà con nông dân tại đây vừa tập kết xong hàng cho các tiểu thương tại ruộng.

Anh Nguyễn Văn Đạo – nông dân trồng rau tại đây - lo lắng: “Trời liên tục rét đậm, rét hại khiến rau lên rất chậm, lại còn táp lá, chi phí phân bón tăng nên chúng tôi phải tăng giá bán. So với trước đợt rét, rau các loại đã tăng giá khoảng 20%”. Theo anh Đạo, rau cải mơ có giá 18.000đ/kg, cải bó xôi 23.000đ/kg, su hào 4.000đ/củ, dưa chuột 16.000đ/kg... Như vậy, so sánh mức giá khảo sát ở trên, rau ở chợ đã tăng giá lên đến mức gấp đôi so với giá bán tại ruộng. “Thật bất ngờ! Đây là mức chênh lệch giá quá cao, bởi bình thường, rau bán tại đây so với giá ở chợ chỉ chênh nhiều nhất là 2.000 - 3.000đ/kg” – anh Đạo cho hay.

Bình ổn giá… kiểu gì?

Tình trạng này diễn ra tương tự tại vùng trồng rau Vân Nội (huyện Đông Anh). Theo một nông dân ở thôn Đầm, có tình trạng rau ăn lá tăng giá ngay tại ruộng bởi các chi phí đều đã đội lên đáng kể. Chị Hoa, nông dân tại đây cho hay: “Giá một bao tro để vun gốc trước là 20.000đ/bao, trời rét đột ngột tăng lên 24.000đ/bao, rau ăn lá buộc phải dùng đến loại tro này để giữ ấm chân nên không thể không mua”. Do rét đậm, rét hại, năng suất trồng rau tại đây giảm đáng kể, hiện chỉ đạt khoảng 6 tạ/sào, thay vì trước đó 1tấn/sào.

Riêng với rau muống, cùng lắm chỉ thu hoạch 10 – 20kg/sào do rau lên chậm. Tại các chợ dân sinh, giá rau muống đã dao động 10.000đ – 15.000đ/mớ, trong khi giá rau bán tại ruộng chỉ 4.000 - 5.000đ/mớ. Tại vùng trồng rau Mê Linh, rau vụ đông toàn vùng đạt 1.500ha các loại. Giá rau hiện tăng nhẹ 7 – 10% tại ruộng, giá một số loại rau củ được ghi nhận: Su hào từ 3.000 - 4.000đ/củ, rau muống 2.000đ/bó, rau cần 5.000đ/bó. Chị Nguyễn Thị Quyên - thôn Đông Cao, xã Tráng Việt - cho biết, rét đậm rét hại khiến chu kỳ sinh trưởng của rau kéo dài hơn.

Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn một tháng, trong khi nhu cầu thực phẩm tăng lên mỗi ngày. Theo tính toán của bà con trồng rau, nếu từ nay đến tết có thêm 2 – 3 đợt rét nữa thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải mua rau đắt hơn thời điểm hiện tại bởi: “Rau xanh phụ thuộc quá lớn vào thời tiết nên rất khó để có phương án bình ổn giá, mà nếu chúng tôi có cố gắng bán giá sát nhất có thể, thì các tiểu thương tự do đội giá lên, cuối cùng người chịu thiệt không chỉ có chúng tôi mà còn cả người tiêu dùng nữa” – anh Đạo cho biết.

Tuy nhiên, cũng vì “đánh đố” với ông trời nên bà con trồng rau lâu năm tại đây cũng cho hay, nếu chỉ cần trời hửng nắng ráo từ 3 – 4 ngày, khi đó chắc chắn giá rau xanh sẽ giảm hẳn 30 – 40% do rau đồng loạt thu hoạch. Như vậy, việc được hưởng một cái tết ăn rau rẻ, hay đắt, có vẻ như người dân phụ thuộc một phần vào thời tiết, phần còn lại là... sự định đoạt giá cả vô tội vạ của các tiểu thương.

Không thiếu rau trong những ngày sắp tới. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, nếu nhiệt độ tiếp tục xuống thấp dưới 13 độ, từ nay đến tết nguồn cung rau miền Bắc có nguy cơ thiếu theo từng thời điểm nhất định. Nhiều loại rau sẽ ngừng tăng trưởng, rau ăn lá sẽ bị táp lá do sương muối. Bộ NNPTNT đang giao Cục Trồng trọt theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án điều tiết phù hợp, tránh tình trạng khan rau, đội giá như hiện tại. Riêng tại Hà Nội, Sở NNPTNT cho biết đã gieo trồng hơn 13.000ha rau vụ đông, do đó, chắc chắn không lo thiếu rau trong những ngày sắp tới .

Không chỉ tại các chợ dân sinh, giá rau tại nhiều siêu thị nội thành cũng thi nhau đội giá nhiều ngày qua. Tại một số hệ thống siêu thị Minh Hoa, Fivimart, Hapro... theo khảo sát, rau xanh đã dán nhãn tăng giá 10 - 20% so với hai tuần trước.

Chị Thu - người mua hàng tại siêu thị Minh Hoa (Q. Đống Đa) cho hay: “Thường thì các loại rau sạch ở siêu thị luôn giữ giá ổn định hơn so với chợ dân sinh, nhưng đợt rét vừa qua cũng khiến rau tại đây tăng giá hơn, trong đó tăng nhất là cải mơ, cải chíp, súp lơ...”.

Theo một nhân viên siêu thị, rau xanh được các Cty rau sạch báo giá tăng hơn do hàng khan hiếm hơn, dự báo những ngày tới, giá rau còn tiếp tục điều chỉnh tăng. Điều đáng lưu ý là giá rau tại siêu thị và rau bán tại Vân Nội - điểm cung cấp rau chủ yếu cho các siêu thị lớn nội thành- có giá chênh lệch khá đáng kể, từ 5.000 - 70.000đ/kg. Trong khi đó, người dân trồng rau tại đây cho hay rau được nhập trực tiếp cho siêu thị với giá gốc. Vậy mức giá chênh lệch này từ đâu ra?

Theo Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.