Tiêu chảy do dùng kháng sinh

Tiêu chảy do dùng kháng sinh
TPO – Giống như mọi thuốc, kháng sinh cũng có các tác dụng phụ. Một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất là tiêu chảy do dùng kháng sinh - một bệnh nặng ảnh hưởng tới 20% số người đang điều trị kháng sinh.

> Sai lầm khi cho trẻ dùng thuốc

Tiêu chảy do dùng kháng sinh ảnh 1

Thông thường, tiêu chảy tương đối nhẹ và khỏi một thời gian ngắn sau khi ngừng dùng kháng sinh. Nhưng đôi khi có thể bị viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc. Cả hai bệnh này đều có thể gây đau bụng, sốt và tiêu chảy lẫn máu. Trong những trường hợp viêm đại tràng giả mạc, các triệu chứng có thể đe dọa đến tính mạng.

Dấu hiệu và triệu chứng

Tiêu chảy do dùng kháng sinh có thể gây một chuỗi các triệu chứng, thay đổi từ nhẹ tới nặng. Thông thường, bạn có thể đại tiện phân lỏng hoặc đại tiện nhiều lần trong ngày hơn so với bình thường. Các triệu chứng này bắt đầu từ ngày thứ 4-9 của liệu pháp và thường khỏi trong vài ngày tới 2 tuần sau khi ngừng dùng kháng sinh.

Khi sự tăng sinh vi khuẩn có hại nghiêm trọng, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc, như:

- Tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng

- Đau và đau quặn bụng

- Sốt, thường trên 38,3oC

- Có mủ trong phân

- Phân có máu

- Buồn nôn

- Mất nước

Bạn có thể không thấy cải thiện cho tới vài tuần sau khi điều trị viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc. Đôi khi các triệu chứng xuất hiện – thường trong 2 tháng điều trị đầu tiên – có nghĩa là bạn có thể cần điều trị lần thứ 2 hoặc thậm chí lần thứ 3.

Kháng sinh nào gây tiêu chảy?

Hầu như tất cả kháng sinh đều có thể gây tiêu chảy, viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc, nhưng thủ phạm hay gặp nhất là ampicillin (Polycillin, Omnipen), amoxicillin (Amoxil, Trimox) và clindamycin (Cleocin).

Các kháng sinh khác đặc biệt có liên quan tới viêm đại tràng giả mạc bao gồm cephalosporin, cefuroxim (Ceftin) và cefpodoxim (Vantin). Đôi khi erythromycin (Erythrocin), fluoroquinolon (Cipro, Floxin) và tetracyclin (Terramycin, Dynacin) cũng có thể gây tiêu chảy do dùng kháng sinh. Các rối loạn có thể xuất hiện dù bạn dùng kháng sinh đường miệng hay đường tiêm.

Yếu tố nguy cơ

Bất cứ người nào đã dùng kháng sinh đều có nguy cơ bị tiêu chảy. Nhưng bạn dễ bị tiêu chảy hơn nếu bạn:

- Là người cao tuổi

- Đã phẫu thuật đường tiêu hóa

- Gần đây đã nằm viện hoặc nhà dưỡng lão, nhất là trong một vài tuần

- Có bệnh nặng như ung thư

- Có hệ miễn dịch bị tổn thương

Tiêu chảy do dùng kháng sinh ảnh 2

Khi nào cần khám bệnh

Hãy đi khám bệnh nếu bạn có các triệu chứng sau:

- Một vài đợt phân lỏng hoặc tiêu chảy trong ≥ 2 ngày liên tiếp

- Sốt

- Đau hoặc đau quặn bụng

- Có mủ hoặc máu trong phân

Các triệu chứng này có thể chỉ ra nhiều bệnh, thay đổi từ nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tới các rối loạn viêm ruột như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Ở người già bị bệnh tim mạch, lưu lượng máu tới đại tràng giảm (viêm đại tràng thiếu máu) cũng có thể gây các triệu chứng này.

Nhưng nếu hiện tại bạn đang dùng kháng sinh hoặc đã hoàn thành liệu pháp kháng sinh, bạn có thể bị tiêu chảy do dùng kháng sinh. Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác gây triệu chứng.

Biến chứng

Tiêu chảy nhẹ do dùng kháng sinh thường không gây rối loạn kéo dài. Nhưng viêm đại tràng giả mạc có thể gây các biến chứng đe dọa đến tính mạng, bao gồm:

- Thủng ruột.

- Phình đại tràng ngộ độc

- Mất nước.

Điều trị

Nếu bạn bị tiêu chảy nhẹ, các triệu chứng sẽ hết trong vài ngày tới 2 tuần sau khi kết thúc phác đồ kháng sinh. Bác sĩ có thể khuyên uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước và tránh các thực phẩm có thể làm cho triệu chứng nặng hơn. Khi tiêu chảy nặng hơn, bác sĩ có thể ngừng liệu pháp kháng sinh và đợi triệu chứng giảm đi.

Trong những trường hợp tiêu chảy rất nặng, viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc, bạn được điều trị bằng thuốc metronidazol (Flagyl), thường dùng ở dạng viên trong 10 ngày. Nếu metronidazol không có hiệu quả, bạn đang có thai hoặc đang cho con bú, bạn sẽ được dùng thuốc khác – vancomycin (Vancocin).

Khoảng 20-30% số người được điều trị viêm đại tràng giả mạc đã tái phát triệu chứng và cần điều trị thêm.

Phòng ngừa

Những gợi ý dưới đây có thể giúp ngăn ngừa tiêu chảy do dùng kháng sinh hoặc giảm mức độ nặng của bệnh:

- Chỉ dùng kháng sinh khi bạn và bác sĩ của bạn cảm thấy thật cần thiết. Nên nhớ rằng kháng sinh không có tác dụng trong nhiễm virus như cảm lạnh và cúm.

- Dùng kháng sinh chính xác theo đơn. Không tăng liều, chập cả liều bỏ lỡ, hoặc dùng thuốc lâu hơn đơn bác sĩ kê.

- Cân nhắc ăn sữa chua hoặc dùng viên nang chất tiền sinh khi điều trị kháng sinh.

Tự điều trị

Nếu bị tiêu chảy do dùng kháng sinh, viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc, sự thay đổi chế độ ăn có thể làm giảm triệu chứng:

- Uống nhiều nước. Tránh đồ uống có carbon, nước ép cam quít, rượu và đồ uống có caffein như càphê, chè và cola, có thể làm cho triệu chứng nặng hơn.

- Tập trung vào thực phẩm mềm, nhẹ, dễ tiêu hóa như gạo, khoai tây chiên, sữa chua và chuối.

- Thử ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay cho 2 hoặc 3 bữa lớn. Các khẩu phần nhỏ sẽ tiêu hóa dễ hơn.

- Tránh thực phẩm kích thích, mỡ hoặc chiên và các thực phẩm khác làm cho triệu chứng nặng hơn.

- Không dùng thuốc chống tiêu chảy mà không có sự kiểm soát của bác sĩ. Các thuốc này có thể cản trở khả năng loại bỏ độc tố của cơ thể và gây biến chứng nặng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.