Tiếp vụ 'Tiếng kêu oan của người đàn ông bị tố giết vợ'

Luật sư đề nghị Viện Kiểm sát chứng minh làm sao ông Trung chích điện bà Giang được
Luật sư đề nghị Viện Kiểm sát chứng minh làm sao ông Trung chích điện bà Giang được
TP - Diễn biến phiên tòa phúc thẩm đầy bất ngờ, khi qua 2 buổi xét xử, đại diện Viện Kiểm sát 2 lần bày tỏ quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

“Tôi cũng bị oan như cháu Thiện!”

Báo Tiền Phong số ra ngày 24/7/2015 đã đăng bài “Tiếng kêu oan của người chồng giết vợ”, về chuyện ông Trần Ngọc Trung bị vợ là bà Như Thị Giang (cùng trú tại thôn 2 xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) tố cáo ông cố ý gí điện để giết bà vào tối 14/10/2013. Dù nhân chứng, vật chứng và chính những lời khai của nguyên đơn cho thấy nội dung tố cáo hoàn toàn phi lý, ông Trung vẫn bị tạm giam 9 tháng, rồi lãnh án tù 2 năm rưỡi, bị buộc bồi thường cho bà Giang hơn 28,6 triệu đồng, bị còng tay dẫn giải về trại giam ngay cuối phiên xử sơ thẩm diễn ra tại tòa án huyện Cư Mgar ngày 2/7/2015!

Sau 9 tháng tạm giam (từ ngày 23/5/2014 đến 18/2/2015), vừa ra khỏi trại, ông Trung tìm đến Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, bật khóc, kêu lên: “Tôi cũng bị kết án oan như cháu Thiện (Đỗ Quang Thiện, nhân vật chính trong vụ án oan “Áp giải học sinh giữa sân trường” mà Tiền Phong đã nêu). Bà ấy nhập viện không có thương tích gì, được chuyển vào điều trị ở khoa Nội. Thế mà sau đó họ vẫn ngụy tạo ra các vết thương trên cơ thể bà ấy để đẩy tôi vào tù!”. 

Tiếp vụ 'Tiếng kêu oan của người đàn ông bị tố giết vợ' ảnh 1 Bác sĩ tại phiên tòa.

Phóng viên báo Tiền Phong và luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo Trần Ngọc Trung đã đến làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Thiện Hạnh, nơi bà Giang nhập viện từ tối 14/10/2013, điều trị 9 ngày tại khoa Nội. Ý kiến của lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ thăm khám, điều trị trực tiếp cho bà Giang, cùng các ghi chép chi tiết trong bệnh án đều cho thấy bà Giang đã được điều trị một số bệnh lý nội khoa, chứ không có thương tích gì trên da, trên cẳng chân khi nhập viện cũng như khi xuất viện.

Thế nhưng, cả 3 bản giám định pháp y do bác sĩ Từ Công Hiển, Giám đốc Trung tâm pháp y Đắk Lắk, lập ra thể hiện hoàn toàn trái ngược (Bác sĩ Hiển cũng chính là người ký bản giám định pháp y biến ông Thọ bị đột quỵ theo bệnh án của Bệnh viện ĐK tỉnh Đắk Lắk thành chấn thương sọ não mất sức 50%, gieo oan sai trong vụ học sinh Đỗ Quang Thiện bị bắt giữa sân trường).

Cụ thể: bản giám định pháp y (GĐPY) số 164  lập ngày 24/1/2014 (tròn 100 ngày tính từ buổi tối bà Giang kêu bị chồng gí điện) kết luận bà Giang bị suy nhược thần kinh, loạn nhịp tim sau điện giật với thương tích 12%. Ngày 2/4/2014, GĐPY số 357 bổ sung kết luận bà Giang bị tổn thương da ở vùng mông phải và 1/3 dưới trong cẳng chân trái do điện. Ngày 12/2/2015, GĐPY số 257 tiếp tục bổ sung: tỉ lệ thương tích dưới chân trái bà Giang là 10%.

