Tiếng mã la và trường ca rừng thẳm

Bộ mã la 4 chiếc của đồng bào Raglai
Bộ mã la 4 chiếc của đồng bào Raglai
TP - Rừng Phan Dũng thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận đầy hoa và chim muông giữa mùa xuân. Thi thoảng giữa rừng vang lên tiếng mã la hay một đoạn trường ca của người Raglai.

> Nhớ quán của những người phiêu bạt

Rừng xanh xanh mãi

Đặt chân đến miền sơn cước, mới hay bà Đào Thị Quá đã vào rừng từ sớm tinh mơ.

Anh Mang Thinh, 40 tuổi, cư dân của làng bảo: “Bà Quá ở xa lắm, phải qua mấy cánh rừng, lội mấy con suối…mới tới được”. Không đắn đo, tôi quyết định đi tìm.

Tôi cùng Mang Thinh vượt nhiều đoạn đường rừng lổn nhổn đá. Chiếc xe máy khi hụp xuống, lúc giật tung lên trên con đường ngoằn ngoèo ngược lên núi. Mùa này, rừng Phan Dũng thật đẹp.

Những cánh mai nở muộn vàng rực rỡ xen lẫn sắc tím ngan ngát của những giò phong lan treo lủng lẳng trên thân cổ thụ. Mỗi khi gió thoảng, rừng vang tiếng xào xạc.

Bỏ xe, trèo bộ qua những gốc rừng cây cao to ngút ngàn, lội qua dòng suối mát lạnh, chúng tôi lọt vào một thung lũng bằng phẳng. Giữa rừng già, lại có những thửa ruộng lúa xanh um đang thì con gái.

“Kia, nhà bà Quá đó”, Mang Thinh vừa nói vừa chỉ tay về căn lều giữa bốn bề vắng lặng. Ngôi nhà nhỏ che bằng cỏ tranh rừng, tường tre nứa nằm đối diện ngọn núi lớn, hướng mặt về phía Tây, nơi có con suối lớn uốn lượn, rì rào ngày đêm.

Thác Yavly
Thác Yavly .

Vừa vào tới nơi, người phụ nữ gầy gò đón khách bằng nụ cười hồn hậu: “Già rồi. Cái cổ nó không chịu lên tiếng nữa đâu”- bà nói, nhanh tay xắt từng lát khoai mì. Tôi nài nỉ mãi, cuối cùng bà kể:

Tuổi thơ buồn tênh khi vắng mẹ, thiếu cha. Ăn hạt lúa của rừng, uống nước từ rừng, bà lớn lên như cây rừng vậy. Năm lên 18 tuổi, không chỉ được trao truyền niềm mê đắm dân ca từ người chị mà bà còn được thừa hưởng cả chất giọng ngọt ngào thiên phú nên nhanh chóng bắt nhịp với trường ca.

Trong từng câu hát của người Raglai có lời ru của mẹ, lời tâm tình tiễn tặng người yêu và có ánh nắng mai thơm nồng hương lúa chín đồng ruộng Tà Hoàng, lại có cả âm hưởng rì rào của ngọn thác Yavly hùng vĩ. Ngày lên rừng hái củi bẻ măng, bà hát. Chiều xuống suối lấy nước bà vẫn hát.

Cách đây 10 năm, Phan Dũng cách thị trấn Liên Hương 40 cây số, đường đèo dốc quanh co, suối sâu hiểm trở, phải đi bộ hơn 2 ngày. Cuộc sống của tộc người Raglai cách biệt, khó khăn nên ai cũng nghĩ nhiều đến cái ăn, cái mặc hơn là ghi nhớ trường ca cổ.

Nhưng sau khi tuyến đường nhựa được mở lên vùng núi non này, ánh sáng văn minh ùa về khắp bản làng. Nhiều chương trình liên hoan, hội thi văn hóa văn nghệ các dân tộc cấp huyện, cấp tỉnh, kể cả khu vực miền Trung liên tục tổ chức, ở đâu cũng có sự hiện diện của những đứa con đại ngàn.

Chính từ đây, giọng ca của bà Đào Thị Quá được biết đến, làm nức lòng người mến mộ. Mặc dù đạt được nhiều giải thưởng cao, nhưng bà bảo mình hát cho con trai, con gái, cho cả làng vui chứ chẳng cố công dự hội thi này, liên hoan nọ.

Bà Quá bảo trước kia già trẻ trai gái ít nhiều ai cũng biết hát trường ca nên các bản trường ca dù chỉ được truyền miệng nhưng vẫn trường tồn qua thời gian.

Ngọn núi cao ngất, từng đàn chim Ta leo đang chao liệng, líu lo hót những điệu vũ núi rừng.

Còn bên căn nhà nhỏ giữa rừng, lời ca khúc Rừng xanh xanh mãi lại vang lên trong ánh chiều e ấp: “Tuổi thơ xanh mãi với trái tim vui. Rừng ơi xanh hoài mãi mãi rừng ơi!..” Tiếng hát của một “nghệ nhân” tuổi thấp thập cổ lai hy đã không tròn vành rõ chữ nữa, nhưng vẫn nghe bâng khuâng một nỗi niềm hoài cổ vọng về từ xa xăm.

Tiếng mã la giữa đại ngàn

Bộ mã la 4 chiếc của đồng bào Raglai
Bộ mã la 4 chiếc của đồng bào Raglai.

Anh Mang Nhu, Bí thư xã Phan Dũng đưa chúng tôi đi một vòng quanh làng: Phan Dũng có gần 400 nhân khẩu là người Raglai. Họ sáng tạo nên một kho tàng văn hoá dân gian đậm đà bản sắc.

