Ào ạt xẻ rừng đào cao lanh

TP - Liên tục trong thời gian dài, những khoảnh rừng ở Nam Giang (Quảng Nam) bị tư nhân bạt xẻ tan hoang với mục đích tìm múc đất, cao lanh mà chính quyền địa phương vẫn bình chân như vại.
Ào ạt xẻ rừng đào cao lanh ảnh 1

Khai thác cao lanh trái phép phá trắng một khoảnh rừng. Ảnh: Nam Cường

Nhận được tin báo của người dân thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), PV Tiền Phong đã tìm đến tận nơi, chứng kiến khung cảnh rừng đầu nguồn bị chặt phá chỉ cách thị trấn chưa đầy 3km…

Rừng tan hoang: chuyện nhỏ (?)


Từ Đại Lộc đi lên thị trấn Thạnh Mỹ, cách khoảng 5km, chúng tôi bắt gặp một chiếc xe tải DongFeng màu vàng, gắn chữ TS trước kính, chở đất che bạt chạy rầm rập về xuôi. “Đó là xe chở đất, cao lanh của một đơn vị tư nhân lên bạt rừng khai thác trái phép ở Nam Giang” – một người dẫn đường cho biết.

Cách thị trấn Thạnh Mỹ chừng 3km, trên đường Hồ Chí Minh đi về hướng Đông Giang, đứng bên lề đường quan sát, có thể thấy một khoảnh rừng lớn bị xé tan hoang. Tiếng máy xúc rì rầm cả một góc rừng. Con đường mới mở lầy lội, dốc dựng đứng như oằn lên bởi xe DongFeng nới thùng chở đầy đất. Vào tận sâu trong hiện trường mới chứng kiến hết thực tế rừng bị phá nhiều đến mức kinh hoàng bởi đội quân khai thác đất tìm cao lanh. Cây cối bị đốn hạ thành đồi trọc, tầng phủ bị bóc, từng lớp đất sét được 2 xe múc liên tục đổ lên xe DongFeng. Nơi đây là rừng phòng hộ, một số là rẫy sản xuất của dân, hầu như đã bị bóc dỡ. Có nơi hố sâu hơn chục mét. Hiện trạng rừng đã thay đổi. Gần chục nhân công tập trung làm việc. Không khí khẩn trương. Tận mắt chứng kiến hiện trường cũng như theo nguồn tin của Tiền Phong, đội quân này đã khai thác đất ở đây được gần 1 năm. 

Khi chúng tôi đi qua con đường độc đạo vào hiện trường chụp ảnh, quay phim và bị một “chim lợn” (đối tượng canh gác lực lượng chức năng) ngồi ngoài bìa rừng phát hiện, mọi hoạt động mới dừng hẳn lại. Một thanh niên dân tộc Cơ Tu phi xe máy vội vàng từ ngoài vào nói: “Mấy anh ở đâu? Bọn tui làm thuê cho anh Hùng, có chi đâu mà quay phim chụp ảnh?”. Tuy nhiên, khi PV hỏi anh làm cho Hùng nào thì thanh niên này không trả lời, rút điện thoại gọi tới tấp. Trước khi vội vàng lên xe chạy, anh ta ngoái lại: “Để em nói sếp nói chuyện với mấy anh, em chỉ làm thuê”.

Chủ tịch huyện Nam Giang Alăng Mai có vẻ không bất ngờ khi chúng tôi đề cập đến chuyện này: Họ làm trái phép đó, quản khó lắm. Sắp tới chúng tôi sẽ lập đoàn liên ngành truy quét, dứt điểm chuyện này. Vị chủ tịch huyện này cho rằng, đây là “chuyện nhỏ” nên các nhà báo có việc gì cứ gặp phó chủ tịch hoặc ban ngành huyện sẽ nắm kỹ hơn. “Họ tự thỏa thuận với dân rồi mua đất, đưa máy vào múc trộm” - ông Alăng Mai nói.

Siêu lợi nhuận, mua chuộc phóng viên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày nắng bình thường, đội quân khai thác đất, cao lanh trái phép này xúc đi hàng ngàn khối đất, bán cho nhà máy gạch ở Đại Lộc, thu về siêu lợi nhuận. Theo tính toán, một xe DongFeng bình thường chở 15 khối đất, khi cơi nới có thể chở lên đến 18 - 20 khối.

Mỗi khối đất bán tại nhà máy trên dưới 150 ngàn đồng. Nếu là cao lanh giá còn cao hơn. Như vậy mỗi chuyến xe thu về gần 2 triệu đồng, mỗi xe chạy khoảng 15 lượt/ngày đêm. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe chở đất từ Nam Giang xuống Đại Lộc. “Các anh thử tính, khai thác trái phép, không phải nộp thuế, mỗi tháng họ thu về hàng tỷ đồng ngon ơ” - người dẫn đường khẳng định.

Trở lại với chuyến thực tế vào hiện trường, khi chúng tôi vừa ra khỏi rừng thì nhận được điện thoại của một người xưng là Nguyễn Thành Trung, đề nghị gặp phóng viên để “nói chuyện, mong mấy anh nghiên cứu giúp đỡ”. Nguyễn Thành Trung chính là người đứng đầu tổ chức khai thác đất trái phép. Anh ta cũng chính là giám đốc Cty TNHH Thành Trung (nay đã giải thể) liên quan đến vụ lùm xùm quản lý đất đai ở huyện Đại Lộc. Hiện ông Bùi Đức Lợi (nguyên Trưởng phòng TN-MT huyện, đã bị kỷ luật cách chức) đã gửi đơn kiện UBND huyện Đại Lộc ra tòa.

Năm 2011, trong loạt bài viết về nạn khai thác than ở mỏ An Điềm (Đại Hưng) trên Tiền Phong, nhân vật T. chúng tôi nhắc trong bài viết về việc “bảo kê”, khai thác trái phép sau đấu giá than trên mỏ chính là Nguyễn Thành Trung. Trung về tận Hòa Vang để tìm gặp chúng tôi. Ngoài việc đề nghị, xin được “mấy anh nghiên cứu giúp đỡ”, Trung ngỏ ý muốn phóng viên nhận quà và bỏ qua sự việc. Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối.

Vì sao những khoảnh rừng ở Nam Giang tan hoang, vì sao gần 1 năm trời tư nhân xẻ núi lộ thiên lấy đất, tìm cao lanh, chở rầm rập về miền xuôi mà chính quyền địa phương dù biết trái phép vẫn làm ngơ?

Theo tính toán, một xe DongFeng bình thường chở 15 khối đất, khi cơi nới có thể chở lên đến 18 - 20 khối. Mỗi khối đất bán tại nhà máy trên dưới 150 ngàn đồng. Nếu là cao lanh giá còn cao hơn. Như vậy mỗi chuyến xe thu về gần 2 triệu đồng, mỗi xe chạy khoảng 15 lượt/ngày đêm.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.