Tiến tới đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Những sáng chế vì cộng đồng

Nhóm tác giả bên cạnh chiếc máy bắt bọ xít. Ảnh: CTV.
Nhóm tác giả bên cạnh chiếc máy bắt bọ xít. Ảnh: CTV.
TP - Sáng chế thành công máy may cho người khuyết tật, máy bắt bọ xít cho nông dân trồng cây ăn quả, máy cho tôm, cá ăn điều khiển từ xa… là những sáng chế thiết thực trong 35 công trình được tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X năm 2017.

Máy may cho người khuyết tật

Đôi bạn trẻ Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Yên Bái) đã cùng nhau tạo ra một chiếc máy may đặc biệt giúp người khuyết tật cả hai tay có thể thành thợ may.

Nói về ý tưởng của mình, Hoài cho biết, trên đường đi học, đôi bạn gặp một người khuyết tật kiếm sống bằng nghề ăn xin. Từ đó nảy sinh ý tưởng tìm giải pháp giúp những người khuyết tật có thể làm việc, tự kiếm sống bằng khả năng lao động. “Sau nhiều đêm suy nghĩ, 2 đứa quyết định tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến chiếc máy may phù hợp với người khuyết tật. Nghề may không quá vất vả, có thể cho thu nhập ổn định, giúp họ được lao động và kiếm sống”, Hoài chia sẻ.

Để cải tiến chiếc máy may bán tự động mà người khuyết tật có thể sử dụng, Hoài và Mai đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cả về nghề may, máy may lẫn cơ khí chế tạo. Sau mỗi giờ học, đôi bạn lại đến gặp các thợ may, các cửa hàng bán máy may khắp thành phố để tìm hiểu, phân tích, lựa chọn loại máy phù hợp với tiêu chí để cải tiến.

Sau nhiều tháng mày mò với sự hướng dẫn của các thợ cơ khí, thợ may lành nghề, đôi bạn trẻ đã cho ra đời chiếc máy may đặc biệt: máy bán tự động với phần cải tiến là một hệ thống các bộ phận di chuyển, quay góc, tăng kích thước của tấm vải mà người khuyết tật tay hoàn toàn có thể may được bằng cách điều khiển bằng chân.

Mai cho biết, hai bạn đã cải tiến nhiều chi tiết nhỏ trong máy may. Phần khung chọn nguyên liệu bằng nhôm để khối lượng khung không quá nặng nhưng vẫn chắc chắn. Có 3 khung kết hợp là khung giá đỡ tấm giữ vải, khung di chuyển đồng tốc với kim máy và khung tăng kích thước. Tất cả được điều khiển bởi một bảng hệ thống đặt dưới gầm máy may gồm hai nút nhấn và một cần gạt. Nút màu đỏ để quay góc vải, nút màu xanh để khởi động máy thay cho việc đạp chân và cần gạt điều khiển hệ thống di chuyển và tăng kích thước.

“Đó chỉ là bước đầu, chúng mình sẽ tiếp tục cùng nhau nghiên cứu, cải tiến chiếc máy may này để có thể may được đa dạng các loại sản phẩm và tự động hoàn toàn. Hai đứa còn có hoài bão là đưa sản phẩm vào sử dụng trong may mặc công nghiệp, may theo giai đoạn, theo dây chuyền tạo việc làm ổn định cho những người khuyết tật”, Mai nói.  

Sáng kiến của Hoài và Mai được đánh giá cao và giành giải trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tỉnh Yên Bái.

Máy bắt bọ xít giúp nhà nông

Lưu Toàn Thắng, Ngô Quang Tú, Nguyễn Đức Việt, Đặng Minh Đan, học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) đã cùng nhau chế tạo thành công “Máy bắt bọ xít” cho nông dân trồng cây ăn quả.

Thắng cho biết, Bắc Giang là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất, nhì miền Bắc, trong đó vải thiều chiếm số lượng lớn. Để cây vải có tỷ lệ đậu quả cao, nhiều chủ vườn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phun khử bọ xít hút nhựa, ảnh hưởng lớn tới chất lượng, làm biến đổi một số thành phần hóa học trong quả. “Từ băn khoăn làm thế nào giúp nông dân không phải sử dụng thuốc BVTV mà vẫn tiêu diệt được bọ xít bảo đảm chất lượng quả vải xuất khẩu và bảo vệ môi trường, chúng mình đã quyết tâm sáng chế máy bắt bọ xít”, Thắng chia sẻ.