Mã la là loại nhạc cụ gõ bằng đồng rất độc đáo. Trước đây, người Raglai thường uống rượu cần đánh mã la.

Ngoài ra, mã la còn được sử dụng trong đám cưới, lễ bỏ mả, lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng ông bà…Mỗi khi làng mở hội, không thể thiếu tiếng mã la.

Bên ánh lửa hồng và ché rượu cần ngất ngây, tiếng mã la và giọng hát của các mẹ, các chị, các anh vang vọng cả núi rừng.

Mang Nhu bảo, mã la theo tiếng Raglai là “Char”, là nhạc cụ dân gian truyền đời của ông bà tổ tiên dòng họ để lại. “Bây giờ cuộc sống vui, tiếng mã la cũng vui”- anh Mang Nhu nói.

Mã la được cất giữ rất cẩn thận, không ai tự ý dùng, mỗi khi sử dụng đều phải làm lễ cúng. Mã la ở Phan Dũng có 8 bộ, mỗi bộ 4 chiếc. Bộ mã la 4 chiếc là bộ có 1 mẹ và 3 con (mẹ, con trưởng, con giữa, con út).

Đồng bào sáng tạo ra nhiều làn điệu tấu mã la, nhưng có 3 bài tấu mã la quen thuộc như Ruwơ, Ruwơ Poriyu Chrao và Atok Pakrup. Nét độc đáo của các bản nhạc mã la là nội dung các câu chuyện cổ Raglai được kể bằng âm thanh.

Những điều không hoặc khó nói, người Raglai phải mượn “tiếng nói” của mã la. Mang Nhu cho biết, với quan niệm vạn vật hữu linh, mã la là vật thiêng, vật quý nên người Raglai tin mã la cũng có linh hồn.

Khó khăn lắm mới gặp được anh Mang Hanh, một thành viên đánh mã la của làng.

Anh từ rừng về, gương mặt còn đẫm mồ hôi nhưng khi tôi hỏi chuyện đánh mã la, Mang Hanh cười rạng rỡ: “Đánh mã la khó lắm. Tập nhiều, đánh nhiều mới hay”.

Hỏi nội dung các bài tấu mã la, Mang Hanh giải thích rằng, đó là cuộc sống hàng ngày của người Raglai.

Ví dụ bài mã la “Chip Lugo” kể về một đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau, rồi cùng chết đi, biến thành đôi chim Chuông (chim gọi bạn). Hay như bài “Kalak Toah ia” (con ó đi tìm nước) là một câu chuyện cổ tích giữa con gà và con ó.

Rồi bài Con gái Lúa, bài Con trai Bắp cũng chỉ đơn giản là người Raglai yêu quý hạt lúa, hạt bắp như những đứa con gái, con trai của mình. Có những bài mã la mang tính chất đối đáp, tâm sự giữa hai người, tình thương cha mẹ, tổ tiên và sự tôn kính núi rừng…

Mang Hanh bảo làng có nhiều người đánh mã la giỏi lắm, ai cũng mong làng có ngày vui, lễ lớn để được ôm mã la mà vỗ. Bộ cồng chiêng Ê Đê, cồng lớn có vai trò giữ nhịp cho cả bộ.

Còn ở bộ mã la Raglai, sau khi mã la “mẹ” dẫn nhịp đầu, các mã la con hoà theo. Khi cả “gia đình” mã la đều đã lên tiếng và đã ổn định nhịp, người đánh bắt đầu khom lưng, hướng đầu về phía trước, ôm mã la trước bụng vừa đi ngược chiều kim đồng hồ, vừa múa, dùng phần mềm của nắm tay vỗ vào mặt ngoài của mã la.

Tất cả âm sắc, trường độ, âm bồi, âm tắc, độ vang đều do bàn tay để ở phần “bụng” (phần bên trong) của mã la điều khiển. Đặc biệt, sự thiêng liêng của mã la được dồn tụ chính là tiếng “khầm”, nó chính là biểu tượng vô hình mang nhiều ý nghĩa như một điểm nhấn, sự khoá đuôi một đoạn, một giai điệu.

Nhưng cũng là sự nâng lên, đẩy lên âm thanh trầm hùng lan xa giữa đại ngàn, dội vào vách đá, suối sâu vọng trở lại tạo nên thứ âm thanh giao thoa cùng đất trời…

Phan Dũng hấp dẫn du khách bởi hoa mai, hoa lan tím miên man tháng chạp, mùa lúa mẹ chín vàng độ tháng sáu... Còn gì thú vị hơn khi trên dặm đường rong ruổi ấy, dừng chân giữa đại ngàn, làm ché rượu cần nghe vỗ tiếng mã la chợt thấy như trời đất trên miền núi non nhẹ bỗng… Nghe vi vu, âm hưởng nhịp nhàng xao xuyến của bài hát của người Raglai: Hỡi Bắp trắng con trai của mẹ/Hãy để cho mẹ được bình an, no đủ/Hỡi Bắp trắng con trai của mẹ/Đừng để nước muốn đổ, nồi muốn nghiêng

Có những vùng đất ta đến một lần và nhớ mãi, Phan Dũng là một nơi như vậy!

Nhấp ché rượu cần, Mang Hanh vỗ vai tôi cười: “Con gái nó “thích” con trai vỗ mã la, con trai nó cũng “thích” con gái nhảy múa. Cái bụng chúng nó ưng nhau lúc nào không biết”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.