Khoảng 7.000 tình nguyện viên được biên chế trong các “tiểu đoàn tiễu phạt”. Đáng chú ý là trong số này có cả các phần tử mang hệ tư tưởng cực hữu, đó là nhóm Right Sector và “tiểu đoàn tiễu phạt” Azov khét tiếng - lực lượng phát triển sau các cuộc biểu tình, xung đột Maidan.
Các “tiểu đoàn tiễu phạt” chủ yếu nhận được sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ các tổ chức dân sự cũng như các doanh nghiệp Ukraine. Một số “tiểu đoàn tiễu phạt” như Dnepr-1, Dnepr-2 thì do các trùm tài phiệt bỏ tiền ra chiêu mộ và nắm quyền điều hành.
Thời gian gần đây, chính những “tiểu đoàn tiễu phạt” này đã có hành động đe dọa, bắt cóc các quan chức chính quyền đồng thời mạnh miệng tuyên bố sẽ lên “tiếm quyền” nếu Tổng thống Petro Poroshenko không “thắng” được Nga. Chính những nhóm này cũng nhúng tay vào việc chiếm đoạt các doanh nghiệp và khống chế chính quyền địa phương.
Hồi tháng 11/2014, do không hài lòng với chính phủ, “tiểu đoàn tiễu phạt” Aidar cũng kéo quân về Kiev làm loạn. Trưởng công tố Ukraine, Yuldashev đã ra một tuyên bố cảnh báo rằng các thành viên của tiểu đoàn Aidar đang lên kế hoạch tiến hành đảo chính quân sự. Vì vậy, dễ hiểu khi Kiev muốn giải tán nhóm này.
Bức xúc trước việc bị chính phủ Kiev cho ra rìa, hôm 30/1, lực lượng này đã phong tỏa Bộ Quốc phòng để phản đối. "Bây giờ họ phải trả tiền lương cho chúng tôi, nên họ giải tán để khỏi phải trả tiền", một lãnh đạo của tiểu đoàn nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov đã mô tả hành động của các chiến binh tiểu đoàn trừng giới Aidar là "phản quốc". "Phong tỏa Bộ Quốc phòng của một đất nước đang trong chiến tranh là tội phản quốc," ông nói.