Tiếng lòng hướng về Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
MV của Kyo York được minh họa bằng tranh của Lê Sa Long
MV của Kyo York được minh họa bằng tranh của Lê Sa Long
TP - Nếu năm ngoái các bài hát về COVID-19 chủ yếu mang tính chất cổ động, tuyên truyền thì năm nay đề tài cũng như chất liệu âm nhạc đa dạng hơn nhiều. Dường như ranh giới giữa chuyên hay không chuyên đã bị xóa nhòa trong những bài hát bật lên từ cảm xúc, tấm lòng và sự chiêm nghiệm…

VƯỢT LÊN NGHỊCH CẢNH

Cho tới nay bài hát vui nhất về đề tài đại dịch hẳn là Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thương nhau. Đó cũng chính là những lời đầu tiên của bài hát lấy nguyên xi từ khẩu hiệu của dự án Bánh Mì 0 Đồng mang các suất ăn tới người cơ nhỡ bắt đầu từ tháng Bảy. Lời ca triển khai từ hành động cụ thể: “Bon bon trên những phố phường/ Đi sâu vào những hẻm đường/ Với bánh mì giá 0 đồng/ Trao tay cho người khó người cần/ Anh Huy cùng với anh Bình/ Trao đi bằng những nghĩa tình/ Thương sao hai tiếng đồng bào/ Ôi yêu thương Sài Gòn làm sao…”.

Bài hát có nhịp điệu pop cực kỳ vui tươi với giai điệu diễn tiến theo chiều đi lên đầy sảng khoái, được thể hiện hiệu quả qua giọng hát khỏe khoắn giữ nguyên phát âm địa phương của Phú Hiển. Đây cũng chính là ca khúc đầu tiên trình làng của Lương Kim Long (Long X) người trước giờ chuyên viết nhạc quảng cáo. “Như mọi người, tôi cũng hồi hộp, lo buồn nhưng vẫn nghĩ cần viết cái gì có tính cổ vũ. Dịch quá nặng nề nên tôi muốn lan tỏa năng lượng tích cực để cùng mọi người chống dịch”.

Tiếng lòng hướng về Sài Gòn ảnh 1

Các nghệ sĩ tự quay hình ảnh của mình để góp vào MV Sống như tia nắng mặt trời

Sài Gòn tôi sẽ được sáng tác và thể hiện bởi giáo viên tiếng Anh Nguyễn Thái Dương theo điệu waltz êm dịu, sau hơn một tháng trình làng cũng được gần triệu lượt view. Bài hát hướng người nghe về tương lai tươi sáng sau đại dịch: “Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận/ Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng/ Và anh rồi sẽ dắt em đi dạo/ Quán quen chiếc hôn ta cùng trao”… Anh có một bài hát khác nói về Sài Gòn cũng khá được ưa thích dù không nhắc gì tới dịch bệnh là Thành phố gì kỳ.

Sài Gòn ta thương - một giai điệu ballad thực sự trữ tình do Tú viết nhạc, Văn Quân thể hiện. Bài hát phỏng thơ của MC Tùng Leo lấy được nhiều tình cảm và cả nước mắt của người nghe. Tác giả đã gọi ra được cảm xúc của mọi người lúc này: bỗng thấy thương nhau hơn, cả những người không quen biết. “Sài Gòn ơi dường như chưa bao giờ/ Yêu đến thế tha thiết những mong chờ/ Còn nhiều nơi chưa đến một lần/ Hẹn mai đi hết cho thỏa bước chân/ Và ta tin sớm có phép màu/ Gặp lại lần này ta hứa sẽ ôm Sài Gòn vào lòng”.

NGƯỜI MỸ HÁT DÂN CA VIỆT

Sài Gòn thương là tên bài hát mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Khúc Đạo Minh nhưng lại do giọng ca Mỹ Kyo York thể hiện. Phát âm có thể vẫn còn lơ lớ nhưng khả năng luyến láy của ca sĩ đạt đến độ thuần Việt đáng ngạc nhiên.

