Tiếng ồn không chỉ gây điếc

Tiếng ồn không chỉ gây điếc
TP - Không chỉ gây ra hiện tượng giảm thính lực, tiếng ồn còn gây ra stress, rối loạn về tim mạch, tiêu hóa làm tổn hại ốc tai, cơ quan tiếp nhận âm thanh và tác động đến tâm sinh lý, hành vi ứng xử của con người trong xã hội.

> Quy định kiểm soát tiếng ồn ở một số nước
> Tiếng ồn – ‘thủ phạm’ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe

Trẻ cũng điếc nặng

Gần 2 tháng nay, cả hai tai của Nguyễn Hoàng Ngọc A., 17 tuổi (quận 3, TPHCM) bỗng dưng nghe kém. Đến khám ở khoa Tai mũi họng của BV Tai Mũi Họng TPHCM, Ngọc A. được chẩn đoán bị tổn thương tai do tiếng ồn và thính giác không phục hồi được.

Theo bác sĩ điều trị, gần 2 năm nay Ngọc A. dùng thường xuyên máy nghe nhạc MP3 nên đây là nguyên nhân làm cho thính lực giảm sút.

Bác sĩ Lê Thị Hồng Hạnh - BV Tai Mũi Họng TPHCM cho biết xu hướng giới trẻ ngày càng sử dụng loại máy MP3 để nghe nhạc nhiều hơn do các tiện ích và loại máy này mang lại. Và điều này cũng là nguyên nhân khiến số lượng người trẻ bị điếc gia tăng.

Với biểu hiện hai lỗ tai nghe ù ù, kèm chứng chóng mặt và giảm thính lực, anh Phan Văn G. 43 tuổi ở Bình Dương được chẩn đoán bị điếc do tác động của tiếng ồn.

Anh G. cho biết, làm công nhân ở công ty điện máy và hai năm liên tục chịu sự tra tấn của tiếng ồn.

“Sau một năm làm việc tôi thấy thính lực giảm rõ rệt. Mới đây tai cứ ù ù mỗi lần nghe ai nói và chóng mặt nên tôi quyết định đến bệnh viện”- anh G. nói.

Bác sĩ Hồng Hạnh cho biết nhiều bệnh nhân như anh G. màng nhĩ không thủng nhưng vẫn bị điếc do tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên.

Theo bác sĩ Trần Việt Hồng- Trưởng khoa Tai Mũi Họng BV Gia Định trong số bệnh nhân đến điều trị có cả nhân viên trực tổng đài cũng bị giảm thính lực không hồi phục do tiếp xúc với các cuộc gọi thường xuyên.

Tình trạng giảm thính lực đa phần là do tổn thương các tế bào lông chuyển của cơ quan ốc tai. Các tế bào này có thể phục hồi sau những tổn thương tạm thời. Tuy nhiên, khi tác động lên tai liên tục trong một thời gian dài thì thính lực bị giảm và không hồi phục được.

Giảm nguy hại từ tiếng ồn

Các chuyên gia cho biết một người tiếp xúc kéo dài với các loại âm thanh có cường độ trên 90 đề-xi-ben sẽ gây giảm thính lực.

Trong khi đó, theo các nghiên cứu hầu hết máy nghe nhạc MP3 đều phát ra những sóng âm có cường độ lớn hơn 120 đề-xi-ben.

Vì vậy, giải pháp để khắc phục sự cố này là dùng loại tai nghe lọc được tiếng ồn, trùm lên vành tai, tránh sử dụng loại tai nghe nhét trong ống tai ngoài và điều chỉnh âm lượng của máy không vượt quá 80 đề-xi-ben. Ngoài ra, hạn chế thời gian nghe nhạc, hoặc tiếp xúc với tiếng ồn quá nhiều.

Với những người lao động trong môi trường luyện cán thép, các máy nghiền quay và rèn búa máy; các ngành sản xuất như dệt, cơ khí, điện máy, luyện kim đều xuất hiện một tỷ lệ điếc nghề nghiệp cao.

Vì vậy, các bác sĩ yêu cầu cần thiết phải phòng hộ kỹ thuật bằng cách giảm nguồn sinh ra tiếng ồn như chống và chạm, ma sát, sử dụng các vật liệu, công cụ mềm thay kim loại cứng, đồng thời thu hồi và triệt tiêu nguồn âm thanh.

Trong khi đó, yếu tố phòng hộ y tế cũng không kém phần quan trọng. “Chúng ta có thể dùng nút tai, loa che tai bởi các loại dụng cụ này thường làm giảm từ 20 đến 45 đề xi-ben giúp giảm cường độ có hại xuống dưới mức gây hại".

Bác sĩ Trần Việt Hồng cho biết, các trường hợp suy giảm thính lực hoặc điếc nghề nghiệp cần thiết phải giám định khả năng lao động vì bệnh này không hồi phục.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.