Tiết Sử Việt cuối năm ở trường quốc tế

Tiết Sử Việt cuối năm ở trường quốc tế
Hai người cách nhau cả ba thế hệ nhưng lại có một điểm chung khi truyền dạy cho học trò thế nào là tình yêu đất nước mà không cần sự trợ giúp của những mỹ từ, không chút giáo điều thô cứng.

Tiết Sử Việt cuối năm ở trường quốc tế

> Tranh lịch sử hết thời?
> Hệ thống hóa tài liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Hai người cách nhau cả ba thế hệ nhưng lại có một điểm chung khi truyền dạy cho học trò thế nào là tình yêu đất nước mà không cần sự trợ giúp của những mỹ từ, không chút giáo điều thô cứng.

Tiết Sử Việt cuối năm ở trường quốc tế ảnh 1

Trong mắt tôi, Q. mang dáng dấp đúng chất thư sinh: xương xương, trắng trẻo, trán cao, vóc người cao nhồng (cao hơn tôi gần môt cái đầu), khi Q. cười cả đôi mắt sau cặp kính trắng gọng mảnh và đôi hàng răng cùng sáng lấp lóa.

Tôi quen Q. chắc đã 7, 8 năm, từ khi cậu còn là sinh viên khoa Sử, và trong từng đấy năm, Q. loay hoay làm thêm đủ nghề để đắp đổi tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học thêm... cùng mấy thứ sinh hoạt phí nhì nhằng để khỏi mang tiếng thanh niên sức dài vai rộng lên Sài Gòn trọ học được nhờ chăm bẵm ngửa tay xin tiền ba má.

Tuy không thân nhau lắm - có lẽ vì tôi hơn Q. gần hai chục tuổi, nhưng tôi vẫn mên mến cái tính luôn biết tự thân tự lập của cậu nên có năm, dù không gặp nhau, tôi vẫn alô cho Q. được vài lần để hỏi thăm và mỗi lần như vậy, tôi lại tình cờ biết Q. đang chạy lo sinh kế với nào là hướng dẫn viên du lịch, phục vụ bàn nhà hàng, làm bảo hiểm.. .

Lần Q. cho tôi biết cậu đã tốt nghiệp xuất sắc và đang xin làm hướng đẫn viên trong một nhà bảo tàng ngay trung tâm thành phố, tôi "à" lên động viên: "Vậy là em được làm nghề không uổng phí kiến thức mình có rồi!", giọng cậu trầm trầm đáp lại với câu nói cố hữu trong các cuộc thoại ngắn ngủi: "Dạ, am cũng không biết có làm lâu được không.."

Quả đúng vậy, chỉ non năm sau, Q. thông báo cho tôi gọn lỏn: "Em nghỉ bảo tàng rồi anh. Chán lắm anh ơi!”." Vậy Q. tính làm gì đây?"."Dạ, em xin vô làm bảo hiểm". Đâu như nửa năm sau thì "Em nghi bảo hiểm anh à!" Tôi thấy thương thương nhưng cũng cho đó là chuyện... thường thường vì thanh niên bây giờ đừng nói chuyên đi làm chỗ nào thì chịu yên chỗ nấy, toàn nhảy cóc nhảy nhái!

Cách đây trên 3 tháng, cũng do tôi tình cờ alô mà được Q. khoe: "Em sắp được đi dạy ở Trường quốc tế Vìệt - Mỹ" "Chà, được đó! Q. dạy cái gì? Cấp lớp nào?". "Dạ em dạy sử cho tụi nhóc lớp 8". "Dạy sử Việt cho học học sinh quốc tế à?". "Dạ, cho học sinh người Việt. Tụi nhóc Việt học tiếng Việt như học sinh trường công học tiếng nước ngoài vậy anh".

Theo lẽ thường, tôi động viên cậu vài câu và viện cớ đang bận việc, phải cúp máy nhanh, vì thật tình, tôi không muốn nghe lại điệp khúc: ‘Dạ, em cũng không biết có làm lâu được không. Thế mà cách đây mấy hôm, đang chập chờn nghỉ trưa, tôi nghe giọng Q. hào hứng trên điện thoại: "Anh! Đi ăn bún măng vịt há! Em mời".

Lồng lên chạy theo Q. dưới nắng trưa nóng ran như chảo lửa, tôi không hiểu món bún măng vịt mà Q. muốn pi-a cho tôi dù có đặc sắc đến cỡ nào mà thưởng thức trong tiết trưa oi ả thế này thì quả là khiên cưỡng.

Đã vậy, khi còn chưa kịp gạt chống xe trước quán bún bình dân giăng bạt nhựa hấp nắng hầm hập, chắc là được một bữa đắt hàng, mấy cô bán quán đã nhanh nhảu “rào" trước: "Còn đầu cánh thôi nha thầy Q.!".

Lúc đĩa gỏi vịt xếp tú hụ những... mẩu đầu cánh cùng cù lẳng cù loi mang đầy thiện chí của cô chủ quán muốn bù đắp cho "thầy Q." lỡ đến sau, tôi hỏi cho Q. đỡ ngại vì đã mời ông anh một bữa bất đắc dĩ: "Q. hôm nay không có tiết dạy à?". "Dạ, em rảnh rồi anh. Trường cho nghỉ đông rồi (các trường quốc tế theo thông lệ thường cho học sinh nghỉ 3 tuần, từ trước Giáng sinh 1, 2 tuần đến sau Tết Dương lịch, nên gọi là nghỉ đông).

Đẩy gọng kính trắng ngay ngắn trên sống mũi cao, Q. chuyển tông giọng liến thoắng: "Tiết học cuối năm, anh biết em bày trò gì cho học sinh của em không? Em kể chuyện 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, rồi kết bằng một màn đấu lý có thưởng.

Mấy lần làm touristguide (hướng dẫn viên du lịch), trong đoàn khách có cả khách Việt kiều, họ kể cho em nghe nhiều chuyên thế hệ trẻ người Việt lớn lên ở nước ngoài rất lơ mơ về sử nước nhà. Còn những sinh viên Việt Nam đi du học, khi homestay (trú trong nhà của người bản địa cùng với sinh viên các nước khác), gặp sinh viên người Trung Quốc, họ dễ dàng đuối lý trong các cuộc tranh luận mỗi khi rộ lên chuyện biển Đông hoặc khi đề cập đến chuyên chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa.

Em nghĩ sinh viên mình đuối lý không phải vì vốn ngoại ngữ mà ví họ đã không mặn mà với môn lịch sử khi còn học trong nước. Sinh viên mình ra nước ngoài học, đa số giỏi may môn tự nhiên hoặc chỉ lo sao cho mấy chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, IELTS được mấy chấm là họ nghĩ đủ rồi. Trách sao họ không dễ đuối lý với mấy chuyên Hoàng Sa - Trường Sa chứ!"

Theo lời của Q., để "bày trò" cho tiết học sử cuối năm sinh động, Q. chuẩn bị rất chu đáo: cậu photocopy những trang sử liệu là những tấm bản đồ Việt Nam từ thế kỷ XVII - XVIII đã thể hiện hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, những bài báo đăng trên các báo về hậu duệ của những người được triều đình phong kiến nhà Nguyễn phong làm đội cơ dẫn quân và đoàn chiến thuyền ra trấn giữ biển đảo Tổ quốc...

Câu chuyện Q. kể cho 12 học sinh của mình về hai quần đảo nơi trùng khơi sóng nước là một phần máu thịt của đất mẹ Việt Nam được trình bày trực quan qua các đoạn video clip đầy màu sắc, âm thanh của việc phục dựng "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa", có chất hùng ca viết lên từ dòng máu bất khuất của những chiến sĩ trẻ hôm nay ngày đêm vững vàng ôm súng giữ cho lá cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay giữa lúc trời quang nắng tỏa hay lúc đại dương sóng chồm gió hú...

Trình bày xong bài giảng có đầy đủ chương hồi và kịch tính như một sử truyện, Q. đưa ra câu hỏi: “Nếu bây giờ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo này bị xâm phạm, các em sẽ làm gì? Em nào ra được biện pháp hay nhất cùng lập luận thích hợp nhất, thầy sẽ tặng cho em đó một món quà đặc biệt". Tức thì những cánh tay rào rào đưa lên.

Đại diện "phe chủ chiến" đưa ra biện pháp thép: Quân đội, Hải quân Việt Nam phải được mua thêm nhiều vũ khí hiện đại, cả máy bay trinh thám và... tàu ngầm, liên minh với các nước láng giềng cùng bị... ăn hiếp!

