Dạo ấy, chỉ nghe kể loáng thoáng là em có những ba con, chồng là thuyền trưởng đánh cá mất trong cơn bão biển khủng khiếp ngoài khơi Vũng Tàu. Em mới từ Bà Rịa – Vũng Tàu ra nương nhờ nhà anh trai - người đàn ông theo đạo Thiên Chúa nhiều tài, nhất là nuôi hải sản và đúc tượng, vẽ tranh nhà thờ, có lòng bao dung hiếm có. Những ngày ấy, đêm đêm em ra biển mua cua, về buộc cua cho đến sáng đem đi chợ bán… Nửa đêm bao giờ em cũng hát mãi bài Triều Châu, như tiếng gọi tha thiết trong nhịp biển. Em dáng mảnh, mái tóc búi vổng phía sau gợi cảm. Mắt đẹp và buồn thăm thẳm, thường vọng nhìn ra biển, dù trời đêm.
Nay tôi biết không phải em có đàn con đông như vậy mà mới chỉ một con. Từ bấy đến nay người ta chỉ thấy em ra đây một mình, phụ giúp việc làm ăn cho anh trai. Không ai nỡ hỏi con em đâu. Tôi hay hỏi chuyện mà cũng không dám, sợ chạm phải nỗi đau của đàn bà. Nhất là người đàn bà một con trông mòn con mắt này. Nó sâu như biển.
Bấy lâu thấy em đã bén, không như dạo trước. Má đã hồng, da đỡ xanh, mái tóc khỏe hơn và búi vấn cũng cao hơn. Công việc của em thuận lợi, hải sản bán được, gia đình anh trai và bà con xóm Chài bằng lòng về em. Ðằng sau nhà là nơi làm hàng hải sản của em, đã có thêm bể đông lạnh, cả chiếc xe chở như chiếc xe lôi loại nhỏ ở trong Nam. Nơi ấy anh trai em vừa trồng thêm hai cây con lá tròn, ban đầu em chưa biết tên.
Nửa đêm trong tiếng sóng sâu lắng, em vẫn hát. Bài hát Triều Châu, ở đây ai cũng cho rằng của riêng em, nhiều người hát theo và thuộc. Nhưng người ta nói từ dạo cuối mùa lạnh, biết có người về đây, nửa đêm cũng dậy nghe em hát… thì gần như em ít hát bài đó như trước. Ban đêm người ta lại nghe một bài hát mới:
Mùa lá thu bay anh đã đi rồi!...
Bài hát này giai điệu khác bài Triều Châu trước, nó dài hơn, man mác hơn. Cũng lên xuống như nhịp sóng, nhưng là nhịp sóng dài, khi biển chuyển vào thu man mác. Những “giấc mộng lứa đôi”… “kiếp sau tìm nhau”…
Nhất là đến một đoạn, em hát rất tuyệt, với những điệp khúc có tiếng “rồi” như những giọt sương đêm buông xuống trên biển:
Mùa thu lá bay anh đã đi rồi/ Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi!/ Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi/ Ðừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi…
Như có một ai cầm đàn ghi - ta từ khơi xa buông từng giọt vào lời em hát.
Dạo này biển không sương mù như trước, biển quang như dọn đường cho những trận gió ập vào. Ban đầu em thường dậy, quờ khoác thêm tấm áo len mỏng hồi mới lấy chồng, ở trong Nam.
Ðêm qua biển đổ vào trận gió lốc bất ngờ. Ðêm qua người ta không nghe em hát “Mùa thu lá bay” vào lúc nửa đêm. Sáng ra hàng cây trước biển như bị vặt hết lá, chỉ có cành khẳng khiu. Duy nhất có một loài vật lá tròn, dáng đậm, có cuống lá dai dẳng, bão biển không vặt được. Anh em nhanh tay trồng phía trước ba cây đã lớn, trồng phía sau cho em hai cây non.
Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!...
Tiếng hát lại cất lên vào buổi sáng. Chứng tỏ tâm hồn của người hát đã dạn dĩ, vững chắc hơn, không buồn như bài Triều Châu chỉ lén hát vào lúc nửa đêm. Tôi dậy sớm, đánh bạo ra phía sau nhà. Vẫn mái tóc vấn cao, tấm áo len mỏng, bờ vai thu một dáng gọn gàng, em đang đặt hàng hải sản vào xe, chuẩn bị nổ máy: “Ủa, lại anh! Từ đâu anh lại đến đây?”. Tôi cũng mạnh lên: “Anh nghe em hát “Mùa thu lá bay” mấy lần rồi!”. Cô gái cũng mạnh lên, bắp tay thon trắng muốt chỉ vào hàng cây anh cô trồng trước biển: “Em buồn hát vậy. Nhưng mùa thu đến với loài cây na dại cứng cáp này thì có rụng lá đâu anh!”. “Na dại!”. “Vâng, anh em bảo tên nó là na dại, chống chọi tất thảy những cơn bão biển…”.
Em vội nổ máy chiếc xe chở hải sản. Chính em lái chiếc xe ấy. Trên đầu em, bên mái tóc vấn cao, giờ có thêm chiếc khăn màu sọc đỏ buông xuống, như mảnh buồm.
Tôi đến vịn vào hàng cây na dại, rồi nhìn ra biển. Những chiếc lá xanh xinh tươi, hơi dày, thậm chí có độ nhám… đính chặt kín đáo vào những nhành cây. Chúng mọc gọn, tròn vẹn và sâu thẳm…
Tôi muốn đặt một lời hát mới về mùa thu cho loài cây na dại có sức sống lạ lùng trước biển cả.
Từ hồi trở về, trong những cơn mưa và ngọn gió mùa thu đang tìm đến, mỗi lần nhớ đến “Mùa thu lá bay” ai hát trước biển, tôi lại chỉ muốn cất lên tiếng gọi: “Na dại ơi!”…