Tiếp vụ 'Tiếng kêu oan của người đàn ông bị tố giết vợ' ảnh 2 Bà Giang và ông Trung tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát thay đổi quan điểm tại tòa

Ngày 18/9, Tòa án tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm. Dự tòa, nhiều người dân thôn 2 xã Ea Kpam cho biết là láng giềng chứng kiến sự việc, chấp nhận vất vả đi theo vụ này  “chỉ để bảo vệ lẽ phải, vì thấy ông Trung oan quá!”.

Đầu phần tranh tụng, được HĐXX mời trình bày quan điểm, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa phúc thẩm giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm, với tất cả tội danh, mức án, khoản tiền mà tòa huyện đã tuyên phạt đối với bị cáo Trần Ngọc Trung.

 Quá trình tranh tụng, đối đáp giữa thẩm phán chủ tọa phiên tòa Đỗ Anh Phương với các bên liên quan, gồm bà Giang, ông Trung, bác sĩ Hoàng Dũng - người trực tiếp thăm khám ban đầu cho bà Giang, các nhân chứng đến từ thôn 2, và 2 vị luật sư cùng bào chữa cho bị cáo Trung cho thấy các chi tiết đã được dùng để kết tội ông Trung hết sức phi lý. Nhân chứng Võ Kế Truyền là Bí thư chi bộ thôn 2 cho biết, tối đó đang họp chi bộ, ông nghe tin báo vợ chồng ông Trung xảy ra xô xát nên đã cử cán bộ đến hiện trường. Công an viên đến, không thấy có gì đáng kể nên không lập biên bản, còn ông 20 phút sau họp xong chạy tới, đã thấy bà Giang ngồi bình thường trên ghế sa lông.

Bác sĩ Dũng nói cả 4 lần bị mời làm việc với các cơ quan chức năng về vụ này, ông đều khẳng định khi nhập viện bà Giang không có vết thương nào ở chân. Bị HĐXX hỏi riết về vết thương trên mông? Bác sĩ Dũng kiên nhẫn lặp đi lặp lại “Bệnh nhân không khai bị gì ở mông, bác sĩ chúng tôi làm sao có quyền đòi bà ấy cởi quần cho xem”.

 Sau khi phân tích hàng loạt chi tiết vô lý trong cáo trạng và kết luận điều tra, hỏi vì sao bà Giang khai nhiều lần bà bị ông Trung gí nguồn điện 220 V vào người mà chỉ thấy “cảm giác tê tê”, “co cứng chân trái”, sau đó bà vẫn chửi bới ông Trung, rồi ra tận cổng hô hoán, luật sư đề nghị đại diện Viện Kiểm sát chứng minh: với tư thế ngồi trên chiếc ghế sa lông thấp và kín của bà Giang tối đó, bằng cách nào ông Trung có thể “chọc đầu dây điện” vào chân và mông bà Giang, như bà khai?

Sau phần tranh tụng, đối đáp kéo dài sang buổi chiều, đại diện Viện Kiểm sát đã phải công nhận các căn cứ buộc tội trong vụ án này là thiếu vững chắc, nhiều điều phi lý chưa chứng minh và làm rõ được, nên tuyên bố “Tôi thay đổi quan điểm, đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án, trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu!”. Và, HĐXX đã tuyên án theo hướng đó, giao hồ sơ về cho Viện KSND huyện Cư Mgar điều tra lại. 

Trong cuộc họp báo đầu tháng 8, báo Tiền Phong chất vấn Công an tỉnh về kết quả điều tra phi lý trong vụ án này. Ngày 26/8/2015, Công an huyện Cư Mgar gửi công văn hồi âm đến báo Tiền Phong, cho rằng cơ quan điều tra đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng. Công văn mô tả các vết thương “cháy sém” trên cơ thể bà Giang theo cách giải thích của Trung tâm pháp y như sau: bà Giang bị “bỏng điện”, nên  “dưới da bị tổn thương  so với những vùng lân cận và khi quan sát dưới kính lúp sẽ thấy được dấu tích của những mảnh vụn kim loại được dùng làm dây dẫn điện trong tổn thương da”! Phóng viên đem công văn hỏi các chuyên gia về điện, ai cũng phá lên cười, nói người giải thích không có kiến thức sơ đẳng về điện!

MỚI - NÓNG