Tiếng lòng hướng về Sài Gòn ảnh 2

Ca sĩ Ánh Tuyết trong MV Gởi vô Nam

Tên bài hát cũng là tên một quỹ thiện nguyện do Kyo phối hợp với Khoa Du lịch và Việt Nam học của trường ĐH Nguyễn Tất Thành lập nên. Kyo bộc bạch: “Chứng kiến thầy cô lăn vào bếp nấu hàng trăm suất ăn mỗi ngày, tự trích tiền cá nhân hỗ trợ sinh viên và cả những người cơ nhỡ bằng những hành động thiết thực trong mùa dịch, lắng nghe những câu chuyện đau lòng của các bạn sinh viên một thân một mình ở Sài Gòn, bị nhiễm bệnh, không tiền ăn, tiền trọ, có người thân, cha mẹ mất vì COVID, những quyết định dở dang con đường đại học, Kyo đã không nén được đau xót, nên sẵn lòng đồng hành kêu gọi cùng thầy cô tập trung giúp đỡ các bạn sinh viên trong và sau dịch”. Ca sĩ cho hay đã rơi nước mắt nhiều lần khi tự thu âm ca khúc này bằng điện thoại tại nhà.

Từ Hội An, ca sĩ Ánh Tuyết vẫn đứng ngồi không yên trước tình hình của Sài Gòn. “Hơn 30 năm, Sài Gòn không biết từ khi nào đã trở thành nhịp đập trong trái tim tôi, đã nuôi tâm hồn tôi lớn mạnh cùng nghệ thuật. Dù rằng tôi đang sống tại Hội An nhưng trong lúc này lòng tôi cứ đau đáu ngóng tin từng giờ, từng phút, từng giây để biết bà con trong đó bây giờ ra sao, thành phố bây giờ thế nào”, chị chia sẻ.

Cuối tháng Bảy, ở miền Trung, Ánh Tuyết đi đâu cũng thấy những điểm tập kết quyên góp lương thực cho miền Nam. Chị bắt gặp giai điệu đậm đà chất dân ca miền Trung của bài Gởi vô Nam do nhà báo Hồ Tấn Vũ tự viết tự hát đưa lên mạng, Ánh Tuyết quyết trở lại phòng thu. Người được giao trọng trách phối khí là nhạc sĩ Ngọc Minh ở Đà Nẵng. Do khiếm thị nên anh Minh phải cần một kỹ thuật viên từ nơi khác đến hỗ trợ bấm máy. Bản phối được hoàn tất trong vòng hai tiếng ngay trước giờ Đà Nẵng giãn cách. Phần đầu của MV là hình ảnh phóng sự cho thấy cảnh bà con xứ Quảng, có cả người già, người khuyết tật… chắt chiu những nghĩa tình gửi vào hỗ trợ đồng bào trong Nam.

ĐỒNG LÒNG VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH

Năm ngoái Thúy Nga Paris công bố một dự án MV tri ân y bác sĩ với sự tham gia của những giọng ca hàng đầu hải ngoại trong sáng tác Áo trắng áo xanh của nhạc sĩ Hoài An. Năm nay một dự án tuy là cá nhân nhưng có vẻ còn hùng hậu hơn thu hút hơn 40 nghệ sĩ, người nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Đó là Sống như tia nắng mặt trời của Đình Bảo với sự góp giọng của Cẩm Vân, Hà Trần, Quang Dũng, Thanh Hà, Minh Tuyết, Uyên Linh, Hiền Thục, Quốc Thiên, Soobin Hoàng Sơn, Bùi Lan Hương, Tóc Tiên, Orange, Ái Phương, Mai Tiến Dũng… cùng các vũ công và 2 hoa hậu H’Hen Niê, Khánh Vân. Tác giả Đình Bảo chia sẻ: “Bất chợt đang ngồi trong phòng, tôi có cảm xúc về Sài Gòn. Khi hoàn thành demo, tôi hình dung nếu cảm xúc này được lan tỏa cho nhiều người thì rất tuyệt. Tôi gửi cho vài nghệ sĩ quen biết, không tưởng tượng nổi, ai cũng thích, tự nguyện tham gia và chia sẻ với những nghệ sĩ khác để cùng tham gia. Chứ tôi đâu có tiền để trả cho mọi người”.

Điệp khúc da diết của bài hát: “Bạn hỡi chung tay với tôi/ Giữa cơn bão giông cuộc đời/ Sớt chia tình người/ Sống như tia nắng mặt trời”. Qua đó, tác giả gửi gắm thông điệp kết nối những người Việt ở trong và ngoài nước: “Tình yêu thương nên được nhân rộng và lan tỏa như tia nắng”. Đình Bảo nói, “Mỗi người chính là tia nắng sống cuộc sống của mình để thương yêu người khác. Đó là điều duy nhất làm cho cuộc sống này mỗi ngày một tốt hơn”.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.