Tiếp vụ “Ào ạt xẻ rừng đào cao lanh”: Giơ cao đánh khẽ?

TP - Ngay sau khi Tiền Phong (ngày 14/11) đăng bài “Ào ạt xẻ rừng đào cao lanh” phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở rừng Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Giang đồng thời lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành lên thực địa và ngay lập tức đình chỉ khai thác. Tuy nhiên, liệu Quảng Nam có quyết liệt xử lý, hay lại “giơ cao đánh khẽ” để rồi tình trạng khai thác trái phép tiếp tục tái diễn tràn lan?

Tiếp vụ “Ào ạt xẻ rừng đào cao lanh”: Giơ cao đánh khẽ? ảnh 1 Đội xe vận chuyển cao lanh khai thác trái phép của DN Nguyễn Thành Trung 
“Bọn này liều quá”


Làm việc với báo Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai thừa nhận việc tư nhân đưa xe múc vào rừng Thạnh Mỹ (thuộc thôn Thạnh Mỹ 3, thị trấn Thạnh Mỹ) khai thác đất, cao lanh làm tan hoang, biến dạng một khoảnh rừng lớn là do các cán bộ cấp dưới có liên quan làm việc chưa tốt. “Để xảy ra chuyện như thế, không thể nào nói là tốt được”, ông Alăng Mai nói.

Trở lại hiện trường, 2 chiếc xe múc giờ đã được đưa ra nằm chắn ngay trên con đường độc đạo, im lìm. Việc đình chỉ đã được thực hiện. Theo ông Alăng Mai, việc khai thác lộ thiên ở rừng Thạnh Mỹ 3 không phải chính quyền không biết, đã từng vào kiểm tra, đình chỉ rồi nhưng sự việc không đến đâu, khoáng tặc tiếp tục tái diễn. “Phải công nhận là bọn này liều quá. Chúng tôi từng xích xe múc lại, nhưng ban đêm họ lại lên, chặt xích, ngang nhiên khai thác. Ở Nam Giang có khai thác vàng trái phép, phá rừng…, nhưng chưa bao giờ bị tình trạng khai thác đất như thế này, chúng tôi cũng lúng túng trong việc xử lý” - ông Alăng Mai cho biết. 

Theo vị chủ tịch huyện này, đất bị khai thác trái phép đã được cấp sổ đỏ cho dân với mục đích trồng lại rừng, tuy nhiên, tư nhân ở Đại Lộc lên tự thương lượng mua lại và bắt tay khai thác.“Việc thường xảy ra vào ban đêm, thứ Bảy và Chủ nhật, khi cán bộ nghỉ làm hết nên rất khó phát hiện”. Mặc dù vậy, trong mấy ngày thực tế, những hình ảnh mà chúng tôi quay lại được cho thấy người của Cty do Nguyễn Thành Trung đứng đầu bất chấp nắng mưa, ngang nhiên chở đất, cao lanh chạy rầm rập xuống bán cho nhà máy gạch, thu về siêu lợi nhuận.

Được biết, sau khi 2 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và huyện kết thúc, một chốt chặn đã được lập ở đầu cầu Thạnh Mỹ nhằm không cho sự việc tái diễn. Ông Alăng Mai cho hay, sự việc đã vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện và lãnh đạo huyện đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ báo cáo, chuyển lên UBND tỉnh.

Giơ cao đánh khẽ?

Theo ông Nguyễn Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam), sau khi Tiền Phong đăng bài phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở TN-MT và Phòng cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh). Kết quả ban đầu cho thấy 6,5 ngàn mét vuông rừng đã bị khai thác trái phép làm biến dạng. Hai máy xúc đã bị xích lại, đưa ra khỏi hiện trường khoảng 70m. Ông Ba cho biết dựa trên kết quả kiểm tra cũng như thông tin báo chí, đã kết luận được ông Nguyễn Thành Trung (Đại Lộc - Quảng Nam) là người điều hành trực tiếp việc khai khoáng trái phép. Tuy nhiên, xử lý như thế nào còn phải chờ hồ sơ của huyện gửi lên. “Thanh tra Sở sẽ áp dụng vào các nghị định để xử lý. Việc này phải được giải quyết xong trong tháng 11 để báo cáo lên Chủ tịch tỉnh” - ông Ba nói.

Tiếp vụ “Ào ạt xẻ rừng đào cao lanh”: Giơ cao đánh khẽ? ảnh 2 Hai xe múc đã được đưa ra khỏi hiện trường. Ảnh: Nam Cường
Điều đáng nói, trong rất nhiều vụ việc khai khoáng trái phép bị phát hiện trước đây, tỉnh Quảng Nam nói chung xử lý mức độ chưa đủ sức răn đe, phạt hành chính còn nhẹ so với nguồn thu siêu lợi nhuận, vì thế, mức độ tái diễn vẫn tràn lan.

Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã xử phạt 2 đơn vị khai thác cao lanh trái phép tại thôn Nam Mỹ (Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) với số tiền phạt là 2,7 tỷ đồng, thu hồi xe múc, thu hồi 500 triệu tiền bán cao lanh, bắt buộc hoàn thổ. 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, mức độ khai thác của 2 đơn vị trên ở Đà Nẵng không thể bằng mức độ tàn phá và thu lợi kinh hoàng của doanh nghiệp Nguyễn Thành Trung khai thác trái phép cao lanh ở Nam Giang (Quảng Nam).

MỚI - NÓNG