Tháng 4/2017, nhóm góp số tiền dành dụm để mua vật liệu như: Tôn hoa, lưới thép, bóng đèn tích điện 12v, ắc quy 12v, mạch sạc, dung môi, pin năng lượng mặt trời, dây điện, keo dán và quạt gió… để triển khai ý tưởng. Được sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, nhóm bạn trẻ tiến hành chế tạo, lắp đặt, đồng thời nghiên cứu cách tạo ra dung dịch dẫn dụ bọ xít, côn trùng.

Sau ba tháng nghiên cứu, chế tạo, nhóm cho ra đời “Máy bắt sử dụng dung dịch dẫn dụ bọ xít và côn trùng”. Mang máy đi thử nghiệm tại vườn vải của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hương, thôn Trung Nghĩa (Nghĩa Hồ, Lục Ngạn) và ông Thân Văn Đông, thôn Phúc Thượng, (Song Mai, TP Bắc Giang). Kết quả, máy hoạt động rất hiệu quả, không chỉ bắt được bọ xít mà một số côn trùng khác cũng sập bẫy.

Ngô Quang Tú, trưởng nhóm cho biết: “Một sản phẩm máy bắt bọ xít có chi phí dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng; mồi bẫy bằng pheromone được chiết xuất thành dung dịch dẫn dụ bọ xít và côn trùng khoảng 20 - 30 nghìn đồng. Để nhân rộng và áp dụng tại các nhà vườn rất đơn giản”. 

Sản phẩm trên đã giành giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ XIII năm 2017.

Tiến tới đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Những sáng chế vì cộng đồng ảnh 1 Hà Công Minh (bên trái) cùng thầy giáo hướng dẫn kiểm tra máy trước khi ứng dụng.

Máy cho tôm, cá ăn điều khiển từ xa

Hà Công Minh, học sinh lớp 11, trường THPT Đông Thụy Anh (Thái Bình) đã chế tạo thành công máy cho tôm, cá ăn điều khiển từ xa. Minh cho biết, sinh ra lớn lên ở vùng ven biển, nơi có nhiều gia đình gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, được chứng kiến nhiều chủ đầm vất vả vác hàng chục kg thức ăn rắc xuống đầm nuôi tôm, cá, cậu đã hình thành ý tưởng sẽ chế tạo ra một chiếc máy cho tôm, cá ăn giúp người dân giảm bớt các khoản chi phí, giảm sức lao động.

Từ ý tưởng của mình, Minh thuyết phục thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Văn Chung (giáo viên môn Hóa học) hướng dẫn thực hiện đề tài. Sau nhiều tháng mày mò, chế tạo, hai thầy trò chế tạo thành công chiếc máy cho cá, tôm ăn điều khiển từ xa. Chiếc máy có cấu tạo gồm hai phần chính, gồm: phần máy di chuyển và khoang chứa thức ăn. Khi máy hoạt động, người điều khiển chỉ cần kiểm tra thiết bị, bảo đảm máy hoạt động bình thường sau đó cho thức ăn vào khoang chứa. Qua bộ điều khiển, điều khiển máy di chuyển trên mặt nước, rải thức ăn. Sản phẩm hoàn thiện, Minh mang máy chạy thử ở một số ao, đầm tại huyện Thái Thụy và mang lại kết quả khả quan. Một số chủ đầm đã liên hệ với cậu đặt mua máy cho tôm, cá ăn.

“Việc áp dụng máy cho tôm, cá ăn điều khiển từ xa khiến chất lượng nước được cải thiện và tôm, cá được cho ăn đồng đều. Bên cạnh đó rút ngắn thời gian cho tôm, cá ăn với mật độ thức ăn đồng đều (khoảng 15 - 30 phút cho đầm rộng khoảng 1 ha), tăng lượng oxy trong nước, hạn chế thức ăn bị chìm đáy, giúp tôm cá tăng trưởng nhanh và đều hơn”, Minh nói.

Sản phẩm của Minh đã giành giải Ba cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017.

Tối 1/12, T.Ư Đoàn tổ chức Chương trình tuyên dương Festival sáng tạo trẻ năm 2017. Tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong. Chương trình là hoạt động thường niên được T.Ư Đoàn tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, cổ vũ đoàn viên, thanh niên phát huy các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, làm chủ khoa học và công nghệ; đồng thời động viên, tôn vinh những công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc trong đoàn viên, thanh niên. Năm nay, có 35 công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu được tuyên dương.

MỚI - NÓNG