Tiếp bài 'Loạt biệt thự sai phạm ở Măng Đen': Xử lý hàng loạt dự án mất rừng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum vẫn đang xử lý những dự án sai phạm về đất đai đã tồn tại nhiều năm quanh thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum). Vừa qua, hàng loạt dự án làm mất rừng đã bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xử phạt hành chính từ 10 đến hơn 270 triệu đồng.

Điểm mặt dự án mất rừng

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, Kon Tum đã có báo cáo về tiến độ xử lý các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tại các dự án được giao, cho thuê rừng ở huyện này. Đa phần các dự án đều ở thị trấn Măng Đen, nơi nổi tiếng cả nước với cảnh đẹp, thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành.

Tiếp bài 'Loạt biệt thự sai phạm ở Măng Đen': Xử lý hàng loạt dự án mất rừng ảnh 1

Một trường hợp vi phạm về đất đai, dựng nhà gỗ trái phép ở Măng Đen.

Theo đó, tại dự án Kinh doanh vườn hoa quả, cây cảnh và du lịch sinh thái của Cty Cổ phần MDEN, hiện trạng rừng thực tế không có rừng 1.100m2. Còn tại dự án Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ, chủ đầu tư đã san ủi đất lâm nghiệp vào lâm phần rừng của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông 370m2.

Đối với dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng của Cty TNHH MTV Ê Ban Farm, qua kiểm tra, hiện trạng thực tế không có rừng 2.940m2. Một dự án khác của Cty TNHH Thái Hoà, hiện trạng thực tế không có rừng 740m2.

Đặc biệt, tại dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng một số cây dược liệu quý hiếm của Cty Cổ phần Dược liệu MEKONG, hiện trạng thực tế không có rừng lên tới 23.110m2; Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông (dự án đầu tư nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông), hiện trạng thực tế không có rừng 11.325m2; Cty TNHH Hoàng Tùng (Dự án khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông), hiện trạng thực tế không có rừng 7.480m2; Cty TNHH Mỹ Long Măng Đen (Dự án vườn hoa Măng Đen, trồng cây dược liệu kết hợp du lịch dã ngoại dưới tán rừng), hiện trạng thực tế không có rừng 8.690m2; Cty TNHH ADC (dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và trồng dược liệu dưới tán rừng), hiện trạng thực tế không có rừng 8.470m2; Cty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Đầu tư Măng Đen (dự án đầu tư nuôi cá nước lạnh, trồng dược liệu hết hợp du lịch sinh thái), hiện trạng thực tế không có rừng 5.422m2.

Liên quan tới thực trạng này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết, đã làm việc với các đơn vị về dự án làm suy giảm diện tích rừng ở huyện Kon Plông. Căn cứ mức độ, tính chất vi phạm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xử phạt hành chính từ 10 đến hơn 270 triệu đồng.

Theo ông Nam, đối chiếu tài liệu cho thấy, các doanh nghiệp không phải cố tình phá rừng, nguyên nhân chính ở đây do thời điểm dịch COVID-19 không có người ở dự án nên người dân quanh đó đã “tranh thủ”. Một nguyên nhân khác, thời điểm doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn thiết kế làm hồ sơ đã không có kỹ năng nhận diện về rừng, câu từ chuyên môn, muốn làm hồ sơ cho nhanh nên ngay từ đầu đã không biết mất rừng ra sao. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp. Ông Nam cũng thừa nhận việc mất rừng có lỗi của cả cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cả lực lượng kiểm lâm địa bàn, cần phải rút kinh nghiệm. “Ngoài việc phạt hành chính, giờ các doanh nghiệp cũng đã thực hiện khắc phục bằng cách trồng bổ sung cây bản địa, lâm nghiệp, khôi phục diện tích rừng mất”, ông Nam nói.

Chuyển nhượng dự án, vi phạm luật đất đai

Nguồn tin của phóng viên Tiền Phong cho biết, Phòng TN&MT huyện Kon Plông vẫn đang xử lý, khắc phục các nội dung Kết luận thanh tra số 09 của Sở TN&MT tỉnh Kon Tum về việc quản lý, sử dụng đất đai trong các lĩnh vực thu hút đầu tư (ngoài ngân sách nhà nước) ở huyện này từ năm 2002 đến 2023.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ 2002 đến 2022, huyện Kon Plông có 120 dự án đầu tư (không tính dự án đầu tư công) được cho thuê đất, trong đó có 17 dự án trụ sở với diện tích hơn 3 ha; 38 dự án thủy điện với hơn 2.017 ha; 22 dự án thương mại 179 ha; 43 dự án nông nghiệp 1.529 ha. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT tỉnh Kon Tum, từ năm 2019, các cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án. Số dự án chấp hành đúng quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kết luận số 1595 ngày 14/9/2022 của Thanh tra Chính phủ phát hiện 9 dự án ở huyện này chậm tiến độ, vi phạm.

Riêng năm 2024, báo cáo của UBND huyện Kon Plông cho thấy, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 15 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng. Qua thống kê của UBND huyện, đa số các trường hợp đều chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp để xây dựng homestay, nhà nghỉ trái pháp luật; nhiều nhà nghỉ, homestay đã đi vào kinh doanh. Trong số 15 trường hợp vi phạm, đa số đều không chấp hành tháo dỡ các hạng mục vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu.

Ông Lê Thành Diễn, Trưởng phòng TN&MT huyện Kon Plông cho biết, đang phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, huyện Kon Plông sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội… để người dân cũng như các nhà đầu tư nắm rõ các quy định pháp luật, không để xảy ra trường hợp vi phạm tương tự. Ông Diễn khẳng định, thời gian tới, huyện sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm từng vụ để không có trường hợp vi phạm tiếp tục chây ỳ, tái diễn.

UBND huyện Kon Plông vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với N.T.M (SN 1991, trú huyện Kon Plông) 36,7 triệu đồng. Theo đó, ông M đã chuyển đất phi nông nghiệp (được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) sang đất ở với diện tích 84,25m2 để xây dựng 2 căn nhà kiên cố, 1 nhà khung sắt. Diện tích đất này do UBND thị trấn Măng Đen quản lý.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.