“Phe chủ hòa” thì lập luận chắc nịch - đến thấy Q. cũng phải ngạc nhiên - cần căn cứ trên sử liệu và các luật quốc tể để bảo vệ chủ quyền bằng con đường ngoại giao.

Đại diện "phe chủ hòa" này là một em gái, nói năng nhỏ nhẹ nhưng khúc chiết, chững chạc như người lớn. Gương mặt trăng non của em rạng ngời khi đón nhận phần thưởng từ tay thầy Q. Em hồn nhiên nhấc hộp quà lên rồi lắc nhè nhẹ. Nghe như có cái gì đó lăn lốc cốc bên trong hộp, em ngước mắt lên nhìn “Gì vậy thầy?”. Khi nắp hộp quà bung ra, 12 cái đầu xúm xít châu vào, ngơ ngác nhìn bạn dốc ra một mẩu đá xù xì màu trắng ngà. "Đây là mẩu san hô lấy từ Trường Sa về đó, các em!".

Thế là cả lớp dậy lên tiếng ồ đầy ngưỡng vọng, còn cô bé kia, thoáng chốc ran ran đôi má lẳng lặng mở cặp, lôi hết sách tập bút trong đó ra, nâng niu đặt hộp quà vào sâu trong đáy cặp rồi trước khi dằn hết sách bút lên trên như cất giữ một thứ báu vật, em còn băn khoăn hỏi: "Mẫu đá san hô này có thấm máu của những người lính hi sinh vì Trường Sa không thầy?". "Có chứ em - giọng Q. rải thật chậm - cả máu của rất nhiều người đi trước nữa".

Xế trưa những ngày cuối năm còn chang chang nắng mà hai cánh tay tôi dựng đầy gai ốc. Nẻo sâu trong hồi ức chợt mở toang, ào ạt ùa về hình ảnh tiết học toán cuối cùng của lớp 12A1 chúng tôi chỉ ít ngày trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1986.

Dạy môn toán cho lớp chúng tôi là thầy Nguyễn Cung Tạo, một thầy giáo trẻ, vừa "từ quê ra thành" (lời của thầy hóm hỉnh khi nói về chuyện say mấy năm dạy ở Long An được nhận về Trường trung học phổ thông Trưng Vương của quận 1 trung tâm thành phố Hồ Chí Minh). Giờ toán của thầy không khô khan vì thầy có đủ cách cho điểm thưởng nhằm kích sự ganh đua học tập giữa các tổ.

Theo trí nhớ của tôi, cứ vào mỗi tiết học cuối của tuần, thầy thường dành hơn 5 phút trước hồi chuông báo kết thúc tiết học để kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện gì đó, toàn là những chuyện giàu tính nhân văn như "Chiếc lá cuối cùng", "Món quà Giáng sinh"...

Tiết học sau cùng với thầy ngày đó, sau khi đập hai bàn tay dính đầy bụi phấn trắng, thầy trịnh trọng: "Hôm nay thầy sẽ kể cho các em nghe một câu chuyên đặc biệt, như là một món quà chúc các em thi tốt kỳ thi ra trường". Thầy kể:

Trong lớp học trường làng của một vùng quê nghèo hẻo lánh, buổi học của ông thầy giáo già không bao giờ kết thúc trọn vẹn vì bầy học trò chân tay lấm lem phèn đất bày đủ trò quỷ sứ: bắn ná, bắn bi vào nhau rồi xoay qua chọi đất côm cốp lên bảng.

Rồi một ngày, tiếng đạn pháo ì ầm xé toạc khung trời bình yên quê nghèo, đã lác đác vài phụ huynh chân đất áo vá đến xin thầy cho con thôi học để cùng cả nhà gồng gánh tránh xa khói lửa chiến tranh. Trước đám học trò tồ tộc giờ loe hoe non chục đứa, thầy giáo già nghiêm giọng: "Các con hãy mở tập ra, viết theo thầy mấy chữ này.

Từ mai trường đóng cửa, thầy trò ta sẽ không gặp lại". Đám học trò ngơ ngác: "Sao vậy thầy?". Thầy cúi xuống, bàn tay trồi khung xương run run giữ chặt cặp kính ố mờ: "Chiến tranh. Chiến tranh tới đây rồi, các con... Thầy chỉ mong các con viết thật đẹp vào tập mấy chữ này, và khi thầy viết, đừng có đứa nào chọi đất lên bảng, nghe không!"...

Thầy Tạo của chúng tôi dừng giọng kể, nhìn khắp lớp một lượt: "Các em có đoán được ông thầy già đó viết mấy chữ gì không?“. Đón những cáị lắc đầu, chau mày của chúng tôi, thầy quay lại với lấy viên phấn, xóa vội góc bảng trên cao nhằng nhịt dãy biểu thức, nắn nót từng chữ: TỔ QUỐC MUÔN NĂM!

Hồi chuông báo hết tiết học vang lên như xé làm tất cả lớp chúng tôi giật bắn mình ngay khi thầy khoanh mạnh nét cuối của dấu chấm than. Thầy vội vã thu dọn mớ giáo trình, chắc không kịp nhìn thấy có mấy đứa con gái mắt đã rưng rưng...

Thầy Tạo dạy toán của chúng tôi thuộc lớp người sinh trưởng trong những năm 1950. Thầy Q. dạy sử mang đầy nét thư sinh ngồi trước mặt tôi, chân mang giày Adidas hàng fake thuộc thế hệ 9x đang vô tư giẫm lên đống xương vịt do mấy thực khách bình dân đến trước vứt vương vãi dưới đất.

Thầy tôi bước lên bục giảng từ môi trường sư phạm chính quy, còn Q. đi "gõ đầu trẻ" như là một "biện pháp tình thế". Hai người cách nhau cả ba thế hệ nhưng lại có một điểm chung khi truyền dạy cho học trò thế nào là tình yêu đất nước mà không cần sự trợ giúp của những mỹ từ, không chút giáo điều thô cứng.

Chỉ cần chọn được một khoảnh khắc, một-thời-điểm-hữu-hình, những từTổ Quốc, CHỦ QUYÊN ĐẤT NƯỚC đã đường hoàng thẩm thấu vào tri giác nhận thức, vào máu thịt của lớp hậu sinh chưa một ngày sống trong đạn lửa.

Q. à! Tôi từng băn khoăn cho cái kiểu làm việc nhảy cóc nhảy nhái của em, mang cả cảm giác thương hại rằng, khi làm nhân viên bảo tàng, chắc Q. không ít lần phải thuyết minh như cái máy khi ngán ngẩm nhìn nhiều vị khách tham quan đứng trước hiện vật trưng bày mà rúc rích bình phẩm; rằng khi làm phục vụ bàn cho nhà hàng Ấn Độ, ăn hoài càri, cơm nị chắc Q. thèm lắm chén cơm trắng ăn cùng thịt kho nước dừa; rằng khi bán bảo hiểm, Q. cứ ôm điện thoại nhai nhải điệp khúc cầu cạnh với những người không quen biết...

Giờ thì mọi cảm giác băn khoăn, thương hại đã không còn trong tôi khi được Q. bật hộp tin nhắn trong cái điện thoại hàng Trung Quốc mà khoe 9, 10 tin nhắn từ các học trò của mình: "Em xin thầy mail cho em mấy hình ảnh Hoàng Sa - Trường Sa chiều nay thầy cho tụi em coi...", "Mai mốt mà học IT ( kỹ thuật viên tin học) xong, em sẽ dựng game trận chiến bảo vệ Trường Sa", rồi là "Nếu được đi du lịch Trường Sa, em sẽ vác về cho thầy cả khối san hô nha thầy!"...

Và nếu bài viết này được đăng lên báo, tôi hy vọng là sẽ không phải nghe Q. nhắc đến câu nói cố hữu trong các cuộc thoại: "Dạ, em cũng không biết có làm được lâu không", bởi vì tiết học cuối năm của Q. dành cho học trò của mình - những em sau này chắc chắn sẽ lên đường du học - không phải là kẹo bánh và màn nhịp tay hát những ca khúc mừng năm mới bằng tiếng nước ngoài, mà là một câu chuyện đặc biệt, một món quà đặc biệt gửi vào hành trang thế hệ tương lai.

Theo Sĩ Tuấn
An Ninh Thế Giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.