Học bổng Vừ A Dính - chắp cánh những ước mơ:

Tiếp sức cho biên cương, hải đảo

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính trao học bổng Vừ A Dính cho con em vùng biên cương, hải đảo Ảnh: CTV
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính trao học bổng Vừ A Dính cho con em vùng biên cương, hải đảo Ảnh: CTV
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính, khẳng định sau 20 năm hình thành và phát triển, Quỹ đã thực sự đồng hành, tiếp sức, đào tạo nhân lực tốt cho vùng phên dậu, biển đảo Tổ quốc. 

Trên 80.000 suất học bổng được trao

Đến thời điểm này, sau 20 năm hình thành và phát triển, Quỹ Học bổng Vừ A Dính đã đạt được những thành công, dấu ấn lớn nhất là gì, thưa bà?

Quỹ Học bổng Vừ A Dính đã đi đúng hướng, đúng tôn chỉ mục đích ban đầu đặt ra là quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực, vươn lên phấn đấu học tốt. Từ chỗ 240 em đầu tiên được nhận học bổng, bây giờ chúng ta đã có 80.000 suất học bổng được trao đến các em học sinh, sinh viên tại các vùng phên dậu, biển đảo của Tổ quốc, thiết thực chăm lo cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.

Quá trình thực hiện, Quỹ có sự phát triển nâng cao chất lượng theo chiều sâu. Sau khi tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển, từ năm 2009 đến nay, Quỹ đã chú trọng đầu tư hoạt động theo chiều sâu góp phần tạo nguồn lực lâu dài bền vững, gồm 4 dự án: Ươm mầm tương lai; Chắp cánh ước mơ; Mở đường cho tương lai và Thắp sáng tương lai. Đây là 4 dự án rất ấn tượng của Quỹ, đã góp phần đầu tư nguồn nhân lực cho miền núi, biển đảo một cách sâu sắc hơn và có kết quả rất tốt.

Quỹ cũng từng bước biết kết hợp với các yêu cầu khác để mở rộng hoạt động của mình. Từ năm 2014, Quỹ thành lập CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, nhằm hướng trao học bổng, chăm lo cho các con em của chiến sĩ, ngư dân, những người đang ngày đêm chống chọi với biển cả, đối đầu với âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng phá hoại bình yên của biển đảo Tổ quốc.  

Quá trình thực hiện, chúng tôi luôn luôn bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước, quan điểm của Bác là “làm cho miền núi đuổi kịp miền xuôi”, tạo sự bình đẳng, đoàn kết và tiến bộ giữa các dân tộc. Vì vậy, trong việc chọn lựa các em trao học bổng, chúng tôi rất quan tâm đến con em dân tộc thiểu số bản địa, dân tộc ít người, dân tộc kém phát triển, nhất là con em dân tộc dọc dãy Trường Sơn. Với những dự án của Quỹ, chúng tôi chú trọng đào tạo ra được những nhân tài của dân tộc đó, đặc biệt là những trí thức có thể trở về xây dựng bản làng, quê hương.

Với dự án “Ươm mầm tương lai”, chúng tôi đào tạo 100 em nữ sinh, trong đó có 50 em đã tốt nghiệp đại học cách đây 3 năm, bây giờ các em đã trở thành những nữ trí thức trẻ về xây dựng cho bản làng của mình, có kỹ sư, luật sư, bác sĩ, nhà giáo… Hiện giờ, 50 em còn lại đang học năm thứ 2. Những việc làm đó, tuy nhỏ bé, Quỹ muốn góp phần chăm sóc, củng cố phên dậu của Tổ quốc, góp phần lo cho hậu phương để nhân dân yên tâm bám biển đảo, giữ biên cương. Đến nay, chúng tôi có gần 800 em được đào tạo đầu tư chiều sâu.

Phát triển theo chiều sâu

Động lực nào để bà gắn bó với Quỹ từ những ngày đầu thành lập, cho đến bây giờ vẫn dành rất nhiều công sức và tâm huyết?

Bà con dân tộc thiểu số là những người sống ở vùng địa chính trị quan trọng, những người ngày xưa từng cưu mang cho cách mạng, giờ điều kiện còn khó khăn, trình độ, văn hóa, phong tục, tập quán lạc hậu là lực cản lớn đối với sự phát triển của họ. Trong thời kỳ đổi mới này, muốn tất cả người Việt Nam tham gia vào công cuộc phát triển đất nước cần trang bị cho họ trình độ văn hóa, trí tuệ cần thiết. Khi bà con dân tộc còn nhiều khó khăn mình cần hỗ trợ chia sẻ góp phần tạo điều kiện cho con em phát triển. Càng đi sâu, gặp gỡ nhiều con em dân tộc càng cảm nhận được những khó khăn và thiếu thốn và rất thương các cháu. Vì vậy, chúng tôi muốn góp sức mình, giúp họ có được điều kiện phát triển tốt hơn, đổi thay cuộc sống ở những vùng khó khăn, xa xôi nhất của đất nước.

Mục tiêu phát triển của Quỹ trong thời gian như thế nào, thưa bà?

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao Quỹ ngày càng được phát triển, lan tỏa sâu rộng để có được sự chung tay lớn hơn từ cộng đồng trong và ngoài nước hỗ trợ con em dân tộc thiểu số cũng như hải đảo xa xôi. Hiện học bổng của các em chưa cao, chúng tôi mong muốn vận động nguồn lực hỗ trợ của các nhà hảo tâm để có thể mở rộng thêm suất học bổng, nâng mức học bổng lớn hơn. Các dự án của Quỹ cũng ngày càng được mở rộng đầu tư, đào tạo nhiều hơn nữa nguồn lực.

Qua đây, tôi cũng bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tới các đơn vị, tấm lòng thơm thảo đã đồng hành, chung sức với chúng tôi trong suốt 20 năm qua. Tôi nghĩ rằng nếu không có sự chung tay, góp sức đó chúng tôi không làm được những việc như ngày hôm nay.

Ngày 5/3/1999, tại trụ sở T.Ư Ðoàn, Quỹ Học bổng Vừ A Dính đã được thành lập, trao học bổng đầu tiên cho 240 học sinh dân tộc thiểu số. Ngay từ ngày đầu thành lập, Quỹ vinh dự được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm Chủ tịch Quỹ cho đến thời điểm hiện nay. Qua 20 năm hoạt động của Quỹ và 4 năm hoạt động của CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, trên 80.000 suất học bổng (trong đó có 6.730 suất học bổng CLB) được trao đến các em học sinh tại các vùng phên dậu, biển đảo của Tổ quốc, thiết thực chăm lo cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước tại những vùng xa xôi, khó khăn nhất.

MỚI - NÓNG
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
TPO - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - giữ chức Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan.